Thống đốc: \'Lượng lớn vàng, đôla trong dân đã chuyển hóa vào nền kinh tế\'

Thống đốc cho rằng nguồn vốn đã không còn đổ vào các tài sản tài chính nhờ sự điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin với doanh nghiệp... của Chính phủ. 

Là thành viên Chính phủ thứ 2 trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng được đánh giá “thẳng thắn, tạo nên phiên chất vấn sôi nổi”. Lãnh đạo Quốc hội cũng nhìn nhận tư lệnh ngành ngân hàng đã nắm rõ tình hình dù mới hơn một năm nhậm chức.

Phần chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng chiều nay ghi nhận 48 đại biểu đăng ký chất vấn.

Ngay ít phút trước khi nhận chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có 3 phút báo cáo khái quát tình hình ‘sức khoẻ’ hệ thống ngân hàng, giải pháp chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% năm nay. Theo ông Hưng, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã mua được thêm 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD. “Đây là con số đáng ấn tượng”, ông Hưng đánh giá.

thong doc luong lon vang dola trong dan da chuyen hoa vao nen kinh te

Thống đốc Lê Minh Hưng nhận được nhiều câu hỏi về tín dụng, vàng-ngoại tệ, Bitcoin và BOT.

Dân cần niềm tin để ‘hiến’ vàng cho Nhà nước

Sự thẳng thắn của vị trưởng ngành được ghi nhận khi không né tránh những bất cập, cũng như trả lời thẳng vào những vấn đề mà đại biểu nêu. Trước đó, rất nhiều ý kiến băn khoăn khi lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang “tồn” rất nhiều nhưng lại chưa được huy động thành nguồn lực, biến thành vốn đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, lượng vàng, ngoại tệ người dân trực tiếp nắm giữ còn lớn, nếu huy động được có thể bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh. "Xin cho biết quan điểm của mình về vấn đề này? Sắp tới có chính sách gì?", ông hỏi.

Dẫn chuyện gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô, Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến 5.000 lượng vàng trước đây, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về niềm tin của người dân “sẽ giúp Nhà nước trong việc huy động vốn”.

“Thống đốc có giải pháp gì hợp lòng dân và cam kết bảo đảm bảo tiền gửi cho người dân hay không bởi cam kết tạo niềm tin với dân rất quan trọng”, ông chất vấn.

Đại biểu Lê Công Nhường chất vấn về giải pháp huy động vốn trong dân.

Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. “Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực”, ông nói.

Tư lệnh ngành ngân hàng phân tích: trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, khiến thị trường có tác động, gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế.

Ông cũng cho rằng, ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VNĐ.

“Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt”, Thống đốc nói thêm.

Ngân hàng 0 đồng nếu đổ vỡ sẽ gây hiệu ứng domino

Tại phiên chất vấn chiều nay, các đại biểu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới câu chuyện xử lý các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và mua lại ngân hàng 0 đồng thời gian của Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán bắt buộc một số ngân hàng 0 đồng khiến người gửi tiền, nhân dân lo lắng. "Nếu đổ vỡ sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Đề nghị cho biết những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tài sản xấu, thu hút nhà đầu tư tham gia hiệu quả các ngân hàng yếu kém", đại biểu nói.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa Đà Nẵng cũng đặt câu hỏi về ngân hàng 0 đồng. Đại biểu này lo ngại Nhà nước có phải chi ngân sách cho phục hồi hoạt động của 3 ngân hàng 0 đồng không?

Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là phải cảnh báo thường xuyên kịp thời về sức khỏe của các ngân hàng. Bà đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước sắp tới có xếp hạng đánh giá sức khỏe các ngân hàng thường xuyên “để người dân khỏi sốc khi đột nhiên có ngân hàng bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt”.

Thừa nhận các ngân hàng 0 đồng sau khi mua bắt buộc lại vẫn còn thua lỗ, nhưng Thống đốc khẳng định, điều quan trọng nhất là đã ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh rút tiền hàng loạt, lây lan sang hệ thống.

Theo ông, việc xây dựng phương án để xử lý triệt để các ngân hàng này cần thời gian, Ngân hàng Nhà nước đã đưa cán bộ từ Vietcombank, VietinBank sang kiện toàn, tăng cường hoạt động đảm bảo an toàn, đẩy mạnh tiết giảm chi phí để giảm lỗ.

"Cơ bản hoạt động các ngân hàng này đã ổn định, lỗ lũy kế giảm dần", ông Hưng thông tin.

Việc chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ trong xử lý các ngân hàng yếu kém theo Thống đốc là khó khăn. Theo ông mục tiêu ưu tiên của Chính phủ là tìm các nhà đầu tư mới có năng lực. "Khi có các nhà đầu tư vào, sẽ có công cụ để xử lý các ngân hàng này", ông nói.

Về cam kết bảo hiểm tiền gửi, Thống đốc khẳng định quan điểm “trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cho nên chọn bất cứ giải pháp nào mục tiêu đó phải được đảm bảo".

Ông bày tỏ mong muốn đại biểu Quốc hội xem xét những giải pháp, chính sách đề xuất trong luật tổ chức tín dụng để có cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ và có thể xử lý được cáo giải pháp khác nhau đáp ứng mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo an toàn lòng tin và quyền lợi của người gửi tiền.

Nhà đầu tư BOT cần vốn, còn ngân hàng cần "chặn" rủi ro

Đề cập tới chuyện ngân hàng đang rót lượng vốn lớn vào các dự án cho vay BOT giao thông, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thực tế cho vay BOT đã thấp hơn trước. Hiện tỷ trọng tín dụng cho vay lĩnh vực này chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp. "Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt rủi ro các lĩnh vực này", Thống đốc khẳng định. 


Chất vấn vốn vay ngân hàng tại các dự án BOT giao thông, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, ông cảm thấy phấn khích về phần trả lời lưu loát của Thống đốc. Vị đại biểu đề nghị Thống đốc tiếp tục cam kết “vốn ngân hàng vẫn cho vay các dự án BOT” để tới đây khi các đại biểu Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua dự án đầu tư đường cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng, trong đó một nửa sẽ là vốn vay của ngân hàng – khoảng 50.000 tỷ đồng.

thong doc luong lon vang dola trong dan da chuyen hoa vao nen kinh te

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao cách trả lời chất vấn của Thống đốc. Ảnh: Quốc hội

Đáp lại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém. "Không phải ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà các ngân hàng phải tăng cường thẩm định phương án tài chính để đảm bảo khả thi, năng lực tài chính của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay", ông nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh

Là một trong số hơn 20 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng chiều nay, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) băn khoăn khi mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn cao, gây khó cho doanh nghiệp. “Chúng ta đang khuyến khích thành lập được một triệu doanh nghiệp, nếu lãi suất vay vẫn cao như vậy sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu này”, ông Nhường nêu.

Trả lời đại biểu Nhường, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm rất mạnh; các ngân hàng luôn hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên lãi suất ở Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.


Nhấn mạnh lại lần nữa quan điểm kiên định trong điều hành vĩ mô, tiền tệ là giữ lạm phát ở mức thấp, ổn định vĩ mô... để giảm lãi suất cho vay, ông Hưng cho biết, ngoài công cụ chính sách ổn định thanh khoản để giảm lãi suất cho vay, thì các ngân hàng cũng phải tiết giảm chi phí, giảm chi phí cho vay và đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

"Tài sản không sinh lời tại các ngân hàng giảm sẽ giúp giảm lãi suất vay", ông nhìn nhận. 


Ông Hưng cũng cho biết, đặc điểm ngân hàng Việt Nam là giữ vai trò cung ứng vốn lớn cho nền kinh tế, nhưng trong khi vốn cho vay thường là vốn trung dài hạn thì huy động lại ngắn hạn, dưới 12 tháng. "Giảm lãi suất sẽ là trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới", ông nói thêm.

Trong gần 3 giờ đồng hồ chất vấn, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều nay, Thống đốc Lê Minh Hưng khá tự tin, lưu loát trước các câu hỏi của đại biểu. Trong lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn sau hơn một năm nhậm chức, phần trả lời của ông cũng được đánh giá đi thẳng và trúng vào vấn đề. Tuy nhiên có vài chỗ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời dài và bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở “Thống đốc trả lời văn bản đại biểu sau để tiết kiệm thời gian”.

Sáng mai 17/11, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội đến 10h30 trước khi chuyển sang phần trả lời của Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn.

thong doc luong lon vang dola trong dan da chuyen hoa vao nen kinh te Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Vàng, đô la trong dân đã chuyển hóa vào nền kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện vàng, đô la trong dân đã chuyển hóa vào nền kinh tế.

thong doc luong lon vang dola trong dan da chuyen hoa vao nen kinh te NHNN bơm ròng sau 5 tuần hút ròng, lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại

Sau nhiều tuần giảm liên tục, lãi suất liên ngân hàng tuần qua đã tăng trở lại cho dù NHNN cũng đã bơm ròng trở ...

thong doc luong lon vang dola trong dan da chuyen hoa vao nen kinh te Đằng sau lãi suất trả góp 0%

Dù quảng cáo ghi rõ lãi suất 0% nhưng rốt cuộc khách hàng vẫn phải chịu thêm một khoản chi phí tăng lên khi mua ...

https://kinhdoanh.vnexpress.net/tong-thuat/ebank/thong-doc-luong-lon-vang-dola-trong-dan-da-chuyen-hoa-vao-nen-kinh-te-3671394.html

/ VnExpress