Thanh tra công vụ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra công vụ tại một số bộ, ngành, địa phương về cải cách thủ tục hành chính, kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

thanh tra cong vu Công phá điểm nghẽn thủ tục hành chính
thanh tra cong vu Thủ tướng: Loại khỏi bộ máy cán bộ không chịu cải cách

Xử lý cán bộ có sai phạm thông qua kiểm tra công vụ sẽ là kênh quan trọng tìm được công chức “cắp ô” để đẩy nhanh công cuộc tinh giản biên chế đang khá rối rắm hiện nay.

thanh tra cong vu
Phải kiểm tra đột xuất mới biết CCBC có hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ hay không.

Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực – pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức(CBCC) hoặc những người được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và phục vụ nhân dân.

Luật quy định rõ, trong thi hành công vụ, CBCC có nghĩa vụ: Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước; bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao...

Liên quan đến đạo đức công vụ, CBCC phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và phải tuân thủ các quy định về văn hóa giao tiếp ở công sở và văn hóa giao tiếp với nhân dân như: Phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ.

Đồng thời, CBCC không được: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi... Như vậy, có quá nhiều điều ràng buộc trách nhiệm buộc CBCC phải tuân thủ nếu muốn hưởng lương từ ngân sách.

Tiêu chuẩn làm CBCC khó như vậy, chắc chắn phải là đội ngũ tinh hoa mới đáp ứng được thế nhưng, xem báo cáo đánh giá cuối năm về chất lượng CBCC của các bộ, ngành địa phương thì đại đa số CBCC nước ta hoàn thành tốt trách nhiệm công vụ. CBCC không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, không đáng kể(1%).

Ai cũng ý thức được kết quả đánh giá cán bộ chỉ có 1% CBCC không hoàn thành nhiệm vụ là vô lý. Rõ ràng tinh thần tự phê bình và phê bình của CBCC chưa cao, vẫn còn tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang trong công tác đánh giá.

Nhưng để giám sát đưa ra một con số chuẩn về chất lượng CBCC thì chưa có cuộc điều tra tầm cỡ nào. Phải giám sát việc đánh giá CBCC, mục sở thị cung cách, thái độ làm việc của CBCC là việc không thể không thông qua kiểm tra công vụ.

Ý thức được tầm quan trọng của thanh tra công vụ, những năm gần đây, một số địa phương đã chấn chỉnh CBCC bằng các cuộc thanh tra công vụ đột xuất.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017, Sở Nội vụ Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra công vụ, liên tục kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 29 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, nhiều sai sót trong thực thi công vụ đã được kịp thời phát hiện, chấn chỉnh.

Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sai sót tại cơ sở, từ việc chấp hành giờ giấc, tác phong làm việc, tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa” cho đến thực hiện các quy định về tiếp công dân. Theo đó, đã chấn chỉnh, xử lý kịp thời cán bộ sai phạm.

Hẳn dư luận chưa quên quyết định xử nghiêm cán bộ Trung tâm Hành chính công của tỉnh Quảng Ninh thông qua thanh tra công vụ vào cuối tháng 12/2016.

Qua thanh tra công vụ, Đoàn kiểm tra Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh phát hiện ông Vũ Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Tư pháp đang ngủ, chân gác lên bàn và có biểu hiện uống rượu trong giờ nghỉ trưa.

Khi bị Đoàn kiểm tra nhắc nhở cán bộ này đã có lời nói thiếu văn hóa, phản cảm, vi phạm các quy định về kỷ luật, kỷ cương CBCC.

Ngay lập tức một quyết định được cho là rất cứng rắn để xử nghiêm cán bộ này đó là cách chức, đồng thời xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm Hành chính công trong việc để cấp dưới của mình sai phạm.

Sự việc đã làm nức lòng dư luận cũng như là lời cảnh báo, răn đe đối với công bộc của dân nếu không làm đúng phận sự của mình.

Phải tăng cường thanh tra công vụ, tất nhiên không thanh tra theo kiểu báo trước, đến hẹn lại xuống kiểm tra mà phải kiểm tra đột xuất mới biết CCBC có hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ hay không.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đã có những trường hợp cán bộ bị xử lý do hành xử không chuẩn mực, gây ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của các cơ quan hành chính.

“Việc công khai xử lý cán bộ ở một số đơn vị không chỉ ở cấp bộ, ngành mà còn ở các cấp khác, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt của cả bộ máy, tạo ra hiệu ứng rất tốt, người dân rất hoan nghênh” - ông Dũng nói và cho biết: “Từ phản ánh của người dân, một số công chức có hành vi không chuẩn mực trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã bị kiểm điểm và xử lý, thậm chí có trường hợp bị buộc thôi việc”.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu phải kịp thời xử lý nghiêm khắc những cơ quan, cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng theo quy định hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong phục vụ nhân dân, đồng thời khen thưởng những cơ quan, cá nhân, đơn vị làm tốt.

“Chúng ta không nói suông hay nói chung chung được trong cải cách hành chính. Ngay cả Chủ tịch UBND các tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, Thái Bình, TP Hà Nội, TP HCM… cũng đã bị yêu cầu chấn chỉnh việc chậm trễ trong xử lý và trả lời kiến nghị của người dân” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Để thanh tra công vụ có kết quả chính xác, khách quan, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường kiểm tra đột xuất, đồng thời phải kiểm tra có trọng điểm. Chẳng hạn, Chính phủ đã có kênh tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp.

Khi nhận được phản ánh của người dân, doanh nghiệp về thái độ, ứng xử không chuẩn mực của CBCC, cũng như cách thức giải quyết công việc của những công bộc của dân, những ý kiến này phải được xác minh rõ ràng.

Việc thành lập các đoàn kiểm tra nếu căn cứ vào tin báo “tố giác” của người dân chắc chắn thanh kiểm tra sẽ có trọng tâm trọng điểm hơn.

Đặc biệt, qua thanh kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm, thì tùy từng mức độ sẽ có phương án xử lý thật nghiêm, từ cảnh cáo, điều chuyển lẫn cho thôi việc, chắc chắn sẽ là liều thuốc đắng điều trị được bệnh quan liêu, vô cảm, bệnh hạch sách, sách nhiễu dân của CBCC mà dư luận vẫn phản ánh lâu nay.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/thanh-tra-cong-vu-379637

/ Nguyên Khánh/daidoanket.vn