Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, bệnh “nghiện quản lý” của cơ quan quản lý xuất phát từ nghiện quyền lực và những khoản thu nhập có được dựa trên quyền lực đó.
Trao đổi tại tại diễn đàn về "Chính sách cho cạnh tranh quốc gia" do viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng mặc dù có nhiều chính sách nói đến cạnh tranh nhưng lại có nhiều vấn đề về quản lý Nhà nước.
Bắt bệnh "nghiện quản lý”
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, một trong những căn bệnh cố hữu của quản lý Nhà nước hiện nay đó là căn bệnh “nghiện quản lý”, các cơ quan quản lý dường như luôn bị ám ảnh về nhu cầu quản lý.
Các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của chính sách, mục đích của quy định, đạo luật vẫn là "đáp ứng mục tiêu quản lý của Nhà nước", hay "để tăng cường quản lý Nhà nước".
Một "căn bệnh" khác được ông Tuấn đưa ra đó là quản lý Nhà nước rất tốn kém. Khi Nhà nước can thiệp vào thị trường hay hoạt động của doanh nghiệp bằng các công cụ như điều kiện kinh doanh sẽ làm phát sinh các phí tổn, cả chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần phải xem xét căn bệnh “nghiện quản lý” mà ông Tuấn đưa ra xuất phát từ đâu? Bà Lan cho rằng, căn bệnh này xuất phát từ việc "nghiện" quyền lực và "nghiện" thu nhập của quan chức, công chức dựa trên quyền lực đó.
Bà Phạm Chi Lan khẳng định căn bệnh “nghiện quản lý” làm biến chất mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN, làm cho mối quan hệ này rất nhùng nhằng thiếu lành mạnh trong xã hội VN hiện nay.
"Cứ để kiểu “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì” dẫn dắt thì lấy đâu sức để nghĩ cách cạnh tranh?".
Mục tiêu quản lý có phải vì hiệu quả kinh tế?
Bà Lan cũng nhận định, với số điều kiện kinh doanh khổng lồ như hiện nay thì mỗi điều kiện tồn tại đều có thể là một minh chứng cho cái giá mà Nhà nước, xã hội và cả nền kinh tế phải trả, làm khó cho xã hội, doanh nghiệp.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng đặt vấn đề, hơn 5.000 điều kiện đưa ra nhưng thực tế có quản lý được hay không? Tại sao Nhà nước lại đẻ ra một bộ máy cồng kềnh, đưa ra những nội quy nhưng xã hội vẫn phải đương đầu với các vấn đề như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường... Trong khi một cơ quan quản lý như cục Quản lý cạnh tranh chỉ xử lý được vài vụ còn gần như bất lực?
Về mục tiêu quản lý, bà Lan cũng đánh giá mục tiêu này giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý khác nhau. Doanh nghiệp hướng mạnh đến hiệu quả, phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành nghề đóng góp vào nền kinh tế.
"Còn cơ quan quản lý Nhà nước liệu có xuất phát từ yêu cầu để cải thiện hiệu quả của kinh tế, để phát triển kinh tế không? Tôi e rằng không phải cơ quan Nhà nước nào cũng xuất phát từ điều đó. Nếu xuất phát từ nhu cầu hiệu quả thì sẽ phải thấy những điều kiện đó làm giảm hiệu quả đi rất mạnh và nếu để phục vụ cho phát triển thì những điều kiện đó làm triệt tiêu các nguồn lực, làm nền kinh tế khó khăn hơn chứ không phải phục vụ cho sự phát triển.
Như vậy mục tiêu giữa cơ quan Nhà nước và DN khác nhau rất nhiều. Đáng lẽ cơ quan Nhà nước phải nghĩ đến hiệu quả chung của nền kinh tế thì đây lại chưa phải là động lực của các cơ quan Nhà nước”- bà Lan nhấn mạnh.