Thầm lặng nhận nguồn sáng giúp người

Câu chuyện về những con người trước khi về với cát bụi sẵn lòng đem cho đi một phần cơ thể mình, mong đem lại ánh sáng cho người khác - đang dần xóa đi quan niệm phải được chết toàn thây - rào cản cho lĩnh vực hiến ghép tạng hiện nay. Và công việc thầm lặng của những người đem lại ánh sáng cho người bệnh - kỹ thuật viên Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) - thật đáng trân trọng!

tham lang nhan nguon sang giup nguoi

Chia sẻ

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Măt (BV Mắt Trung ương) - đang thực hiện công việc lấy giác mạc.

Chạy đua với thời gian

11h đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, chuông điện thoại trực của Ngân hàng Mắt rung lên. Một cộng tác viên ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thông báo, có 1 ca hiến giác mạc. Nhìn đồng hồ đã quá khuya, đêm mùa đông, trời rét cắt da, như 1 phản xạ tự nhiên, anh Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) - nhanh chóng thu xếp lên đường cùng đồng nghiệp trực chung ca. Đã gần 10 năm nay, công việc này quá quen với anh và các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt.

Anh Hoàng nhẩm tính, từ lúc người hiến giác mạc mất đến lúc về tới huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Nếu theo đúng kế hoạch, vẫn còn thời gian để thực hiện ca lấy giác mạc. Thời gian vàng để giác mạc được lấy tốt nhất tối đa là 6 - 8 tiếng, nếu để lâu hơn, các mô bắt đầu chết tế bào nội mô, giác mạc không đảm bảo. Đường vắng, xe bon bon, các thành viên căng mắt xua đi cơn buồn ngủ kéo đến. Về đến huyện Kim Sơn, đã nửa đêm, lạnh thấu xương. Anh Hoàng và đồng nghiệp đứng trước cửa nhà người xấu số, một không khí tang thương. Người mất còn quá trẻ, ra đi do căn bệnh ung thư máu.

“Dù huyện Kim Sơn đã trở thành quê hương phong trào hiến tặng giác mạc khi có tới 70% số người hiến là con dân xứ đạo này, thế nhưng, vẫn còn nhiều người muốn người thân chết toàn thây, nên các thủ tục trước khi lấy giác mạc không phải lúc nào cũng thuận. Rất may, trường hợp này, sau khi làm các thủ tục cần thiết, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm bắt tay vào công việc của mình” - anh Hoàng chia sẻ.

Tang quyến mặc dù bối rối, lời thương xót xen lẫn tiếng cầu kinh, nhưng vẫn có nhiều người đứng quanh, chăm chú quan sát từng động tác của người lấy.

Anh Hoàng nhớ lại cảm xúc lúc ấy: “Mặc dù về kỹ thuật lấy giác mạc, anh em trong Ngân hàng Mắt đều đã làm rất thành thạo. Nhưng dường như những con mắt đang chăm chú từng cử động nhỏ nhất của các kỹ thuật viên vẫn là 1 áp lực với những người tham gia lấy giác mạc...”

Trước khi lấy giác mạc, mắt của người qua đời phải được làm sạch, sát khuẩn để đảm bảo cho giác mạc vô trùng. Sau khi lấy xong một bên, thoáng có tiếng nói: “Có chảy máu đâu. Tưởng lấy cả mắt, chứ chỉ lấy một chút màng phía ngoài thì tôi cũng sẵn sàng cho đây”. Rồi người xem tản bớt, tâm lý kỹ thuật viên mới nhẹ đi. Và giác mạc thứ 2, cũng vẫn quy trình đó nhưng dường như nhanh hơn, nhẹ hơn rất nhiều. Anh em lấy xong giác mạc bao giờ cũng ngồi lại trò chuyện với gia đình. Một ca lấy giác mạc “thuận buồm xuôi gió”. Anh Hoàng và đồng nghiệp thở phào, chào từ biệt gia đình, không quên thắp nén nhang cho người đã khuất có nghĩa cử cao đẹp.

Anh Hoàng kể, không phải ca nào cũng thuận lợi thế cả. Có những ca vượt hàng trăm cây số đến nơi nhưng các anh phải lặng lẽ ra về, không thể thực hiện công việc bởi một lý do nào đó. Đó là 1 ca ở khá xa, tận tỉnh Nghệ An. Mặc dù được cộng tác viên thông báo có ca hiến giác mạc nhưng sau khi các kỹ thuật viên vượt 300 km trời đêm về tới nơi đã gặp rắc rối: Một thành viên của dòng họ không muốn hiến giác mạc mà muốn người ra đi được nguyên vẹn, bị lấy đi đôi mắt thì linh hồn không nguyên vẹn, không thể siêu thoát được. Dù các kỹ thuật viên đã giải thích, thuyết phục người thân rằng, hiến giác mạc không phải là móc nguyên 1 con mắt. Các kỹ thuật viên chỉ lấy đi miếng giác mạc mỏng, trong suốt ở đầu con ngươi. Một người chết đi có thể mang lại niềm vui nhìn thấy ánh sáng cho 2 người mù… Thế nhưng, sau một hồi giải thích vẫn không lay chuyển được suy nghĩ của 1 người trong dòng họ.

Những ca hiến giác mạc không thể quên

Bình thường, những người cho giác mạc thường ở độ tuổi 18 - 70, bởi lúc đó chất lượng giác mạc tốt, việc lấy cũng thuận lợi. “Trong gần 10 năm làm công việc này, đã có 2 ca bệnh nhân nhỏ tuổi khiến chúng tôi nhớ mãi” - anh Hoàng chia sẻ.

Anh kể, năm 2011, một buổi sáng thứ bảy, cháu T.V.H, 6 tuổi (ở khối 12, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) bị tai nạn giao thông. Khi gia đình biết tin, cháu bé đã tử vong trên đường tới bệnh viện.

Đến chia buồn với gia đình, Hội Chữ thập Đỏ huyện Kim Sơn, giáo xứ Cồn Thoi đã tư vấn cho gia đình về việc cho bé H hiến giác mạc. Cùng lúc đó, Ngân hàng Mắt nhận được tin cũng lên đường về thị trấn Bình Minh. Thời điểm đó, đường đi lại còn khó khăn không như bây giờ, mất 3 giờ đồng hồ, các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt mới tới nơi. Hoàn cảnh gia đình cháu bé khiến nhiều người ái ngại: Ông bà nằm viện nên bố mẹ ở viện chăm nom. Những người họ hàng ở nhà không có giấy tờ để làm thủ tục hiến giác mạc. Thời gian thì càng gấp rút bởi càng muộn chất lượng giác mạc lấy càng giảm. Trong lòng các kỹ thuật viên như nửa đốt.

Cùng lúc đó, bố cháu bé xuất hiện với lòng dạ rối bời, vì con ra đi quá đau xót, đột ngột, anh chỉ muốn con được trọn vẹn thân xác.

Mất một lúc giải thích, thuyết phục, bố cháu bé đã mở lòng. Dù có chút suy nghĩ muốn con được toàn thây nhưng anh là người công giáo cần phải hiểu thân xác sau khi mất lại trở về với cát bụi, chi bằng để lại một phần con người đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho người khác. Anh cùng dòng họ đã đồng ý cho đứa con trai bé bỏng, duy nhất của anh được tặng giác mạc cho những người đang rất cần. Đây được xem là ca hiến giác mạc trẻ nhất Việt Nam đến thời điểm này.

Và gần đây nhất, ngày 22.2 vừa qua, chính anh Nguyễn Hữu Hoàng đã lấy giác mạc của bé Nguyễn Hải An, mới 7 tuổi 3 tháng không may bị bệnh nặng. Trong lúc đồng hành cùng con trị bệnh, người mẹ đã nói chuyện với bé Hải An về việc hiến mô tạng cho y học. Dù nhỏ tuổi nhưng có lẽ, Hải An đã thấm đẫm hình ảnh điều trị của các bạn nhỏ, đồng cảm với mẹ, đồng ý hiến mô tạng. Suốt 10 ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bé Hải An rơi vào hôn mê và suốt hơn 1 tháng mở nội khí quản, cháu chỉ mở mắt được đúng 3 lần. Từ 7.2, bé bắt đầu phải thở máy. Ngày cuối cùng của bé Hải An, khi bé quá yếu, gia đình quyết định đưa bé về nhà.

“Ngân hàng Mắt nhận được thông tin có bé gái 7 tuổi hiến giác mạc đã hối hả chuẩn bị mọi việc thật kỹ lưỡng, có mặt tại nhà bé để lấy giác mạc. Khi các cán bộ điều phối của chúng tôi đến nơi, mẹ bé vẫn đang nằm ôm em trên giường. Gương mặt em như 1 thiên thần đang nằm ngủ.... Tôi bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành kia. Hôm nay, lần đầu tiên cũng làm một số việc chưa bao giờ làm, nhưng tự thấy là hài lòng. Kết thúc công việc người mẹ ngắm cô bé và nói “Mẹ tự hào về con”. Sống mũi tôi cay cay…”- anh Hoàng nhớ lại.

Khoảng thời gian thực hiện lấy giác mạc diễn ra các công đoạn như mọi lần, bản thân anh Hoàng đã thực hiện hàng trăm ca nhưng ca này đặc biệt hơn cả. Anh Hoàng phải tập trung hoàn thành tốt công việc của mình. Mọi việc được hoàn thành đúng như dự kiến.

Để sự sống mãi tiếp diễn

Ngân hàng Mắt được thành lập từ năm 2009 và hiện có 3 kỹ thuật viên túc trực công việc lấy, bảo quản giác mạc. Hiện, số ca hiến giác mạc vẫn còn hạn chế. Trong năm 2017, Ngân hàng Mắt tiếp nhận 77 ca hiến giác mạc. “Công việc của anh em chủ yếu ở khu vực phía Bắc, có bán kính tới 300km bởi nếu đi xa hơn, thời gian quá dài, giác mạc sẽ không được lấy đúng thời điểm, không bảo quản được”- anh Hoàng nói.

Với 77 ca trong vòng 1 năm, Ngân hàng Mắt có 3 thành viên nên các anh phải thay nhau trực chiến. Cứ 3 - 4 ngày các anh lại lên đường. Có thời điểm, cả 3 thành viên đều toả đi các địa phương để nhận giác mạc. Hầu hết, thời điểm đi nhận vào 23h đêm đến 4h sáng để kịp nhận giác mạc đảm bảo.

Anh Hoàng chia sẻ thêm: Trong quá trình lấy giác mạc, ngoài những thủ tục giấy tờ hay khó khăn về phía gia đình, anh em kỹ thuật viên phải hết sức thận trọng. Giác mạc sẽ bị chết nội mô, ảnh hưởng đến chất lượng giác mạc nếu bóc tách giác mạc gây co kéo, gấp nếp. Hay khi lấy giác mạc gây hắc mạc, tràn dịch kính, thể thuỷ tinh trào ngược ra ngoài gây biến dạng khuôn mặt người mất. Giác mạc lấy ra phải được bảo quản trong dung dịch chuyên dụng, an toàn để tiến hành ghép cho người nhận.

Hiện mỗi năm, Ngân hàng Mắt nhận được trên 200 giác mạc từ các nguồn khác nhau. Tính đến nay, cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên tới hàng nghìn người.
tham lang nhan nguon sang giup nguoi Bé Hải An hiến giác mạc đã để lại món quà vô giá cho cuộc đời

"Câu chuyện của Hải An nói với chúng ta rằng, ai cũng có thể làm được những điều tử tế, ngay cả khi chúng ta ...

tham lang nhan nguon sang giup nguoi Bé 7 tuổi HN hiến giác mạc: ‘Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé’

“Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé!", người mẹ nói và đặt nụ hôn lên trán cô con gái 7 tuổi đang ngủ ...

/ https://laodong.vn