Không thể không đặt ra câu hỏi đó khi báo cáo ban đầu cho thấy chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tài sản công cũng như tặng và nhận quà Tết trái quy định trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua.
Chẳng những thế, đây là năm thứ ba liên tiếp cả nước không phát hiện bất cứ trường hợp nào biếu xén cũng như nhận biếu xén dịp Tết trái quy định. Cho dù trước Tết Mậu Tuất 2018, cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có nhận được hơn 50 cuộc điện thoại phản ánh về việc tặng quà Tết trái quy định. Song, qua phân loại xử lý, chuyển giao cho người đứng đầu địa phương và các ngành kiểm tra, làm rõ đã cho kết quả là không có trường hợp nào trái quy định.
Việc chưa phát hiện trường hợp tặng, nhận quà Tết trái quy định góp thêm một điểm sáng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, điều đã được Tổ chức minh bạch quốc tế ghi nhận. Đây cũng là kết quả khích lệ từ việc thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tổ chức Tết, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết; cũng như Chỉ thị 82 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Tuy nhiên, việc cả nước chưa phát hiện trường hợp nào đã làm dấy lên không ít thắc mắc, hoài nghi. Liệu con số "đẹp như mơ" ấy có phải là sự thật? Thật khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Chắc chẳng có ai lại "báo cáo" việc mình đi biếu xén hay được nhận những món quà Tết, nhất là những "món quà" có giá trị lớn và trái quy định.
Bởi thế, theo báo cáo về vấn đề này, từ bộ, ngành ở trung ương tới các địa phương, khó có phản ánh trung thực tình hình thực tế. Hơn ai hết, những người đứng đầu các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp… đều biết rất rõ.
Tệ nạn biếu xén dịp Tết còn phần nào có thể thấy qua các vụ tham nhũng, tham ô đã bị lôi ra ánh sáng pháp luật. Trong đó, điển hình là "đại án tham nhũng" xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ngay trước Tết Mậu Tuất 2018. Tại tòa, có bị cáo đã khai nhận là bị cáo này nghe rất rõ Trịnh Xuân Thanh từng yêu cầu: "Đưa tao 4 đồng tiêu Tết" dù Trịnh Xuân Thanh phủ nhận. 4 đồng ở đây là 4 tỉ đồng.
Gọi là tặng và nhận "quà" Tết, song với trường hợp trái quy định, đó chính là một hình thức đưa và nhận hối lộ, là tham nhũng.
Biếu xén Tết, nếu càng khó phát hiện, càng dễ khiến tệ nạn này tồn tại trong bộ máy công quyền. Mọi quy định, lệnh cấm tặng và nhận quà Tết đều khó đi vào cuộc sống nếu không đi kèm với đó một cơ chế phát hiện, kiểm tra, giám sát hiệu quả.
Chắc hẳn không có cá nhân nào, trừ các chủ doanh nghiệp tư nhân, lại phải lấy tiền túi mình đi biếu xén Tết, đặc biệt với "quà" giá trị lớn. Nói cách khác là lấy từ nguồn "tiền chùa". Cơ chế chặn từ gốc nạn "quà Tết" vì thế phải bắt đầu từ việc quản thật chặt tài sản, ngân quỹ công. Trường hợp chi sai phải truy tới cùng mục đích, "điểm đến" của việc chi sai để xử lý tới nơi tới chốn. Không có "quỹ đen, quỹ đỏ", không lấy được 1 đồng công quỹ là cách hiệu quả bậc nhất phòng chống biếu xén Tết. Chưa làm được như vậy thì còn hoài nghi đối với các bản báo cáo về tình hình tặng, nhận quà Tết.
Cả nước chưa phát hiện việc tặng quà Tết 2018 trái quy định
Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đang tổng hợp báo cáo của các đơn vị về việc sử dụng tài sản công, ... |
Thanh tra Chính phủ nhận 90 tin phản ánh việc biếu, tặng quà Tết
Theo thông tin của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP), đơn vị này đã tiếp nhận 90 tin tức từ đường dây nóng, tin ... |