Luật sư cho rằng, các tài xế cố tình tông chết người bị tai nạn là hành vi có tính chất man rợ, cần phải xử tử hình, không thể nhẹ hơn.
Mới đây, vụ việc tài xế đầu kéo xe container gây tai nạn giao thông ở vòng xoay Mỹ Thủy (phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP HCM), sau đó được cho là đã lùi xe cố tình cán cho người bị nạn chết hẳn rồi bỏ trốn đã khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi dã man, phi nhân tính của tài xế này.
Mức xử phạt đối với hành vi phi nhân tính của tài xế này thế nào là vấn đề đang được nhiều người quan tâm.
Trảlời VTC News về vấn đề này, luật sư Lê Minh Hải, Văn phòng Luật sư Royal (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, với hành vi cố tình đâm chết người, tài xế sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự với tội danh giết người và mức án cao nhất là tử hình; song trên thực tế, mức án này lại rất ít khi được áp dụng, cần phải sửa luật để tăng tính răn đe.
Luật sư Lê Minh Hải, Văn phòng Luật sư Royal.
- Thưa luật sư, vụ tài xế đầu kéo xe container gây tai nạn giao thông ở TP.HCM, sau đó được cho là đã lùi xe cố tình cán cho người bị nạn chết hẳn rồi bỏ trốn đã khiến dư luận rất phẫn nộ. Với hành vi này, tài xế sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là cơ quan điều tra cần phải có đủ chứng cứ để chứng minh được hành vi đó của tài xế là tội giết người.
Nếu đây chỉ là một vụ tai nạn giao thông bình thường, tài xế đi qua gây tai nạn thì sẽ xử lý về hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Còn nếu đây là một hành vi cố ý, tức là khi điều khiển giao thông tông vào nạn nhân nhưng thấy nạn nhân chưa chết nên cố tình lùi xe cán thêm lần nữa để trốn tránh trách nhiệm thì sẽ bị xử lý vào tội giết người.
Tội này đã được quy định ở điều 93 Bộ Luật Hình sự, tùy từng hành vi, tùy từng mức độ phạm tội để áp dụng xử phạt theo khoản 1, khoản 2, khoản 3.
Khi đã khép vào tội giết người thì lại phải xét thêm là dưới hình thức gì. Có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, có cả do vô ý và cố ý đối với tội giết người.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ, phải chứng minh được rằng tài xế cố tình lùi lại lần 2 để cố tình cán chết nạn nhân thì khi đó có thể quy vào tội cố ý giết người.
Với tội này, tài xế sẽ bị truy theo điều 93 Bộ Luật hình sự, mức án cao nhất cho khung hình phạt này là chung thân đến tử hình.
- Được biết ông cũng từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ việc, trong đó có những vụ việc tương tự như vụ vi phạm nói trên. Ông có thể dẫn chứng một vụ việc cụ thể và mức phạt sau đó là gì?
Tôi dẫn chứng một vụ việc cụ thể mà tôi đã từng tham gia trả lời. Năm 2015, tại Hà Nội xảy ra một vụ tai nạn giao thông cũng tương tự như vụ việc mà đang nói ở trên. Trong vụ này, một tài xế lái xe container ở đường Khuất Duy Tiến đã chèn vào một học sinh đang đi xe đạp trên đường đi học về. Hậu quả vụ tai nạn khiến cho học sinh bị cán nát một nửa phần thân sau, tức là phần chân từ đùi trở xuống.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao hành vi cố ý giết người, cũng có tính chất cực kì dã man như vậy mà tại sao lại xử nhẹ như vậy? Đây cũng là vấn đề nên xem xét lại. Luật sư Lê Minh Hải |
Khi xảy ra tai nạn, những người đi đường thấy thế đã ra hiệu cho tài xế dừng xe lại. Tuy nhiên, tài xế lại dừng lại và gọi điện cho chủ. Sau cuộc điện thoại, có lẽ chủ bảo thế nào đó mà tài xế này đã tiếp tục cán qua người em học sinh một lần nữa, gây tử vong cho học sinh này. Vụ việc này đã gây chấn động dư luận khi đó.
Khi ra tòa, tài xế lái xe container này bị khép vào tội giết người vì hành vi dã man của mình, xử theo Bộ Luật Hình sự. Nhưng sau các phần tranh tụng, sau hai phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tài xế này lại chỉ bị xử có 7 năm tù thay vì là mức án chung thân hoặc tử hình.
Mức án này cũng là chủ đề gây tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận cũng như chính trong giới luật sư khi đó.
- Ông đánh giá thế nào về mức án này?
Tôi cho rằng mức án đối với hành vi giết người đấy là quá nhẹ. Nhưng ở góc độ luật pháp, người làm luật và thực thi luật thì họ lại nhìn ở góc độ khác, họ chỉ căn cứ vào luật để làm.
Pháp luật ở Việt Nam đa số là thực định, rất ít, thậm chí không có án lệ, nên mọi hành vi đều chỉ căn cứ dựa vào quy định.
Ở đây có thể thấy, nhiều tài xế khi gây ra tai nạn giao thông đã có hành vi cố ý đâm cho nạn nhân chết hẳn bởi hiện nay luật pháp của ta có quy định là nếu nạn nhân chết, lái xe sẽ phải đền bù số tiền một lần. Mà số tiền bồi thường này lại ít hơn nhiều lần so với việc chăm sóc nạn nhân bị thương suốt đời. Do đó, không ít lái xe đã cố tình đâm lần 2 để cho nạn nhân đã tử vong.
Dù pháp luật nghiêm cấm hành vi giết người, song từ quy định đó của luật lại khiến cho nhiều tài xế mặc định ý nghĩ trong đầu là như vậy.
- Thực tế là từ trước đến nay chưa có tài xế nào bị xử bị xử đúng với mức án cao nhất là tử hình với các hành vi nói trên?
Lái xe cố tình đâm cho nạn nhân chết hẳn là hành vi hành vi cố ý giết người. Tuy nhiên, khi ra tòa thì tội cố ý giết người lại được tòa xem xét dưới nhiều khía cạnh. Cụ thể là hành vi cố ý giết người đó có động cơ là gì.
Ở góc độ tội phạm học, sự phân tích logic đấy là cần thiết.
Trở lại với vụ việc nói trên, thì mục đích đầu tiên của tài xế không phải là có chủ ý đâm cho người ta chết, tước đoạt đi mạng sống của người khác. Đó không phải là mong muốn của tài xế. Tuy nhiên từ vụ tai nạn lại dẫn đến hành vi tiếp theo là đâm cho chết.
Ví dụ giết người do cướp tài sản, sau đó giết người, thì đây là hành vi có động cơ từ đầu đó là cố ý giết người. Còn hành vi vi phạm giao thông rồi cố ý giết người nói trên thì lại khác. Đó là lúc đầu tài xế vi phạm điều khiển giao thông, sau đó gây tai nạn, rồi từ sức ép tâm lý hay thế nào đó thì mới dẫn đến hành vi tiếp theo. Ở đây là cố ý giết người.
Tất nhiên, khi ra tòa thì tài xế sẽ bảo là do lúc đó tâm lý hoảng loạn, thế này thế kia nên dẫn đến hành vi đấy... Tuy nhiên, theo tôi khung hình phạt trên vẫn là nhẹ.
- Ông có cho rằng đã đến lúc cần phải sửa lại một số điều khoản trong luật hiện nay để tăng tính răn đe, hạn chế các hành vi phi nhân tính nói trên của tài xế tái diễn?
Bộ Luật Hình sự của ta cũng đã qua rất nhiều lần sửa đổi nhưng các điều khoản quy định về tội danh này hầu như không thay đổi. Ở đây có lẽ là do sự cân nhắc của các nhà làm luật.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao hành vi cố ý giết người, cũng có tính chất cực kì dã man như vậy mà tại sao lại xử nhẹ như vậy? Đây cũng là vấn đề nên xem xét lại.
Trong vụ việc tài xế cố tính đâm chết người ở TP.HCM vừa qua, cần làm rõ việc tài xế sau khi gây tai nạn có cố tình quay lại đâm tiếp khiến nạn nhân tử vong hay không? Nếu đúng thì đây là hành vi đáng bị lên án, gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận xã hội. Đây là hành vi trái đạo đức xã hội, coi thường tính mạng con người.
Thực tế hiện nay, không ít các tài xế có suy nghĩ rằng, nếu lái xe gây tai nạn chết người thì chỉ phải bồi thường vài chục triệu đồng, còn nếu gây thương tích thì phải bồi thường tiền để nuôi nạn nhân cả đời, tốn kém hơn rất nhiều chi phí... Đây là nhận thức lệch lạc, thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, một số tài xế hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Video: Tai nạn giao thông, hai thanh niên bị xe bồn cán quan người
Container lao xuống sông, tài xế tử nạn trong cabin bẹp dúm
Xe Container lưu thông trên quốc lộ 19 (Gia Lai) thì húc bay thành cầu rơi xuống sông bẹp dúm, tài xế mắc kẹt, tử ... |
Đâm đuôi xe container, thanh niên chết thảm trên xa lộ
Chạy với tốc độ cao trong làn đường dành cho ô tô, xe máy đâm thẳng vào xe container đậu phía trước, tử vong tại ... |
https://vtc.vn/tai-xe-da-thu-lai-container-co-tinh-can-chet-nguoi-phai-tu-hinh-khong-the-nhe-hon-d359317.html