"Tôi rất lo cán bộ sẽ tâm tư về tiêu chí đánh giá. Coi chừng giàu mà mất đoàn kết" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Sáng 2-3, Ủy ban MTTQ TP HCM đã phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý.
Làm tốt mới được tăng thu nhập
Nói cụ thể hơn về đề án, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Lê Ngọc Thùy Trang cho biết đối tượng áp dụng là CB-CCVC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã – phường – thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình năm 2018: tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Năm 2019: tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Năm 2020: tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Theo Sở Tài chính TP, căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm nêu trên, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng CB-CCVC theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Nội vụ), đảm bảo nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc" và không cào bằng.
Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1-4-2018 đến ngày 31-12-2020. Sở Tài chính TP tính toán, dự kiến kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho CB-CCVC thực tế thuộc đối tượng thụ hưởng trong năm 2018 là 2.340 tỉ đồng.
Đánh giá sao cho cán bộ tránh tâm tư
Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP, thể hiện sự đồng tình cơ bản với những nội dung cơ bản của đề án. Giám đốc Học viện cán bộ TP chia sẻ: "Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua đến nay đã hơn 3 tháng và được thí điểm trong 5 năm. Đến nay TP đã có nhiều đề án bắt đầu khởi động để thực hiện Nghị quyết 54. Đây là một đề án đem lại niềm vui cho CB-CCVC thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý"
PGS.TS Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội nghị sáng 2-3
Theo ông Ngân, đặc điểm làm việc của CB-CCVC TP là năng suất cao. Năng suất cao thì thu nhập phải cao, đó mới công bằng.
Ông Ngân cho rằng Nghị quyết Quốc hội cho phép TP tăng ngay 1,8 lần thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng điều băn khoăn là nguồn có hay không? "Đây là bài toán không dễ nên Sở Tài chính mới tính toán, đưa ra lộ trình tăng từng năm nhưng tôi vẫn ước và kiến nghị tăng càng sớm càng tốt. Nếu điều kiện cho phép có thể áp dụng ngay mức cao nhất là 1,8 lần. Tranh thủ cơ hội này đem lại niềm tin và làm việc cho CB-CCVC" – ông Ngân gửi gắm.
Tuy nhiên, Giám đốc Học viện cán bộ TP lưu ý khi thực hiện phải tránh cào bằng nhưng phải đảm bảo công bằng. Người đứng đầu Học việc Cán bộ TP băn khoăn theo đề án CB-CCVC hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên mới được tăng thu nhập nhưng vấn đề đánh giá này rất phức tạp chứ không đơn giản. Ông Ngân đặt câu hỏi: ", người đứng đầu có được quyết không? "Tôi rất lo cán bộ sẽ tâm tư về tiêu chí đánh giá, đánh giá làm sao… Coi chừng giàu mà mất đoàn kết", ông Ngân nói.
Từ phân tích trên, ông Ngân kiến nghị phải có thêm đề án đánh giá cán bộ kèm theo đề án này.
Ông Lê Anh Tuấn, LĐLĐ TP cũng băn khoăn làm sao đánh giá CB-CCVC phải công bằng. Theo ông Tuấn, nên đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng, hằng quý để đến khi cuối năm đánh giá sẽ chính xác hơn.
Hồ sơ công ty nợ lương công nhân ở Đồng Nai
Công ty nợ lương công nhân ở Đồng Nai có 100% vốn đầu tư từ một tập đoàn ở Hàn Quốc. Tập đoàn được ca ... |
TP.HCM tăng phí bảo vệ môi trường hay tăng thu nhập cho cán bộ?
Đề xuất tăng phí môi trường đối với nước thải công nghiệp của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM bị các chuyên gia và ... |