Phát lệnh thông xe cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu made in Việt Nam - cầu Bạch Đằng bên dòng sông lịch sử.
Sáng 1/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành, thông xe cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, công trình có vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng giúp giảm thời gian đi ô tô từ Hà Nội đến Quảng Ninh còn 1,5 giờ so với 3,5 giờ như trước kia.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có chiều dài 24,6km, rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, tổng vốn đầu tư 6.416 tỷ đồng.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công - tư (PPP), được coi là một hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc dự lễ khánh thành, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng.
Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,4 km được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức vốn 7.661 tỷ đồng. Công trình do chính người Việt Nam tự đầu tư, thiết kế, tổ chức thi công với kỹ thuật phức tạp, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130 km; thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ; rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75 km hiện nay xuống còn 25 km.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành.
Tuyên bố khánh thành, thông xe, đưa vào vận hành công trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu Made in Việt Nam - cầu Bạch Đằng - một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam.
Người Việt Nam tự đầu tư, tự thiết kế, thi công với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Cầu Bạch Đằng có kiến trúc rất độc đáo, đặc sắc do những nhịp cầu tạo thành 3 chữ H rất có ý nghĩa: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khánh thành và thông xe.
Theo Thủ tướng, một đột phá là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển: Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội lớn cho toàn khu vực. Công trình cũng tạo đột phá về mặt thời gian, tài nguyên quý nhất.
Thủ tướng cho rằng, cây cầu có sự đột phá bởi tư duy năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Đó là một sự táo bạo, sự đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đông đảo đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng về dự lễ khánh thành.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động đã làm việc ngày đêm trên công trường và cảm ơn những hộ gia đình trong vùng dự án đã dành mặt bằng cho dự án.
“Tôi yêu cầu chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống của nhân dân. Tôi đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại để tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Tuyến đường cao tốc và cây cầu hiện đại này là một sự đầu tư lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ của đất nước, từ các nhà đầu tư đến nhân dân, chính quyền và các đơn vị triển khai. Nhiệm vụ quan trọng của chúng ta tiếp theo là làm sao cho sự đầu tư này thực sự có hiệu quả. Để tuyến đường thực sự có hiệu quả thì nó phải thu hút được nhiều hành khách, hàng hóa vận chuyển qua đó. Điều này phụ thuộc then chốt vào sự cất cánh kinh tế và du lịch của tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Cầu Bạch Đằng trong ngày khánh thành, thông xe.
Thủ tướng cho biết, năm 2018, Việt Nam sẽ hoàn thành toàn diện vượt mức 12 chỉ tiêu kế hoạch nhà nước. Đời sống nhân dân được cải thiện trong đó có sự đóng góp trực tiếp của 2 địa phương trọng điểm là Quảng Ninh, Hải Phòng.
Thủ tướng đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, chất lượng cao hơn để khu vực này trở thành một trung tâm du lịch, chế tạo và sáng tạo hàng đầu của đất nước.
“Điều này không dễ nhưng đây là một mục tiêu chính của Chính phủ, của chính quyền, các nhà đầu tư và nhân dân. Đây là mục tiêu của cây cầu và tuyến đường này, mong các đồng chí hết sức đầu tư trí tuệ, sức lực, đưa giấc mơ chung này của chúng ta thành hiện thực”, Thủ tướng nói.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Hôm nay, tổ chức Lễ khánh thành thông xe và chính thức đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với TP Hải Phòng qua dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Các công trình trọng điểm khác của tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thành trong năm 2018 như: Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cũng được đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư, ngân sách tỉnh cho công tác GPMB.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 80,2km đường cao tốc nối tiếp từ sân bay Vân Đồn đến thành phố Móng Cái vào Quý IV/2018. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành đầu tư gần 200 km đường bộ cao tốc, đóng góp 1/10 số lượng cao tốc hoàn thành trên toàn quốc theo mục tiêu của Chính phủ".
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ khánh thành, thông xe cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng:
Từ sáng sớm, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông đã có mặt phân làn, điều tiết, hướng dẫn giao thông phục vụ lễ khánh thành và thông xe.
Đông đảo các đại biểu của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng về dự lễ.
Cây cầu với nhiều kỷ lục do người Việt Nam thiết kế, thi công.
Đông đảo công nhân, kỹ sư, người lao động thi công cũng đến tham dự buổi lễ.
Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương cắt băng khánh thành và thông xe.
Các vị lãnh đạo Trung ương tham quan cây cầu sau khi cắt băng khánh thành.
Dự án cầu Bạch Đằng là một trong những công trình có quy mô lớn, có tính chất kỹ thuật phức tạp, chiều dài 5,4km, vận tốc thiết kế 100km/giờ, cầu chính có kết cấu dây văng 2 mặt phẳng dây 4 nhịp, 3 trụ tháp hình chữ H (mang ý nghĩa ba chữ cái đầu của tên các Thành phố: Hạ Long - Hải Phòng và Hà Nội).
Dự án góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối Vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng; giảm tải lưu lượng cho Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10.
Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3, từ 75km xuống còn 25km, đến sây bay Quốc tế Cát Bi, Hải Phòng chỉ còn 30 km; liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động, phát huy được lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng như phát triển kinh tế vùng, liên vùng quốc tế.
Ảnh: Cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Hải Phòng "thay áo" trước ngày thông xe
Cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vừa được hoàn thiện những công việc cuối cùng, sẵn sàng cho lễ ... |
Người hiến kế cho Ngô Quyền cắm cọc xuống sông Bạch Đằng
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một trong những trận thủy chiến lớn mà quân và dân ta giành thắng lợi trước quân xâm ... |
Ngô Quyền và trận địa cọc lừng lẫy trên sông Bạch Đằng
Chiến thắng Bạch Đằng đập tan quân Nam Hán đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi vậy, Ngô Quyền được ... |