Sau khi vượt qua con số 36,4 tỉ USD của ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Jack Ma (Mã Vân), ông Mã Hóa Đằng, nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Tencent Holdings đã chiếm ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc, khi sở hữu 37 tỉ USD.
Ông Mã Hóa Đằng, CEO của tập đoàn Tencent. |
Ngày 8-8, tờ The Washington Post công bố danh tính người giàu nhất Trung Quốc và theo xếp hạng của tạp chí Forbes, ông Mã Hóa Đằng (còn gọi là Pony Ma) là người giàu nhất Trung Quốc và châu Á, đồng thời giữ vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Điều đáng nói là sự bứt phá này diễn ra trong thời gian ngắn bởi trong tháng 7, ông Mã Hóa Đằng mới sở hữu 30,7 tỉ USD, vượt qua số tài sản của ông Vương Kiện Lâm (30,5 tỉ USD), trở thành người giàu thứ hai Trung Quốc. Chỉ trong gần 1 năm, ông Vương Kiện Lâm lần lượt mất ngôi vị đệ nhất, đệ nhị và hiện là người giàu thứ ba Trung Quốc và khi đó ông Jack Ma sở hữu 43,2 tỉ USD.
Theo hãng Bloomberg, ông Mã Hóa Đằng đã sở hữu hơn 10 tỉ USD kể từ đầu năm đến nay, khi cổ phiếu của Tencent tăng 57% nhờ doanh số kỷ lục và lợi nhuận vượt kỳ vọng. Giá trị của Tencent tăng hơn 24 tỉ USD, tương đương 29% trong năm 2016. Cũng theo hãng Bloomberg, Tencent là hãng có nhiều công ty con cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí và hệ thống thanh toán, đang nổi tiếng với dịch vụ nhắn tin và chơi game WeChat.
Theo hãng CNN, cổ phiếu của Tencent từng ở mức cao kỷ lục 248,4 HKD (tiền Hongkong)/cổ phiếu, tương đương gần 32 USD/cổ phiếu, đưa mức vốn hóa thị trường lên 279 tỉ USD. Theo giới chuyên môn, Tencent đang có trong tay WeBank, ngân hàng tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Trung Quốc thực hiện các giao dịch kỹ thuật số.
Theo trang Statista, Tencent hiện là hãng internet lớn thứ 5 thế giới tính theo vốn hóa thị trường với lợi nhuận trong quý I-2017 đạt 2,8 tỉ USD trong tổng doanh thu 7,2 tỉ USD. Hiện ông Mã Hóa Đằng là cổ đông lớn nhất của Tencent, nắm giữ 8,71% cổ phần của hãng này. Theo giới truyền thông, Tencent vừa chi 1,8 tỉ USD để mua 5% cổ phần của Tesla.
Tốt nghiệp chuyên ngành máy tính tại Trường đại học Thâm Quyến năm 1993 và hiện ông Mã Hóa Đằng là CEO hãng công nghệ Tencent Holdings, đang chiếm lĩnh thị trường trò chơi thế giới sau khi mua lại Công ty Riot Games của Mỹ (nổi tiếng với trò chơi League of Legends) và Công ty Supercell của Phần Lan (ghi dấu ấn với trò chơi Clash of Clans).
Ông Mã Hóa Đằng (còn gọi là Pony Ma) |
Giới chuyên môn cho rằng, ông Mã Hóa Đằng đã mở ra thời kỳ “văn hóa QQ” ở đất nước đông dân nhất thế giới khi cho ra đời công cụ chat bằng tiếng Hoa với logo chim cánh cụt và điều này đã làm thay đổi thói quen liên lạc của người dân Trung Quốc. Bởi học sinh phổ thông có thể không dùng di động, nhưng không thể thiếu QQ và khi chia tay bạn, họ không nói “phone cho mình nhé” mà bảo rằng “Q cho mình nhé”.
Điều đáng nói nhất là Tencent sớm tìm ra cách kiếm tiền từ các đối tượng trực tuyến thông qua trò chơi, thu hút người dùng, sau đó bán dịch vụ để bổ sung cho các trò chơi đó. Bởi ngoài QQ, QQ.com, trò chơi trực tuyến QQ còn có mạng paipai.com, hòm thư Foxmail, các sản phẩm ảo như QQshow, QQpet, QQgame, QQmusic, QQradio, QQliveTV, cung cấp nhạc chuông cho điện thoại, thương mại điện tử...
Được thành lập năm 1998 khi 26 tuổi với ứng dụng nhắn tin là QQ (được coi là bản sao của ứng dụng ICQ), đến năm 2004, Tencent có lãi với thu nhập hơn 130 triệu USD, cổ phiếu được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hongkong. Cũng trong năm 2004, ông Mã Hóa Đằng đoạt giải Nhân vật kinh tế Trung Quốc do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc bình chọn, được tạp chí Time và hãng CNN bình chọn là 1 trong 25 doanh nhân có ảnh hưởng trên thế giới.
Theo giới chuyên môn, bí quyết thành công của Tencent là thiết kế phần mềm QQ vừa có chức năng thông tin vừa có tính giải trí. Giám đốc điều hành hãng Kantar Insight ở Trung Quốc Deepender Rana cho rằng, khi Trung Quốc nổi lên với tư cách cường quốc về công nghệ, việc họ có thương hiệu Tencent cán mốc giá trị 100 tỉ USD là hợp lý. Không những là doanh nghiệp duy nhất ngoài nước Mỹ lọt vào top 10 công ty có giá nhất thế giới, Tencent hiện chỉ đứng sau ngân hàng JP Morgan.