Về việc tại sao nhiều đối tượng tham nhũng như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn được trước khi khởi tố, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, do các biện pháp quy định chưa chặt chẽ.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm |
Sáng 18.11, tại Quốc hội, chất vấn về tình trạng chuyển tội tham nhũng thành các tội danh khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng có 4 hạn chế liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn:
Thứ nhất, thời hạn kéo dài, vi phạm quy định về thời gian điều tra, truy tố, xét xử, có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay vẫn chưa kết thúc. Theo bà Nga, có những trường hợp đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài ngay tại thời điểm chưa khởi tố như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy.
Thứ hai là tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung rất cao, cao nhất trong tất cả các loại án, đặc biệt là các vụ án do cơ quan điều tra cấp trung ương và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiểm sát điều tra. Năm 2017, tỉ lệ này là 71,1%.
Thứ ba, có những vụ án kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nhất là việc xác định tội danh, đặc biệt là có dấu hiệu chuyển từ tội về tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái.
Thứ tư, việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng rất là thấp. Đại biểu Nga đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Việm kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Tư pháp cho biết tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân nào, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới ra sao?
Được yêu cầu trả lời cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, công tác đấu tranh xử lý tội phạm tham nhũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, khởi tố còn chậm. Có lý do là tội phạm tham nhũng thường có hành vi che giấu tinh vi, các đối tượng tham gia có tổ chức, cấu kết chặt chẽ với nhau, tội phạm tẩu tán tài sản, huỷ tài liệu…
Việc điều tra xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài, thường phải thông qua công tác hỗ trợ tư pháp, tốn thời gian, đồng thời giám định, trưng cầu giám định nhiều lần dẫn tới vụ việc kéo dài. Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng chưa chặt chẽ.
Nghịch lý cấm xuất cảnh
Liên quan đến một số đối tượng tham nhũng bỏ trốn trước khi truy tố, theo Bộ trưởng Tô Lâm, do đối tượng bỏ trốn trong thời gian chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
“Bộ Công an đã tiến hành truy bắt và nếu phát hiện có bao che sẽ kiên quyết xử lý”, ông Lâm nói và cho biết, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung điều 124 trong bộ luật Tố tụng Hình sự về cấm xuất cảnh, giám sát đặc biệt với các đối tượng liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018.
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, theo Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên nhân cơ bản là các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng tổ chức, thời gian khá lâu mới phát hiện, dẫn tới tài sản bị tẩu tán, chuyển trái phép ra nước ngoài, quá trình thu hồi cũng cần có sự phối hợp với các nước, nhưng chênh lệch về pháp lý nên còn khó khăn.
Tranh luận thêm về phần trả lời này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, vừa qua có nghịch lý những người chưa bị ngăn chặn xuất nhập cảnh đi trót lọt, sau đó mới biết họ có tội. Nhưng có những trường hợp doanh nhân bị cấm xuất nhập cảnh 1 năm mà không có tội danh gì. Có doanh nhân nước ngoài cũng bị cấm xuất cảnh 2 năm, về nước đi bầu cử cũng không được trong khi không có tội danh.
“Hành xử không khéo người có tội lại lọt, người không có tội bị ngăn lại có thể kiện lại”, ông Nghĩa nêu.
34 án treo trong vụ tham nhũng tại OceanBank là...nhân văn
Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng nay 18.11, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) hỏi người đứng đầu ngành tòa án đánh giá về bài học rút ra sau thời gian xét xử nhiều vụ đại án tham nhũng mới đây, mà điển hình là vụ án Hà Văn Thắm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết dư luận đã có nhiều đánh giá tốt về vụ án này như: công khai minh bạch, tranh tụng đến cùng và các bản án phân hóa được tội phạm. "Từ năm 2013 khi có Nghị quyết 01, thẩm phán rất ngại khi tuyên án treo với tội tham nhũng. Nhưng trong vụ này đã có 34 án treo, đó là những người trẻ, mới ra trường, làm công ăn lương, tự nguyện khắc phục hậu quả, khai báo thành khẩn và không được hưởng lợi gì từ tài sản phạm tội. Dư luận cho như thế là nhân văn, nhân đạo", ông Bình nói.
Tổng quát lại, theo người đứng đầu ngành tòa án, có 4 bài học lớn rút qua qua những vụ án tham nhũng lớn gần đây, nhất là vụ án tại OceanBank, đó là: đã xác định đúng tội danh; tranh tụng không hạn chế; xét xử nghiêm khắc đối tượng cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người trẻ, làm công ăn lương; cùng với đó, hội đồng xét xử đã làm hết chức năng, trọn vẹn trách nhiệm dân sự như kiến nghị xử lý cán bộ, chấn chỉnh hoạt động quản lý kinh tế.
Hơn trăm xe máy bị vứt bỏ trong bến xe ở Sài Gòn
Hơn 100 xe máy gửi trong bãi ở bến xe Miền Đông nhiều năm qua không có người đến nhận, nhiều xe hư hỏng mục ... |
Mỹ cảnh báo nguy cơ khủng bố ở châu Âu trong dịp Giáng sinh
Mỹ đã đưa ra khuyến cáo đối với công dân nước này về việc du lịch đến châu Âu, cảnh báo nguy cơ gia tăng ... |
Thợ làm bánh mì cạy tủ trộm gần 1 tỷ đồng của bà chủ
Lợi dụng lòng tin của chủ lò bánh mì, Nhân đã cạy tủ trộm 980 triệu đồng rồi bỏ trốn. Cảnh sát đã bắt giữ ... |
Quán bún bò trong con hẻm nhỏ gắn bó với tuổi thơ của Hari Won
Từ khi là cô bé 12-13 tuổi, Hari đã thường xuyên lui tới quán bún bò Huế trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận, ... |
(https://thanhnien.vn/thoi-su/tai-sao-trinh-xuan-thanh-duong-chi-dung-bo-tron-ngay-truoc-khi-khoi-to-901349.html)