Quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm khu vực Trung Đông ngày càng thêm căng thẳng.
Không lâu sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, những cuộc biểu tình phản đối quyết định chấn động này đã nổ ra ở khắp nơi. Hàng nghìn người Palestine đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình "Ngày cuồng nộ" ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza.
Các cuộc đụng độ đã nổ ra ở một số điểm ở Bờ Tây khi những người biểu tình ném gạch đá vào các binh sĩ Israel buộc phía Israel đáp trả bằng hơi cay.
Dòng người biểu tình quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel ở Mỹ.
Lực lượng cảnh sát Israel phải điều thêm hàng trăm cảnh sát và lính biên phòng đến khu vực Thành Cổ để đối phó với các cuộc biểu tình.
"Số người Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát Israel trong những cuộc biểu tình hôm 9/12 nhằm phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã lên đến 230 người", Hội "Trăng lưỡi liềm đỏ" Palestine cho biết trong một thông cáo báo chí.
Trước đó, bộ Y tế Palestine cũng đã thông báo có hơn 700 người bị thương trong các cuộc biểu tình vào ngày 8/12 ở các vùng khác nhau của Bờ Tây, Dải Gaza và Jerusalem.
Tại Mỹ, hôm 8/12 hàng trăm người Hồi giáo đã tập trung cầu nguyện trước khuôn viên Nhà Trắng để phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Tại các nước châu Á có đông người Hồi giáo cũng đã biểu tình rầm rộ. Ở Thủ đô của Afghanistan, hàng trăm người đã xuống đường tuần hành.
Tại Indonesia, dòng người cũng tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta. Một số người quấn khăn choàng đầu và vẫy cờ Palestine. Nhiều người hô vang khẩu hiệu ủng hộ "Palestine anh em".
Những cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra ở Malaysia, Bangladesh, Pakistan. Phía Triều Tiên ngày 9/12 cũng lên án mạnh mẽ việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với người dân Palestine và thế giới Ả Rập.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của ông sẽ thúc đẩy tiến trình hoà bình ở Trung Đông, nhiều nhà lãnh đạo thế giới lại bày tỏ quan điểm ngược lại.
Những người biểu tình ở Beirut, Lebanon phản đối quyết định của ông Trump.
Giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là “mồi lửa” làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực. Người đứng đầu chính quyền Palestine Mahmoud Abbas lên tiếng bác bỏ thông báo của Tổng thống Mỹ và nhấn mạnh, Washington không thể là nhà trung gian trong cuộc hòa đàm Israel - Palestine nữa. Theo ông Abbas, sự kiện này sẽ làm bùng lên chủ nghĩa quá khích trong khu vực.
Trong khi đó, chỉ huy lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari khẳng định, thành phố Jerusalem sẽ trở thành “nghĩa địa” của chính quyền Israel. Ông Jafari nhấn mạnh: "Mỹ và chính quyền Zionist (của Israel) đã có hành động dại dột nhất trong lịch sử nhằm chống lại Jerusalem”.
Trong phiên họp khẩn ngày 8/12 (giờ địa phương) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại New York, nước Mỹ đã bị cô lập khi lần lượt 14 nước thành viên còn lại chỉ trích quyết định ngày 6/12 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
“Nguy cơ thật sự hiện nay mà chúng ta có thể phải chứng kiến là một chuỗi các hành động đơn phương chỉ có thể đẩy mục tiêu hòa bình ngày càng đi xa. Nếu mâu thuẫn không được giải quyết nhanh chóng, thì tiến trình hòa bình Israel - Palestine có nguy cơ bị nhấn chìm trong cơn lốc chủ nghĩa cực đoan tôn giáo khắp Trung Đông”, điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Nickolay Mladenov đưa ra lời cảnh báo.
Ông Mladenov cho biết, thành phố Jerusalem sẽ mãi là biểu tượng quan trọng nhất trong đời sống, văn hóa của người Israel lẫn Palestine. Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ về Jerusalem đã làm người Palestine giận dữ, gieo rắc hoang mang khắp Trung Đông và khiến xung đột xảy ra giữa người biểu tình Palestine và lực lượng Israel.
Giới phân tích và các đồng minh của Mỹ cũng khẳng định quyết định của ông Donald Trump có thể hủy hoại nỗ lực hòa bình qua việc gây tổn hại các mối quan hệ của Washington trong khu vực và có khả năng đẩy người Palestine ra khỏi tiến trình này.
Hàng loạt nước đồng minh truyền thống của Mỹ tại Hội đồng Bảo an lên tiếng chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Trump. Đại sứ Nhật Bản Koro Bessho cho biết, Tokyo phản đối bất cứ biện pháp đơn phương nào về vấn đề Jerusalem, đồng thời lo sợ bạo lực sẽ dễ dàng bùng phát thành cuộc khủng hoảng to lớn hơn.
Năm nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển và Ý sau phiên họp ra tuyên bố chung đánh giá quyết định của Tổng thống Trump là điều vô ích cho triển vọng hòa bình tại khu vực.
Trong khi đó, Đại sứ Israel Danny Danon phản pháo rằng “sẽ không bao giờ có hòa bình nếu như Jerusalem không phải là Thủ đô của Israel”. Dẫn chứng bằng sự kiện vua David từ 3.000 năm trước đã chọn Jerusalem làm kinh đô của vương quốc Israel, ông Danon bảo vệ đồng minh Mỹ về “quyết định dũng cảm”, đồng thời tuyên bố rằng dưới chủ quyền của Israel, thành phố Jerusalem tự do và cởi mở với người dân của mọi tôn giáo hơn bất kỳ chế độ nào khác.
Trải qua 3.000 năm lịch sử, Jerusalem từng bị phá hủy 2 lần, bị bao vây 23 lần và bị tấn công đến 52 lần, cùng 44 lần bị chiếm rồi tái chiếm. Đến nay, đây vẫn là vùng đất luôn ẩn chứa căng thẳng.
Lãnh đạo Israel, Thổ Nhĩ Kỳ công kích nhau về Jerusalem Quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi phần nào sau khi lãnh đạo hai nước công kích lẫn nhau, liên quan việc Mỹ coi Jerusalem ... |
Iran chỉ trích Mỹ \'thêm dầu vào lửa\' ở Trung Đông Tổng thống Iran cho rằng ông chủ Nhà Trắng đã có một quyết định "không chính xác" khi công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. |