Những văn hóa phẩm có nội dung xấu, không phù hợp là sự “đầu độc” tâm hồn trẻ thơ, để lại nhiều hệ lụy, cần được xem xét một cách nghiêm túc đâu là “lỗ hổng” để những tác phẩm như vậy đến tay các em.
Vừa qua, nhiều phụ huynh tá hỏa khi xem những tác phẩm truyện tranh, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi, có những nội dung nhạy cảm, phản cảm, không phù hợp với trẻ em được bày bán và đã đến tay trẻ em.
Đó là cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn", có nhiều hình ảnh, lời thoại, chi tiết gợi dục nói về chuyện ân ái, tình một đêm… Cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của một nhà xuất bản địa phương cũng có những câu hội thoại giữa các nhân vật hết sức dung tục...
Ngoài ra, một số truyện tranh xuất bản chui, dịch lậu từ nước ngoài, được học sinh chuyền tay đọc, cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Những phát hiện nói trên có thể chưa phải là cuối cùng, bởi đa số bố mẹ do bận bịu, không có thời gian đọc qua những ấn phẩm có trong cặp, hay trên giá sách của con. Mặt khác, phụ huynh đều tin tưởng đó là những tác phẩm dành cho thiếu nhi, được xuất bản chính thống nên yên tâm không có vấn đề gì.
Chúng ta đều biết sách báo, văn hóa phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với việc giáo dục trẻ em, được coi như món ăn tinh thần của trẻ. Những văn hóa phẩm này được biên soạn bởi các chuyên gia, văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, được kiểm duyệt chặt chẽ, với yêu cầu chung là trong sáng, lành mạnh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và mục đích giáo dục trẻ em. Nếu những “món ăn” đó có sạn, thậm chí có độc tố, thì sẽ tạo ra nguy cơ làm méo mó, lệch lạc về nhân cách trẻ.
Tác hại của những văn hóa phẩm độc hại không diễn ra cấp tính, tức thời, mà gặm nhấm, bôi đen tâm hồn trẻ thơ từng ít một, để đến khi người lớn phát hiện ra hệ lụy thì đã muộn.
Thiết nghĩ cần truy trách nhiệm gắt gao về việc đã để lọt những tác phẩm như trên ra thị trường, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Nếu cần thiết, đề xuất chế tài xử lý hình sự đối với hành vi nói trên, vì tính chất nguy hiểm cho xã hội.
Một số tác giả, nhà xuất bản do chạy theo lợi nhuận nên thả nổi trong nhiều khâu, chạy theo xu hướng giật gân, câu khách rẻ tiền, đưa những yếu tố dung tục, phản cảm vào tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Một số tác giả, biên tập viên nhận thức, quan điểm lệch lạc, kém tài năng, làm việc cẩu thả cần phải được loại bỏ khỏi guồng máy làm sách, văn hóa phẩm dành cho thiếu nhi.
Chọn truyện tranh cho con thế nào để tránh nội dung bạo lực, phản cảm?
Theo TS Vũ Thu Hương, sách có nội dung người lớn cần có khuyến cáo ghi rõ dành cho lứa tuổi nào để không ảnh ... |
NXB Kim Đồng cam kết sửa truyện tranh có nội dung người lớn
NXB Kim Đồng - đơn vị xuất bản cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” - thừa nhận sách có một số nội dung, hình ảnh ... |