Các tài xế đi qua trạm thu phí BOT quốc lộ 1, đường tránh Biên Hòa (H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã dùng tiền lẻ loại 200 đồng, 500 đồng và cả tiền xu để trả phí, nhằm phản đối việc thu phí theo các tài xế là bất hợp lý tại đây. Nhiều tài xế cho biết, họ chạy trên tuyến quốc lộ 1 mà không hề đi qua đường tránh Biên Hòa nhưng vẫn phải đóng phí với mức cao so với nhiều trạm thu phí khác tại Đồng Nai.
Giao thông tắc nghẽn tại khu vực trạm thu phí BOT quốc lộ 1, tuyến tránh Biên Hòa chiều 9.9. |
Hậu quả là nhiều xe tìm cách trốn trạm và dân địa phương cũng phải lãnh hậu quả khi các tuyến đường liên xã bị xé nát.
Không đi qua đường tránh Biên Hòa vẫn phải trả phí
Dự án tuyến tránh TP.Biên Hòa do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dài hơn 12km, được đưa vào sử dụng năm 2014, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 10 năm.
Tuy nhiên, trạm thu phí này đang khiến nhiều tài xế và cả người dân địa phương rất bức xúc. Tài xế Đỗ Văn P (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã dùng hàng chục đồng xu mệnh giá 200 đồng để trả phí qua trạm. Anh P không đồng ý việc chủ đầu tư đặt trạm trên quốc lộ 1 vì cho rằng, giá vé đắt và dù tôi không đi đường tránh cũng phải trả tiền. “Tôi đang chịu mức phí 35.000 đồng mỗi lượt qua trạm, tôi cho rằng mức phí như vậy là quá cao. Tôi mong muốn trạm thu phí dời về đúng vị trí của nó trên đường tránh Biên Hòa” - anh P chia sẻ.
Tài xế Phạm Văn H cũng cho biết: Tôi chạy hàng từ KCN Amata (TP.Biên Hòa) tới Dầu Giây, dù không đi qua tuyến tránh Biên Hòa mà chỉ đi trên tuyến quốc lộ 1 nhưng cũng bị thu 75.000 đồng/lượt gây thiệt hại cho tôi rất nhiều.
Không chỉ tài xế chạy tuyến dài, mà chính người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí cũng bị “thiệt đơn, thiệt kép” vì tuyến đường liên xã Trung Hòa, Tây Hòa của H.Trảng Bom bị “xé” nát do các phương tiện thi nhau trốn trạm khiến đường bị hư hỏng nặng.
Khi các thanh rào chắn barie được dựng lên để hạn chế xe trốn trạm thì người dân địa phương cũng buộc phải đi qua trạm thu phí để đi làm và phải đóng phí.
Chia sẻ với Báo Lao Động, anh Nguyễn Anh H (ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết: Gia đình tôi có 2 xe ôtô chạy dịch vụ loại từ dưới 9 chỗ, nhưng từ khi lập rào chắn, xe tôi phải chạy qua trạm thu phí, nên nhiều xe chỉ đi khoảng 2km nhưng phải đóng cả 70.000 đồng tiền phí (2 lượt đi về). “Chúng tôi đồng ý làm rào chắn không cho xe tải nặng đi vào tránh làm hư hại đường, nhưng chúng tôi lại bị thiệt hại nặng vì phải đóng phí qua trạm” - anh H cho biết.
Tài xế dùng tiền lẻ loại 200 đồng, 500 đồng để trả phí qua trạm.Ảnh: M.C |
Chủ đầu tư cải tạo 10km trên quốc lộ 1
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Công ty CP đầu tư Đồng Thuận cho biết: Có xảy ra tình trạng lái xe dùng tiền lẻ để qua trạm, nhưng đã xử lý để đảm bảo tình hình giao thông tại khu vực trên. Cty CP đầu tư Đồng Thuận đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các hộ dân xung quanh trạm. Theo đó, chủ đầu tư đề nghị miễn giảm không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các phương tiện vận tải tại khu vực xung quanh trạm. Danh sách được miễn giảm có 108 phương tiện.
Trao đổi với Báo Lao Động về việc xây dựng tuyến tránh Biên Hòa nhưng đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 khiến nhiều người dân dù không sử dụng đường tránh vẫn bị thu phí, ông Lê Huy Triển - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 4.2 - cho biết: Chi cục thực hiện việc quản lý nhà nước khi đã hoàn thiện việc bố trí trạm, thu phí, thời gian thu phí. “Giai đoạn đó chi cục không tham gia, chỉ theo dõi quá trình thực hiện” - ông Triển nói.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc đầu tư làm đường tránh Biên Hòa, chủ đầu tư đã tiến hành cải tạo thêm 10km trên tuyến quốc lộ 1, để sau đó trạm thu phí xuất hiện trên quốc lộ 1, đoạn H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ông Lê Huy Triển cho biết, trước đây, làm trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa, chúng tôi xuống kiểm tra và có ý kiến rằng nếu làm tên trạm là trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa thì phải đưa trạm về tuyến tránh, TP.Biên Hòa để đặt. Tuy nhiên, sau đó, trạm được đặt tên thành trạm thu phí Cường Thuận.
Theo Chi cục Quản lý đường bộ 4.2, trong tháng 7.2017, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo chi cục kiểm tra giám sát việc thu phí, doanh thu, lưu lượng xe tại trạm thu phí Cường Thuận trong thời gian 10 ngày.
Sai phạm ở các dự án BOT: Có cơ sở để xem xét khởi tố? TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc Thanh tra Chính phủ “điểm tên, chỉ mặt” những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết và với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.“Nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm… thì những yếu tố lỗi đó sẽ cấu thành tội phạm” ông Dũng nói. (L.Anh) |
(http://laodong.vn/xa-hoi/tram-bot-quoc-lo-1-duong-tranh-bien-hoa-khong-qua-duong-tranh-van-phai-tra-phi-563870.ldo)
Dân chặn đường ôtô né BOT Biên Hòa: 2 nỗi khốn khổ...
Người dân dùng đá chặn xe trọng tải lớn đi vào không sai vì liên quan đến an toàn của họ, nhưng tài xế né ... |
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột"
Chủ đầu tư dự án BOT không đấu thầu, không cần tiền, không cần tính đến chuyện lỗ. Mức phí chủ đầu tư áp đặt ... |
\'Ở Việt Nam, đầu tư BOT kiểu gì cũng lãi, chỉ dân nghèo là thiệt!\'
Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nêu thực tế, nhà đầu tư chỉ lo ... |
Dùng BOT chừng nào trả phí chừng đó: ĐBQH hoan nghênh
Việc dân đi BOT chừng nào trả phí chừng đó nếu làm được sẽ tạo ra sự công bằng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là dùng cách nào ... |