Toà ngăn luật sư hỏi đại diện Bộ Y tế tại vụ án 9 bệnh nhân tử vong

Lần đầu tiên đại diện Bộ Y tế có mặt tại toà song HĐXX sử dụng "quyền của toà án" không cho phép luật sư đặt câu hỏi. 

Ngày 22/5, ngày thứ sáu xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đại diện Bộ Y tế được mời đến toà để làm rõ về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Ngay hôm khai mạc phiên xử, nhiều luật sư cũng đã đề nghị triệu tập Bộ Y tế song HĐXX chưa có ý kiến. Trong phần xét hỏi sau đó, luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cũng đề nghị được mời đại diện Bộ Y tế đến toà song HĐXX không chấp nhận với lý do “không cần thiết”.

Trước việc đại diện Bộ Y tế xuất hiện tại toà hôm nay, luật sư Nguyễn Chiến đề nghị được hỏi nhưng HĐXX không chấp nhận vì đơn vị này được toà án mời đến để trả lời vấn đề thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Ông Chiến cho biết cũng chỉ hỏi về chức năng này nhưng HĐXX vẫn bác bỏ, nói rằng “đây là quyền của toà án”.

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong
Phiên toà đã qua 6 ngày làm việc. Ảnh: Phạm Dự.

Trả lời VnExpress sau phiên toà, luật sư Chiến cho biết việc đại diện Bộ Y tế xuất hiện sẽ làm rõ hơn nhiều vấn đề và trách nhiệm của những người liên quan song HĐXX đã "ngang nhiên hạn chế quyền của luật sư".

Theo ông, với tinh thần cải cách tư pháp, phiên toà phải công khai để bên gỡ tội làm hết chức năng của mình để tìm ra sự thật khách quan. Tuy nhiên, việc này đã bị "chặn lại".

Bộ Y tế: Thế giới chưa từng xảy ra sự cố như ở Bệnh viện Hoà Bình

Trả lời thẩm vấn trước toà, ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế) cho biết, không nắm được Bộ Y tế có cho phép Bệnh viện đa khoa Hoà Bình chạy thận nhân tạo hay không.

Để đảm bảo quy chuẩn trong lọc máu, Bộ đang áp dụng tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại các cơ sở y tế, có hai quy định về quy trình chạy thận gồm: quy định lọc máu chu kì trong lọc thận nhân tạo năm 2000 và quy định số 3592 năm 2014. Quy trình lọc máu chạy thận nhân tạo sau khi Bộ Y tế ban hành đều gửi đến Giám đốc Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Sở Y tế sau đó phải có trách nhiệm phổ biến đến các đơn vị.

Ông Quang cho biết sự việc 9 người tử vong là sự cố y khoa đặc biệt nghiệm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín Bệnh viện đa khoa Hoà Bình và cả ngành y tế. Bộ Y tế ngay sau đó đã rà soát và nhận thấy quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau nên tháng 4/2018 đã ban hành quyết định gồm 52 quy trình. Trong đó 7 quy trình liên quan đến hoạt động lọc nước RO.

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong
Ông Nguyễn Huy Quang đại diện cho Bộ Y tế đến toà. Ảnh: Phạm Dự.

Ông Nguyễn Trọng Khoa (Phó cục Trưởng khám chữa bệnh) cho biết, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều có thể chạy thận và thẩm quyền quyết định thuộc về Sở y tế ở nơi đó. Ngoài các hướng dẫn của nhà sản xuất về thiết bị của mình, Bộ Y tế cũng đã ban hành hơn 7000 quy trình kỹ thuật để hướng dẫn. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm.

Vị phó cục trưởng cho biết thêm, việc 9 người tử vong khi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình “cả thế giới cũng chưa từng xảy ra”. Mỹ đã xảy ra sự cố tương tự nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng như vậy.

Điều dưỡng Công khẳng định được "giao sửa sổ giao ban"

Trong phiên xét hỏi hôm nay, đại diện VKS đề nghị được hỏi ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc bệnh viện Hoà Bình, Trưởng khoa hồi sức tích cực) để làm rõ việc ghi thêm nội dung vào sổ họp giao ban. Chiều qua (21/5), ông Khiếu đang trả lời thẩm vấn trước toà thì hết giờ làm việc.

Theo các luật sư, nội dung ghi thêm về trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương là một trong những bằng chứng để các cơ quan tố tụng truy tố bác sĩ này về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này nếu được xác định là "nguỵ tạo" thì tội danh với bác sĩ Lương cần phải được xem xét lại.

Mở đầu phần xét hỏi, ông Khiếu cho hay sau khi xảy ra sự cố, một số giấy tờ, hồ sơ chưa hoàn thiện nên ông nói với nhân viên rằng: “Cái gì còn sót thì hoàn thiện nốt”.

Ông Khiếu tiếp tục khẳng định việc phân công trách nhiệm quản lý cho bác sĩ Lương là khách quan, đúng thực tế chứ “không nhằm mục đích gì”. Ông đánh giá Lương là" cán bộ ưu tú".

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong
Ông Hoàng Đình Khiếu. Ảnh: Phạm Dự.

Cơ quan công tố cho rằng, khi phúc cung ở giai đoạn truy tố, anh Công luôn khẳng định sổ bàn giao không bị chỉnh sửa nhưng hôm qua lại thay đổi lời khai. “Vậy lời khai nào là đúng?”, công tố viên hỏi.

Điều dưỡng viên Công khẳng định lời khai trước toà buổi chiều qua là đúng vì "đó mới là sự thật". Người dân theo dõi phiên toà trong phòng xử án lại dội lên tràng pháo tay và cười to.

Công cho biết không nhớ thời điểm ghi thêm. Anh chỉ biết khi ghi thì có ông Khiếu và Hoàng Công Tình nhìn thấy. Công cũng khẳng định, ông Khiếu chỉ đạo viết thêm và nói rằng đã có thống nhất của lãnh đạo khoa.

"Trưởng khoa Khiếu nói ký vào sổ giao ban ngay sau khi cuộc họp đánh giá viên chức diễn ra nhưng thực tế không có chữ ký nào. Sau khi sự cố xảy ra, tôi bổ sung thêm thông tin ông Khiếu mới ký chốt biên bản", nam điều dưỡng nói.

Giám đốc Bệnh viện Hoà Bình tiếp tục không tới phiên toà

Trong phiên xử hôm nay, HĐXX cũng công bố lời khai của nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương và trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng do hai ông này không đến toà.

Lời khai của ông Dương thể hiện, sau khi ký hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, bệnh viện đã giao cho phòng vật tư phối hợp với khoa hồi sức tích cực chịu trách nhiệm thực hiện. Hai đơn vị này sau đó đã giao cán bộ giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị.

Ông Dương cho biết thêm, có gặp Bùi Mạnh Quốc lên sửa chữa thiết bị nhưng nghĩ rằng đó là người của Công ty Thiên Sơn. Ông không biết việc Công ty Trâm Anh đã ký hợp đồng lại với Thiên Sơn. Vị giám đốc cho hay đã đại diện bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn vào ngày 25/5/2017 nhưng công ty này đã bán lại cho Công ty Trâm Anh trong buổi tối cùng ngày.

Nguyên giám đốc cũng khẳng định, Lương được phân công nhiệm vụ ở đơn nguyên thận nhân tạo. Công việc cụ thể như nào thì do trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu phân công.

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong
Bị cáo Lương (phải) và bác sĩ Hoàng Công Tình đến toà. Ảnh: Phạm Dự.

Được gọi lên chất vấn ngay sau đó, bị cáo Lương nói, “không đồng ý về lời khai của ông Dương về phần phân công nhiệm vụ cho anh”. Anh chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn của bác sĩ chứ không quản lý đơn nguyên thận nhân tạo.

Theo lời khai của ông Trần Văn Thắng, Trần Văn Sơn được giao nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO. Anh này còn chịu trách nhiệm lập hồ sơ sửa chữa thiết bị. Tuy nhiên, Sơn cho biết mình không được cầm hợp đồng và xem nội dung nên không nắm được việc phải lấy mẫu nguồn nước xét nghiệm đảm bảo an toàn.

Trả lời thẩm vấn trước toà, đại diện công ty Thiên Sơn cho biết, một số bác sĩ khai “vô trách nhiệm” khi khai rằng, từ trước đến nay vẫn đưa thiết bị vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa, việc lấy mẫu nước xét nghiệm được thực hiện sau đó để hoàn thiện hồ sơ. Vị đại diện cho rằng: Bệnh viện mà nói thế “thì không cần cứu chữa người bệnh làm gì nữa”, nếu đã kiểm nghiệm nguồn nước chắc chắn không có chết người.

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 8 người lần lượt tử vong, người thứ 9 tử vong sau đó ít tháng.

Nhà chức trách cáo buộc, với trình độ, trách nhiệm được giao, Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Tuy nhiên sáng 29/5/2017, Lương không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.

Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp hai loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước.

Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.

Nguyễn Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) bị cáo buộc đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28/5/2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo sử dụng nguồn nước này.

Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Quốc về tội Vô ý làm chết người.

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong Lời khai thay đổi trong phiên toà đang có lợi cho bác sĩ Hoàng Công Lương

Việc điều dưỡng Công bất ngờ thay đổi lời khai trước tòa, theo ĐBQH Nguyễn Chiến, đây là tình tiết mới rất quan trọng có ...

toa ngan luat su hoi dai dien bo y te tai vu an 9 benh nhan tu vong Vụ xét xử BS Hoàng Công Lương: Luật sư nói lời khai của ông Dương là \'không có giá trị\'

Trong buổi sáng này ngày hôm nay (22/5), HĐXX đã công bố lời khai của nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa về việc có ...

Phạm Dự / VnExpress