Việc tiến hành thu phí trên QL5 cũ là với mục đích hoàn vốn cho đường cao tốc, nên không thể viện cớ cho rằng tiền thu chỉ đủ sửa đường.
Quỹ bảo trì đường bộ đâu?
Liên quan đến việc một số đối tượng kích động người tham gia giao thông gây cản trở việc thu phí tại khu vực trạm thu phí Quốc lộ 5, lãnh đạo Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định, việc thu phí Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường và chưa thể hoàn vốn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.
VIDIFi cũng cho rằng, số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.
Với mức thu phí trên Quốc lộ 5 như hiện nay, phía VIDIFI tính toán phải thu phí trong hơn 12 năm mới đủ kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì Quốc lộ 5.
Về vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội: "Về phía các doanh nghiệp vận tải, từ trước đến nay chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm việc thu phí đường QL5 cũ là bất hợp lý.
Còn hiện tại, VIDIFI cho rằng việc thu phí chỉ đủ tiền để sửa chữa đường vậy thì tiền quỹ bảo trì đường bộ do dân và doanh nghiệp vận tải vẫn đang đóng đâu?.
Nhất là khi đường QL5 cũ là tuyến đường dùng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư sửa chữa, nâng cấp lại. Các doanh nghiệp đã đóng phí bảo trì đường bộ trên từng đầu xe, nghĩa là số tiền đó phải để dùng nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, nếu thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ bù bằng các nguồn khác.
Trạm thu phí Quốc lộ 5. Ảnh TTXVN
Để thấy, không thể viện cớ số tiền thu phí được mới chỉ đủ cho việc sửa chữa đường còn chưa hoàn vốn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Ngay từ ban đầu, việc tiến hành thu phí trên QL5 cũ là với mục đích hoàn vốn cho đường cao tốc, vì số lượng xe đi cao tốc không đáp ứng được yêu cầu, xe rất vắng.
Hiện chủ yếu xe tải, xe container, còn đâu tất cả đều đi đường 5 cũ, nên mới đề xuất thu phí đường QL5 cũ để bù trừ cho đường cao tốc. Giờ lại nói là số tiền thu được dành cho sửa chữa, chứ chưa hoàn vốn vậy tức là sao, có uẩn khúc gì không?".
Cũng theo ông Liên, về thu phí bảo trì đường bộ, Chính phủ đã cho thành lập Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, các ngành khác tham gia quản lý.
Khi đó, bản thân ông đã có văn bản kiến nghị không nên để Bộ trưởng Bộ GTVT làm chủ tịch Hội đồng, vì như thế sẽ dẫn tới thực trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Nên chuyển cho Bộ Tài chính quản lý trực tiếp, còn Bộ GTVT chỉ kiểm tra các trạm đăng kiểm, việc thu tiền sẽ do các kho bạc nhà nước trực tiếp thu.
Việc không tiếp nhận ý kiến dẫn tới bây giờ lại quyết định giải thể, đưa về Bộ Tài chính quản lý chung, vì đã thấy bất cập, quá tốn kém.
Theo vị chuyên gia trên, việc quyết toán các dự án hiện nay không ai biết nên mập mờ, vì trong Hội đồng quỹ bảo trì ở địa phương lại do Chủ tịch UBND địa phương làm chủ tịch, nên khó kiểm soát.
"Với VIDIFI, khi đưa ra giải thích như vậy thì bây giờ công khai đi, công khai toàn bộ số tiền thu được từ năm 2009 đến nay là bao nhiêu, số lần sửa chữa đường QL5 là bao nhiêu, tiền sửa chữa những lần đó là bao nhiêu, khi đó sẽ biết ngay.
Chứ không thể vì thấy dân phản đối thì quay ra nói thu phí để sửa đường, vậy tiền bảo trì đường bộ hàng năm doanh nghiệp vận tải nộp, dân nộp đang dùng vào việc gì? -ông Liên hỏi ngược.
Cần xem lại toàn bộ dự án
Cũng đưa ra quan điểm về sự việc trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Đại học Xây dựng Hà Nội lại cho rằng, chi phí duy tu, bảo dưỡng trong 30 năm, sẽ phải nằm ngay trong dự toán ban đầu của dự án.
Bởi khi thiết kế con đường sẽ có một dự trù hàng năm phải duy tu bao nhiêu, số tiền trên được tính toán dùng từ nguồn nào cụ thể. Và hiện nay phí đường bộ đã thu khoản tiền trên, các phương tiện xe cơ giới đều phải nộp, đương nhiên quỹ trên phải chi cho việc sửa chữa đường QL5.
Còn thu phí QL5 để hoàn vốn cho đường cao tốc là một quyết định sai ngay từ đầu, dân đóng tiền duy tu đường QL5 lại còn phải nộp thêm cho đường cao tốc khi không được đi, trong khi đáng lẽ ai đi mới phải nộp tiền.
Giờ đem 2 dự án gắn với nhau đã là sự khập khiễng, bất hợp lý, không thể dự án này gánh cho cái khác.
Hơn nữa, trước đây đường QL5 tiến hành thu phí với mức giá khá hợp lý, nhưng sau khi có đường cao tốc đã tăng giá gấp 3 lần.
Phí đường QL5 hiện đang cao, chỉ có 102km, thu 2 trạm, xe dưới 9 chỗ ngồi thu 45.000đ, 2 chiều là 90.000đ. Trong khi, đường cao tốc thu 200.000đ/lượt, như vậy tuyến đường có sẵn, dành cho dân mà thu bằng nửa đường cao tốc.
Theo nguyên tắc về kinh tế, khi anh tạo ra đường tốt hơn thì dân sẽ tự chọn đường tốt để đi, chứ không cần phải ép. Phản ánh này đã được nhiều ý kiến, từ chuyên gia, người dân cho đến các nhà lãnh đạo có chức quyền nhưng bên cơ quan quản lý cứ lờ đi.
Tài xế lại phản ứng việc thu phí trên quốc lộ 5
Sáng nay, một số tài xế đã dừng xe tại làn thu phí của trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 (Hưng Yên) để ... |
Tranh cãi việc bỏ khoảng cách 70km giữa 2 trạm thu phí đường bộ
Nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc bỏ quy định hai trạm thu phí phải cách ... |