Đại biểu Quốc hội cho rằng chúng ta mới phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, còn cấp tỉnh thì ít với tới được
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XIV, ngày 6-11, QH đã nghe các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Chánh án TAND Tối cao; công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Mắc sai phạm xin lỗi là xong!
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cho biết năm 2017, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND Tối cao tiếp tục được củng cố, kiện toàn và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, nói chưa đi đôi với làm. Dư luận rất bức xúc về hiện tượng lợi dụng phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để tặng quà, như việc tặng quà của Ngân hàng OceanBank và việc chi hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỉ đồng của Công ty CP VN Pharma theo khai nhận của các bị cáo.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc công khai minh bạch để phòng, chống tham nhũng không được thực hiện nghiêm túc Ảnh: NGUYỄN NAM
"Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được "phê bình nghiêm khắc", "kiểm điểm rút kinh nghiệm" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phân tích.
Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá trong một số trường hợp, việc chuyển đổi vị trí công tác, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ còn thiếu minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, "chạy chức, chạy quyền". Có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước, điển hình như trường hợp bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa... Ngược lại, cũng có trường hợp lợi dụng việc điều động, điều chuyển công tác để trù dập cán bộ…
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đánh giá việc công khai minh bạch để phòng, chống tham nhũng không được thực hiện nghiêm túc. "Rất ít cơ quan thực hiện công khai, minh bạch, chỉ coi đó là một "thiếu sót" chứ không phải vi phạm pháp luật. Mà thiếu sót thì lâu nay chúng ta thanh tra, kiểm tra chỉ đến mức rút kinh nghiệm, xin lỗi. Xin lỗi chưa đủ thì thành thật xin lỗi" - ĐB Phương nói.
Nguy hiểm như dịch bệnh
Về công tác xử lý tham nhũng, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) thẳng thắn cho rằng chưa nghiêm minh. Đó là có tình trạng nể nang, né tránh; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; tài sản thu hồi được còn rất ít; có hiện tượng chạy tội, chuyển tội; nhiều nơi công tác phòng chống tham nhũng còn hình thức "trên nóng dưới lạnh". ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh thêm chỉ mới phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm, còn cấp tỉnh thì ít với tới.
Quan tâm nhiều đến vấn đề kê khai tài sản, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) chỉ rõ: "Việc kê khai thu nhập, đặc biệt thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà bắt tay chiếm tỉ lệ rất lớn trong thu nhập nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý, kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh giải trình nguồn gốc hợp pháp". Theo ông Mão, số lượng vụ việc kê khai tài sản không đúng, không trung thực bị phát hiện còn quá ít so với thực tế. Điều này cho thấy biện pháp phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức và hiệu quả còn thấp.
Nhấn mạnh quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, góp ý bằng việc dẫn kiến nghị của cử tri: "Có cử tri đã nói rằng nên đổi tên Luật Phòng, chống tham nhũng thành Luật "Diệt tham nhũng", bởi sự lan nhanh như virus và nguy hiểm như dịch bệnh của nó". Còn ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị trong xử lý các vụ tham nhũng, cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa trong khám phá, điều tra, truy tố, xét xử; đồng thời kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… tránh tài sản bị tẩu tán.
Cả họ làm quan dẫn đến chia chác quyền lực ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) phản ánh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn bổ nhiệm người nhà xảy ra nhiều thời gian quan. Theo bà Dung, nhận diện rõ tình trạng cả họ làm quan cũng chính là nhận diện rõ hành vi tham nhũng, tham nhũng vặt của cán bộ công chức, để có biện pháp xử lý, vì "nếu để lâu thì cả họ làm quan sẽ phát sinh tình trạng "tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta" và sẽ kéo theo sự phân công chia chác quyền lực, không tránh khỏi tình trạng mất tập trung dân chủ gây mất đoàn kết, bè phái cục bộ, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ. |
"Biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững... sau những ồn ào"
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã nói như vậy khi thảo luận tại hội trường chiều 6.11 về báo cáo công tác ... |
Đại biểu Quốc hội: Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán
Ông Nguyễn Văn Hiển cho rằng, việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có hiện quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/tham-nhung-lan-nhanh-nhu-virus-20171106224423459.htm