Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, GS Bùi Văn Ga khẳng định việc xét duyệt ứng viên đã thực hiện nghiêm ngặt, không xuê xoa.
Ngay sau khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.131 ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư, sáng nay, 6/3, chương trình Góc nhìn thẳng đã mời tới trường quay Giáo sư Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước để giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Vì sao hồ sơ xét giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bị để lại?
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa giáo sư, lời đầu tiên xin giáo sư giải đáp về kết quả trong đợt rà soát danh sách công nhận giáo sư, phó giáo sư vừa qua, vì sao chúng ta để lại đến hơn 90 trường hợp?
GS Bùi Văn Ga:Sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước họp phiên thứ 7 thông qua danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư của năm nay, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau.
Về chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phải rà soát lại hồ sơ của các ứng viên, xem quy trình thủ tục hồ sơ có đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hay không .
Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã chỉ thị các hội đồng ngành và liên ngành rà soát lại các thủ tục cũng như việc đánh giá, cho điểm các ứng viên xem có gì trục trặc không.
GS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước |
Mặt khác, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cũng thành lập tổ công tác để rà soát các hồ sơ. Chúng ta rà soát theo 2 mảng song song với nhau, một bên là rà soát về khoa học, về chất lượng công trình, một bên rà soát lại các thủ tục, hồ sơ, chứng cứ và chứng từ.
Như vậy, trong sự phối hợp hai mảng rà soát đó, một bên là của hội đồng ngành, một bên là của tổ công tác thì tại kỳ họp thứ 8 vừa rồi, các tổ công tác cũng như hội đồng đã thấy rằng, có 1.131 ứng viên giáo sư, phó giáo sư có hồ sơ hoàn thiện, không có đơn thư khiếu nại tố cáo, đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết để công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Số còn lại không phải họ không đạt các tiêu chuẩn, nhưng hồ sơ còn những việc, có những chứng cứ cần phải xác minh thêm, như những chứng cứ về nghiên cứu,… để trong thời gian sắp tới trình lại hội đồng trong kỳ họp Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước để xem xét, quyết định.
Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại với nguyên cớ về việc chúng ta phải rà soát lại, đó là câu chuyện về tăng số lượng đột biến các ứng viên được được công nhận làm phó giáo sư, giáo sư. Xin giáo sư lý giải sự tăng đột biến này và liệu có vấn đề gì liên quan đến tiêu cực hay có lợi ích nhóm ở đây không?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Trước hết là bối cảnh chúng ta xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm nay khác so với năm trước. Sau khi kết thức đợt xét năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất thay thế Quyết định 174, Quyết định 20 của Thủ tướng bằng một quyết định mới phù hợp hơn. Quyết định hiện hành đã thực hiện được 8 năm rồi.
Trong 8 năm đấy, khoa học thay đổi rất nhiều, trình độ của giảng viên, của cán bộ khoa học cũng tăng lên đáng kể. Cách đây 8 năm, chúng ta thấy quy định như vậy phù hợp với thực tiễn, nhưng bây giờ lại thấy nó hơi nhẹ.
Số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng đột biết (biểu đồ: Lê Na) |
Vì vậy, chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất nâng cao chất lượng lên. Nhưng dự thảo này mắc phải rất nhiều ý kiến trái chiều, ý kiến khác nhau khi đem ra tham khảo ý kiến xã hội, ý kiến của các nhà khoa học. Chính vì vậy, Bộ cũng chưa trình Thủ tướng để xin phép ban hành được.
Vì chúng ta cố gắng chờ Quyết định mới nên thời gian xét kéo dài ra. Mọi năm tháng 2 chúng ta thông báo thì năm nay đến tháng 7 chúng ta mới thông báo, thực hiện quy trình chậm lại khoảng 6 tháng. Như vậy chu trình xét như trước là chỉ có 1 năm thôi, nhưng năm vừa rồi 2017 là 1,5 năm. Vì chu trình kéo dài như vậy nên số ứng viên cũng tăng lên.
Mặt khác, trước đây nhiều chủ trương chính sách Nhà nước là cho cán bộ đi học nước ở ngoài bằng ngân sách Nhà nước, rồi nhiều chương trình hợp tác song phương nên số lượng tiến sỹ ở các trường Đại học tăng lên đáng kể so với các đây 8 năm.
Các đây 8 năm, số lượng, tỷ lệ giảng viên tại các trường Đại học chỉ khoảng 7 – 8% thôi, nhưng hiện nay là trên 20% và số lượng tuyệt đối cũng có lên rất nhiều so với trước đây. Có những trường số lượng tiến sỹ là trên 50%. Có nghĩa là cán bộ trẻ chúng ta chúng ta đạt mức cao hơn rất nhiều.
Gần đây, số lượng năm nào cũng tăng lên, năm nay số lượng tăng nhiều hơn mọi năm nên nên cũng không có gì là không bình thường bởi vì những lý do khách quan đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh những lý do khách quan, những lý do mang tính kỹ thuật như vậy thì bản thân giáo sư có cảm nhận được rằng vấn đề chất lượng giáo sư, phó giáo sư cần phải xem xét lại kỹ?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Cũng phải khẳng định rằng chất lượng các ứng viên năm sau cao hơn năm trước. Các hội đồng đều nhìn nhận như vậy qua chất lượng hồ sơ của các ứng viên, cả về chất lượng sách vở, giáo trình, rồi chất lượng các công bố khoa học, chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học,… đặc biệt là trình độ ngoại ngữ của các ứng viên ngày càng được cải thiện. Đó là điều rất đáng mừng.
Như tôi nói ở trên là càng ngày, trình độ của giảng viên chúng ta, trình độ của các cán bộ khoa học cũng nâng lên rất đáng kể chứ không phải như cách đây 8 năm về trước.
Các hội đồng đánh giá rất nghiêm khắc khi xét duyệt hồ sơ, có nhiều hội đồng chỉ đạt khoảng 60 – 65% thôi, không phải đưa lên là hội đồng xuê xoa. Nói chung là hội đồng xét rất nghiêm ngặt.
Về chất lượng của các ứng viên, những năm sau cao hơn năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015, năm 2017 cao hơn năm 2016. Đó là chuyện rất bình thường và điều đấy cũng rất đáng mừng.
Ví dụ như theo quy định hiện hành, không bắt các ứng viên phải có công bố quốc tế, nhưng có rất nhiều ứng viên đăng lên báo quốc tế, lên các hội nghị, hội thảo quốc tế, đặc biệt là có nhiều tạp chí uy tín trong danh mục của ISI. Năm nay, số lượng tăng hơn năm ngoái đến 2,1 lần, có nghĩa là các ứng viên đã cố găng hơn rất nhiều và chất lượng dần tiếp cận đến những chuẩn mực quốc tế.
Giáo sư Bùi Văn Ga chia sẻ tại trường quay chương trình Góc nhìn thẳng |
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa giáo sư, có những trường hợp sau một khoảng thời gian dài làm công tác nghiên cứu khoa học thì nay chuyển sang làm công tác lãnh đạo và đang giữ những vị trí rất cao trong hệ thống Nhà nước, là quan chức. Vậy đối với những trường hợp đã làm quan chức rồi thì có nhất thiết phải xin phong hàm giáo sư không, bởi vì giáo sư không phải là chức vụ?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Cũng phải nói rõ rằng giáo sư, phó giáo sư là ngạch của giảng viên. Theo đúng Luật Giáo dục Đại học, giảng viên giảng dạy thì có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giáo sư, phó giáo sư, tức là có 5 bậc. Nếu công nhân có 7 bậc thì giảng viên có 5 bậc như vậy. Vì giáo sư, phó giáo sư là ngạch bậc của giảng viên nên muốn được là giáo sư, phó giáo sư thì sau khi đạt chuẩn phải bổ nhiệm vào một trường nào đó.
Những người trước khi được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó mà họ đã là giáo sư rồi, thì khi họ chuyển sang làm công tác lãnh đạo, ngay lập tức họ sẽ chuyển từ giảng viên cao cấp nếu làm giáo sư, thành chuyên viên cao cấp. Sau khi họ kết thúc việc quản lý rồi, trở về giảng dạy, nếu họ định kéo dài làm công tác chuyên môn thì họ sẽ báo cáo lại với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để được khôi phục chức vụ giảng dạy là giáo sư hay phó giáo sư.
Cho nên, chúng ta cũng phải khẳng định một điều rằng giáo sư, phó giáo sư là những chức vụ giảng dạy và họ phải được bổ nhiệm và một trường Đại học.
Hồ sơ xét giáo sư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được để lại để xem xét thêm |
Còn khi xét đạt được tiêu chuẩn mà họ chưa được bổ nhiệm vào một trường Đại học nào đó thì họ cũng không phải là giáo sư, phó giáo sư mà mới chỉ là đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư thôi chứ chưa phải giáo sư, phó giáo sư theo quy định hiện hành.
Nhà báo Phạm Huyền: Như giáo sư vừa phân tích, chúng tôi cũng muốn hỏi thêm về trường hợp công nhận giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (trong danh sách để lại-PV), dư luận cũng đã có nhiều băn khoăn. Vậy xin giáo sư giải thích rõ hơn về trường hợp này?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh sách 1.131 ứng viên đạt tiêu chuẩn, không có đơn thư khiếu nại tố cáo, hồ sơ đạt chuẩn, đủ điều kiện.
Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã ký quyết định và sáng nay đã công bố trên mạng cho tất cả mọi người biết.
Như vậy, những trường hợp không nằm trong danh sách 1.131 này thì hồ sơ sẽ được xem xét lại, xem xét các minh chứng. Có nghĩa là trong khi hội đồng cơ sở, hội đồng ngành trình hội đồng Nhà nước, bên cạnh việc phải đầy đủ các chứng cứ, chứng từ còn phải kèm theo các minh chứng, ví dụ như giờ giảng thì anh giảng lớp nào, giảng ra sao… những chi tiết đó sẽ được làm rõ ràng.
Diện hồ sơ thứ hai nằm trong diện hồ sơ xem xét tiếp theo là những hồ sơ có đơn thư tố cáo, khiếu nại về công trình hay về vị trí hay giờ giảng,… những hồ sơ đó sẽ được để lại xem xét.
Tuy nhiên, không phải những hồ sơ để lại đó không đạt chuẩn, mà những hồ sơ để lại xem xét đó cần bổ sung chứng cứ. Khi xem xét xong, Bộ sẽ báo cáo Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trong đợt cuối tháng 3 này để hội đồng Nhà nước sẽ xem xét những lại chứng cứ mà thanh tra đã xác minh, từ đó kết luận xem hồ sơ còn đạt chuẩn hay không thì sẽ quyết định lại.
Nhà báo Phạm Huyền: Tức là trường hợp của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là thuộc nhóm đó?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Trường hợp không nằm trong danh sách 1.131 ứng viên sáng nay thì sẽ thuộc diện xem xét ấy. Không phải mặc nhiên đạt chuẩn mà đã là giáo sư
Nhà báo Phạm Huyền: Một trong những băn khoăn của dư luận vừa rồi về công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng liên quan đến chất lượng hoạt động hiện nay của các giáo sư.
Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng hoạt động hiện nay của các giáo sư, đặc biệt có những nghi ngại là có những người sau khi được công nhận là giáo sư thì lại không có hoạt động nghiên cứu khoa học gì đáng kể mà chủ yếu dùng danh xưng giáo sư để phục vụ cho các mục đích cá nhân?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Như tôi đã nói ở trên là giáo sư, phó giáo sư chỉ được chính thức công nhận là giáo sư, phó giáo sư khi đã được một cơ quan giảng dạy, một trường Đại học, Viện Nghiên cứu hay cơ sở giáo dục Đại học bổ nhiệm. Nếu anh đạt chuẩn mà chưa được cơ sở giáo dục Đại học bổ nhiệm thì anh chưa phải là giáo sư.
Không phải mặc nhiên đạt chuẩn mà anh là giáo sư đâu. Thứ nhất, chúng ta phải thống nhất như vậy, luật pháp đã quy định rõ rồi, không phải trong quy chế xét mà là quy định của luật.
Thứ hai là nếu anh làm công chức quản lý mà bây giờ được một trường bổ nhiệm làm giáo sư, có nghĩa là bổ nhiệm anh viên chức thì vấn đề này phải hỏi Bộ Nội vụ xem có được phép hay không?
Vì một công chức đương nhiệm mà giờ làm thêm viên chức là giáo sư nữa thì Bộ Nội vụ có thể trả lời cho anh rõ hơn, bởi chúng tôi không nắm rõ các quy định ấy. Một anh vừa làm công chức, làm công tác quản lý, vừa làm viên chức, làm giáo sư có nghĩa là làm hai vai và hưởng hai lương như vậy thì thuộc quy định của Bộ Nội vụ.
Đối với những giảng viên được phong làm giáo sư, phó giáo sư tức là hoạt động rất tốt. Vì khi được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư như vậy, họ thấy được rằng trách nhiệm của họ nặng nề hơn và họ phải ra sức phấn đấu làm tốt công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học.
Rất nhiều giảng viên trẻ sau khi được phong làm giáo sư, phó giáo sư đã có rất nhiều công trình khoa học, đăng báo quốc tế, hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng như thực hiện các chức năng nhiệm vụ của họ.
Cho nên, có thể nói rằng những người đã được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư tại các trường Đại học đã phát huy rất tốt. Tất nhiên, có một số người sau đấy họ phải chuyển công tác sang làm nhiệm vụ quản lý hay nhiệm vụ phân công khác thì họ phải dành thời gian nhiều hơn cho công tác chính của họ, cái đó chúng ta cũng không có gì phải quá phàn nàn, số đó không phải là số nhiều.
Nhưng khi họ đã chuyển sang công tác quản lý thì họ không hưởng ngạch của giáo viên nữa và ngay lập tức chuyển sang ngạch chuyên viên. Về mặt pháp luật họ không phải là giáo viên. Đó là số ít, còn số đông thì vẫn hoạt động rất tốt và chúng ta có thể thấy sự thể hiện tích cực của việc sắc phong giáo sư, phó giáo sư để tạo một đội ngũ giảng dạy khoa học của đất nước.
Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, có đâu đó trong dư luận vẫn đặt vấn đề là có những giáo sư không nhìn thấy quá nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực khoa học mà lại dùng những danh xưng đó để phục vụ cho các mục đích cá nhân.
Vậy trên thực tế khi trở thành giáo sư hay phó giáo sư thì có những quyền lợi gì khác biệt? Theo ông khi đã khoác lên vai chức danh giáo sư, phó giáo sư thì họ phải có những trách nhiệm như thế nào để có thể thể hiện tương xứng với học hàm mà mình được công nhận?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Giáo sư, phó giáo sư là ngạch của giảng viên, không phải học hàm của Nhà nước phong như trước 2008. Lúc trước, đó là hàm do Nhà nước phong nên suốt đời, đi đâu anh cũng được gọi là giáo sư. Tuy nhiên, quy định hiện hành từ năm 2008 đến bây giờ thì giáo sư, phó giáo sư là ngạch của giảng viên.
Như vậy, nếu anh không còn giảng dạy nữa thì anh không còn hưởng ngạch của giáo viên là giáo sư, phó giáo sư mà chuyển sang công tác quản lý thì lập tức anh chuyển thành chuyên viên, phó giáo sư sẽ chuyển thành chuyên viên chính còn giáo sư thì chuyển thành chuyên viên cao cấp. Khi được bổ nhiệm thành giáo sư thì họ cũng không có quyền lợi gì thêm.
Vừa rồi thực hiện Luật Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ là tăng mức lương của giáo sư lên vì hiện nay giáo sư cả nước chúng ta cũng không có mấy người. Nhưng chúng ta vẫn chưa nhất quán được việc tăng lương cho các giáo sư. Hiện nay họ vẫn hưởng lương của giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp chứ không có quyền lợi gì về lương ở đây cả.
Nhưng có cái để an ủi họ là khi làm giáo sư, khi hết tuổi làm công tác quản lý là 60 tuổi, nếu cơ sở giáo dục Đại học có nhu cầu thì họ được phép làm công tác chuyên môn, tức là giảng dạy và làm nghiên cứu ở đấy.
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, xin hỏi giáo sư câu cuối cùng để khép lại chương trình này, sau những vụ việc, những nghi ngại như vừa rồi thì có ý kiến cho rằng nên giải thể Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, thay vào đó, việc công nhận giáo sư, phó giáo sư nên để các trường tự làm. Vậy ý kiến giáo sư về vấn đề này ra sao?
Giáo sư Bùi Văn Ga: Dư luận vừa qua cũng bàn nhiều về việc này. Khi Bộ triển khai quy định mới để xét đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư thì có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, trong quá trình ban hành những văn bản chỉ đạo, tôi thấy có mấy vấn đề chúng ta phải xem xét kỹ.
Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định rằng giáo sư, phó giáo sư là ngạch của giảng viên, tức là có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Như vậy, hiện nay anh làm giảng viên chính thì anh phải thi qua kỳ thi của Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đó là cơ quan Nhà nước tổ chức cho giảng viên chính, là một ngạch của giảng viên thôi.
Còn giáo sư, phó giáo sư như hiện nay theo luật quy định, Thủ tướng quy định Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước là một bên anh thi còn một bên là xét có hội đồng này.
Nếu bây giờ giao cho trường xét giáo sư, phó giáo sư trong khi giảng viên chính là cấp thấp hơn lại phải thi do Bộ Nội vụ tổ chức. Vì vậy nếu chúng ta muốn thay đổi để cho trường xét giáo sư, phó giáo sư thì trước hết về mặt logic, về luật pháp, chúng ta phải thay đổi cả về luật pháp, phải xử lý đồng bộ các ngạch khác của giảng viên.
Thứ hai là việc xét đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư, hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình khác nhau, không có mô hình nào chung cho tất cả. Có nước cũng làm như chúng ta là có Hội đồng Nhà nước xét đạt chuẩn rồi sau đó các trường bổ nhiệm giống như ở Pháp.
Ở nước ta, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chỉ xét đạt mức tối thiểu giáo sư, phó giáo sư, còn việc bổ nhiệm ngạch giáo sư, phó giáo sư là nhiệm vụ của cơ sở. Những trường có nhiều giáo sư, phó giáo sư rồi ở Hà Nội hay thành phố lớn thì họ có thể chọn những giáo sư tiêu chuẩn cao hơn.
Còn những người có thể tiêu chuẩn ít hơn thì họ có thể đi những tỉnh hay trường khác để công nhận. Đó là chuyện hết sức bình thường, nó giống như điểm sàn là những thí sinh đạt điểm sàn cứ thế vào học, nhưng có vào học được hay không là do các trường lựa chọn.
Vậy việc bỏ ngưỡng chung như vậy cũng giống như bỏ điểm sàn. Điểm sàn chúng ta áp dụng 13 – 14 năm, năm nay chúng ta chính thức bỏ. Việc bỏ ngưỡng chung đấy để đưa các trường xem xét thì chúng ta phải hết sức cân nhắc và thận trọng.
Vì trên thế giới, mỗi nước có một đặc thù riêng như thế nên chúng ta không thể áp dụng nguyên xi những cái người ta làm. Vì vậy, việc xây dựng các văn bản để xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư là hết sức khó khăn bởi có nhiều ý kiến khác nhau.
Hai năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hết sức cố gắng, nỗ lực để đổi mới phương thức xét và công nhận giáo sư, phó giáo sư. Nhưng chúng ta vẫn cần làm thêm đến chừng nào có sự đồng thuận cao hơn thì mới trình Thủ tướng để xem xét phê duyệt.
Nhà báo Phạm Huyền: Cám ơn những chia sẻ vô cùng thẳng thắn của giáo sư với báo điện tử VietNamNet!
Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước: Tiếp tục làm rõ các trường hợp không đạt chuẩn
Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho biết đang tiếp tục làm rõ các trường hợp bị phản ánh không đạt tiêu chuẩn ... |
Kết quả chính thức rà soát hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS
Ngày 5.3, Bộ GDĐT đã chính thức công bố công khai kết quả rà soát đợt 1 hồ sơ ứng viên đạt tiêu chuẩn chức ... |