Thêm một khách hàng của Eximbank vừa có đơn gửi kiên quyết yêu cầu ngân hàng này phải trả lại số tiền gửi tiết kiệm đã “không cánh mà bay” của mình. 28 tỉ đồng gửi đi, để khi nhìn lại, chỉ còn có 195 triệu đồng... với một kịch bản đã trở nên quá quen thuộc, nhân viên ngân hàng lừa đảo, Eximbank nói, chờ tòa, trong khi khách hàng phẫn uất, tuyệt vọng.
Tiền gửi tiết kiệm của nhiều khách tại ngân hàng Eximbank "bốc hơi". Ảnh minh họa.
Người gửi đơn là ông Nguyễn Tiến Nam, người mất 28 tỉ đồng gửi tại Eximbank (Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam) chi nhánh Đô Lương, Nghệ An, 1 trong 6 nạn nhân trong vụ 50 tỉ đồng gửi tiết kiệm "bốc hơi".
“Kịch bản” mất tiền y như vụ bà Chu Thị Bình: Ông Nam gửi tiền tại Eximbank, từ 28 tỉ, giờ chỉ còn lại 195 triệu đồng. Nguyên do: Cán bộ ngân hàng lừa đảo. Còn Eximbank, cũng vẫn đề nghị “tạm ứng” (1,55 tỉ đồng). Số tiền gửi còn lại thì “chờ phán quyết của tòa án.
Có thể hiểu và thông cảm với nỗi bức xúc của ông Nam. Khi đã chọn gửi kênh ngân hàng, có nghĩa là người dân trông chờ vào sự an toàn của tài sản, hơn là vì những đồng tiền lãi không hề lớn hơn tỷ lệ % phá giá mỗi năm. Nói như ông Nam, đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt được gửi gắm vào ngân hàng và việc ông đòi lại tiền là chính đáng, là hợp pháp chứ không phải là “đi xin” ngân hàng.
Nhưng cái cách mà Eximbank tạm ứng, như một sự bố thí, cái cách mà họ buộc khách hàng chờ phán xử của tòa án đang cho thấy ngân hàng này đang bội tín với khách hàng của mình.
Bởi khi khách hàng gửi tiền thì đó là họ gửi tiền vào ngân hàng chứ không phải gửi cho bất cứ cá nhân, nhân viên nào cả. Chuyện nhân viên ngân hàng lừa đảo thì đó cũng là hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của ngân hàng chứ không phải tiền của cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng. Đó là lẽ hiển nhiên trong cả những giao dịch mang tính chất đời thường cũng như các nguyên tắc giao kết kinh tế.
Nhưng với việc yêu cầu chờ đợi một phiên tòa, với việc từ chối trả lại tiền cho khách hàng, Eximbank thực sự là đang biến khách hàng trở thành nạn nhân, trong khi họ lại chỉ là người có liên quan.
Chính cách thức xử lý mang tính thủ thuật, tiểu xảo này, Eximbank, trong cả vụ 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình và vụ ông Nguyễn Tiến Nam bây giờ, đang trốn trách nhiệm trong những trường hợp nhân viên của họ lừa chính họ để chiếm đoạt tiền.
Năm 2012, khi thay đổi logo mới với hình ảnh đồng tiền (tròn) màu xanh dương với dấu vô cực (∞) ở trung tâm, Eximbank nhấn cực mạnh đến chữ tín. Nào là “sự viên mãn đủ đầy làm nên niềm tin trọn vẹn”, nào là “tượng trưng cho hiện đại, an toàn...”... Nhưng thực tế thì đúng là tấm áo không làm nên thầy tu.
Eximbank không có cách nào khác là phải trả lại ngay tiền cho khách hàng, có lẽ, đó mới là cách giữ chữ tín chứ không phải là việc vẽ bùa cho những chữ tín trên giấy.
Cảnh sát bất ngờ khám xét Eximbank chi nhánh TP.HCM, bắt 2 người
Sáng 26/3, Bộ Công an bất ngờ khám xét chi nhánh Ngân hàng Eximbank ở TP.HCM. Hai nữ cán bộ tại chi nhánh này bị ... |
Mất gần 300 tỉ đồng ở Eximbank: Khách hàng nóng ruột, ngân hàng bảo... bình tĩnh!
Mặc dù được Cơ quan điều tra trả lời rằng: "Eximbank là bị hại mất tiền. Eximbank giải quyết các yêu cầu cho khách hàng ... |