Tác động của cuộc gặp Trump - Kim với châu Á

Việc Mỹ - Triều đạt được thỏa thuận có thể khiến Nhật lo lắng còn nếu đối thoại đổ bể thì nguy cơ xung đột sẽ gia tăng. 

tac dong cua cuoc gap trump kim voi chau a
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12/6, nếu Kim Jong-un đồng ý giải trừ hạt nhân đổi lấy những nhượng bộ như Mỹ giảm hiện diện trên bán đảo hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt, tốc độ và khung thời gian sẽ là yếu tố quan trọng.

Nếu việc giải trừ vũ khí còn cần nhiều thời gian mới thực hiện được thì nó có thể có ít tác động ở châu Á, nhưng nếu việc đó được lên kế hoạch thực hiện xong trong 5 năm tới và đi kèm với viện trợ cho Triều Tiên cũng như sự suy yếu của liên minh an ninh Mỹ - Hàn thì "điều đó có thể khiến Nhật lo lắng", Sharon Squassoni, giáo sư nghiên cứu tại Đại học George Washington, đánh giá.

Binh lính Mỹ đã đóng quân ở Hàn Quốc từ những năm 1950 và việc họ rút quân khỏi Hàn sẽ là mối quan tâm lớn đối với nước láng giềng Nhật Bản. Việc đó làm tăng khả năng Mỹ sau đó sẽ đóng cửa căn cứ quân sự ở Nhật, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định.

"Nếu đạt được thỏa thuận, việc đó sẽ xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đối với Mỹ, nhưng lại khiến Nhật Bản và Hàn Quốc dễ bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí khác", Troy Stangarone, giám đốc cấp cao tại Viện Kinh tế Triều Tiên, trung tâm nghiên cứu ở Washington, đánh giá.

Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á hy vọng rằng nếu Mỹ giảm lực lượng tại Hàn Quốc, họ sẽ phân bổ lại lực lượng để đối phó tốt hơn trước những động thái trên biển quyết liệt của Trung Quốc. Nhưng không có gì bảo đảm điều đó sẽ xảy ra, Stangarone nhận xét .

Thay vào đó, việc giảm quân sẽ "gửi tín hiệu đến phần còn lại của khu vực rằng sự hiện diện của Mỹ ngày càng suy giảm chứ không còn là chỗ dựa ổn định", Stangarone nói.

Trong thập niên 1970, Mỹ từng rút một số lực lượng ở Hàn Quốc khiến Seoul phải phát triển khả năng phòng thủ quốc gia, bao gồm một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. "Chúng ta chắc chắn muốn tránh kết quả đó", Squassoni cảnh báo.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận

Nếu cuộc đối thoại ngày 12/6 đổ bể, điều đó có thể khiến các quan chức Mỹ cho rằng ngoại giao là một chiến lược thất bại, khiến giải pháp quân sự trở thành lựa chọn duy nhất để loại bỏ mối đe dọa từ Triều Tiên", IISS đánh giá.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột vẫn là nguy cơ xa vời. Stangarone dự đoán nếu không đạt được thỏa thuận thì Mỹ sẽ chỉ tăng cường áp lực kinh tế để ép Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.​​​

Đa số chuyên gia dự đoán hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ đưa ra các cam kết mơ hồ, chung chung về giải trừ hạt nhân. Việc đó "không có tác động lớn với khu vực bởi vì kiểu cam kết như vậy không có gì mới mẻ", Squassoni nói. Trong khi đó, Stangarone cho rằng "kết quả như vậy có thể là đã đủ với các cường quốc châu Á".

Phương Vũ

tac dong cua cuoc gap trump kim voi chau a Nỗ lực chạy đua hồi sinh thượng đỉnh Trump - Kim trên toàn cầu

Nhiều cuộc đàm phán đã và đang diễn ra ở Mỹ, Singapore hay bên trong Khu Phi quân sự liên Triều nhằm nối lại thượng ...

tac dong cua cuoc gap trump kim voi chau a Hai kịch bản kết quả cuộc gặp Trump - Kim

Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên có thể tạo nên bước ngoặt trên bán đảo Triều Tiên hoặc có thể khiến hai bên ...

/ VnExpress