Để việc chi tăng thêm thu nhập hiệu quả và công bằng, cần phải xây dựng cho được bảng chỉ tiêu/ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức TP HCM rõ ràng, cụ thể
Sáng 2-3, Ủy ban MTTQ TP HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý. Đây là 1 trong 21 đề án nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Dự kiến đề án này sẽ được UBND TP HCM trình HĐND TP tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3-2018.
So với các địa phương khác, cán bộ, công chức Cục Thuế TP HCM mỗi ngày phải giải quyết công việc gấp nhiều lần. Ảnh: TẤN THẠNH
Chưa tạo được sự cạnh tranh
Trình bày đề án, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Ngọc Thùy Trang cho biết đối tượng áp dụng là CB-CC-VC thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ không chuyên trách ở cấp xã - phường - thị trấn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Theo Sở Tài chính TP, việc chi thu nhập tăng thêm cho CB-CC-VC sẽ bảo đảm nguyên tắc "gắn với hiệu quả công việc". Lộ trình theo từng năm là năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.
Phản biện đầu tiên, PGS Võ Trí Hảo, Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật Trường ĐH Kinh tế TP HCM, bày tỏ khi đọc xong dự thảo, ông
có cảm giác đề án chưa tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị như mong muốn của TP là tạo chính sách, cơ chế đặc thù để xây dựng đội ngũ CB-CC-VC đạt hiệu quả cao. Ông Hảo cho rằng không nên cứng nhắc hệ số điều chỉnh tăng mà đối với đơn vị đạt hiệu quả top đầu của TP thì cho phép áp dụng mức tăng 1,8 lần, tốp giữa 1,2 lần và tốp cuối 0,6 lần.
Một vấn đề khác mà ông Hảo cũng băn khoăn là tiêu chí phân loại đánh giá CB-CC-VC rất định tính, trong khi đây là tiêu chí quyết định việc tăng thu nhập hằng năm. "Để chi tăng thêm thu nhập có hiệu quả và công bằng, đúng địa chỉ thì cần phải xây dựng cho được bảng chỉ tiêu/tiêu chí đánh giá CB-CC-VC rõ ràng, cụ thể" - ông Hảo đề nghị.
Đồng tình, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Châu Minh Tỷ khuyến cáo phải có cách đánh giá CB-CC-VC sát thực tế mới bảo đảm "chi tiền đúng đối tượng". Nếu không, với cách đánh giá như hiện nay thì cuối cùng "ai cũng hoàn thành nhiệm vụ". Như thế thì việc tăng thêm thu nhập lại thành ra "bình quân, cào bằng".
Theo ông Tỷ, thực tế có những CB-CC-VC giỏi, được lãnh đạo trọng dụng nhưng một thời gian sau bị cô lập, không phát huy được nữa. Cũng có những CB-CC-VC mà thủ trưởng không dám giao nhiệm vụ hoặc giao rất ít nhưng cuối năm tổng kết thì lại hoàn thành hết vì làm ít, ít đụng chạm nên phiếu bình bầu cao.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright, cho rằng phải thiết kế đề án làm sao để CB-CC-VC có động lực làm việc. Vấn đề ông Du đặt ra là đối tượng của đề án có phải là toàn bộ CB-CC-VC hay chỉ những người trong "nút thắt", ở những điểm quan trọng thường tiếp xúc người dân? Ông kiến nghị TP nên tập trung vào vấn đề cơ chế khuyến khích, làm sao có áp lực nhưng cũng có động cơ làm việc. Người làm tốt thì phải được thưởng, người làm không tốt thì bị phạt.
Còn "dĩ hòa vi quý" thì khó thực chất
Trong khi đó, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, ông Nguyễn Tất Năm, đề nghị chỉ cần CB-CC-VC hoàn thành nhiệm vụ là được tăng thu nhập. Phân tích từ thị trường lao động, ông Năm cho rằng khi người lao động hoàn thành nhiệm vụ là được người sử dụng lao động trả lương thì cớ gì CB-CC-VC phải hoàn thành tốt nhiệm vụ mới được tăng thêm thu nhập?
"Nếu lấy hoàn thành tốt nhiệm vụ làm tiêu chí quyết định việc tăng thu nhập cho CB-CC-VC thì tất cả sẽ hoàn thành tốt hết vì chuyện "dĩ hòa vi quý" trong đánh giá" - ông Năm nhận xét.
Từ thực tế đơn vị, Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế TP HCM, bà Đinh Thị Liễu, đưa ra một vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ. Đó là đánh giá và phân loại CB-CC-VC hiện nay thực hiện theo Nghị định 56/2015 của Chính phủ. Nghị định này quy định VC đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ thì phải "có ít nhất một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận" nhưng thực tế không dễ đạt được.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, lưu ý phải làm sao để tránh "cào bằng", bảo đảm công bằng trong đánh giá CB-CC-VC. Quy trình đánh giá CB-CC-VC hiện nay rất phức tạp; không khéo sau khi đánh giá, họ lại tâm tư, cảm thấy không công bằng. "Tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá CB-CC-VC ra sao, quyền người đứng đầu như thế nào để bảo đảm công bằng, chứ có khi "giàu" rồi lại mất đoàn kết. Tôi nghĩ phải có thêm đề án đánh giá CB-CC-VC kèm theo đề án này" - ông Ngân băn khoăn.
Thừa nhận việc đánh giá CB-CC-VC hiện còn nhiều bất cập, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, ông Đỗ Văn Đạo, cho rằng trong công tác này, thủ trưởng đơn vị là người sâu sát nhất. "Hơn ai hết, thủ trưởng cơ quan là người nắm rõ nhất và đánh giá sát nhất lao động của CB-CC-VC trong đơn vị" - ông khẳng định.
Tuy nhiên, ông Đạo cho biết dù nói là thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá nhưng cuối cùng, hằng năm vẫn phải bỏ phiếu, bình chọn. Thủ trưởng cũng rất ngại việc bỏ phiếu. Còn bỏ phiếu, bình bầu thì còn "dĩ hòa vi quý". Ông Đạo nhìn nhận: "Vai trò của thủ trưởng là phải công tâm, công bằng và phải nắm bắt công việc của từng cá nhân, đưa ra đánh giá khách quan, chính xác nhất". Theo ông, Sở Nội vụ sẽ nghiên cứu quy trình để đánh giá CB-CC-VC sát hơn, khoa học hơn
Theo Sở Tài chính TP HCM, dự kiến kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho CB-CC-VC thuộc đối tượng thụ hưởng năm 2018 là 2.340 tỉ đồng. TP HCM hiện có 11.645 CC, 122.157 VC và 6.440 CB không chuyên trách xã, phường, thị trấn.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM:
Có thể tăng ngay tối đa 1,8 lần PGS VÕ TRÍ HẢO, Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật Trường ĐH Kinh tế TP HCM:Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM chỉ được thí điểm 5 năm, không nhiều. Trong thời gian này, các địa phương khác cũng đấu tranh cho mình. TP HCM cần tranh thủ được lợi thế để động viên tinh thần cho đội ngũ CB-CC-VC làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Do đó, TP nên áp dụng càng sớm càng tốt, có thể tăng ngay lên 1,8 lần chứ không tăng theo lộ trình hằng năm như Sở Tài chính đề xuất. Đó chính là công bằng bởi năng suất, hiệu quả lao động của CB-CC-VC TP HCM cao hơn những nơi khác.
Sau năm 2021, hy vọng tăng lên 3,6 lần
Tôi hy vọng sau năm 2021, TP HCM sẽ xin được nghị quyết mới để nâng trần 1,8 lần lên 3,6 lần, chứ mức tăng 1,8 lần vẫn còn rất thấp so với đặc thù nhiều công việc như ở TP. Số lượng công việc, hồ sơ mà một số nơi ở TP HCM phải giải quyết cao gấp 10 lần ở địa phương khác. Điển hình như quận Tân Phú, có phường phải giải quyết công việc cho gần 100.000 dân, tương đương 3 huyện miền núi. Vậy thì lý do gì phải khống chế trần tăng là 1,8 lần? Bên cạnh đó, cần chú ý việc áp dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh công việc, tiết kiệm chi phí.
Ông LÊ ANH TUẤN, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Xem xét tăng thu nhập cho CB-CCVC ngành dọc
Trên địa bàn TP HCM còn có CB-CC-VC không hưởng lương từ ngân sách TP mà hưởng theo ngành dọc như công an, quân đội, thuế, hải quan, tòa án, viện kiểm sát, BHXH… Những người này làm việc tại TP HCM, thực hiện nhiệm vụ của TP và cống hiến cho sự phát triển của TP nên rất cần quan tâm, xem xét để họ được thụ hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 54.
TP.HCM đề xuất mức thu nhập tiền tỷ để chiêu mộ nhân tài
Ngoài trợ cấp, chế độ lương đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học có thể nhận được mức thưởng lên tới 1 tỷ đồng ... |
Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức: Coi chừng mất đoàn kết!
"Tôi rất lo cán bộ sẽ tâm tư về tiêu chí đánh giá. Coi chừng giàu mà mất đoàn kết" - PGS.TS Trần Hoàng Ngân ... |