Phòng ngừa chứng liệt mặt do thời tiết trở lạnh đột ngột

Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh, gần đây, nhiều bệnh nhân ở Hà Nội phải nhập viện do bị méo mồm, liệt mặt vì liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả những bệnh nhân trẻ tuổi. Làm thế nào để phòng chống căn bệnh dễ phát tác vào mùa đông này?

phong ngua chung liet mat do thoi tiet tro lanh dot ngot
Khi phát hiện méo mồm, liệt mặt cần đi khám để có phương pháp điều trị sớm để tránh di chứng

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là bệnh mà người dân hay gọi nôm na là trúng gió. Bệnh do nhiều nguyên nhân, nhưng khoảng trên 75% trường hợp mắc bệnh là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7. Về cơ chế gây bệnh, lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh Trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.

Biểu hiện của bệnh liệt dây thần số 7 ngoại biên rất dễ nhận biết bệnh như: mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng bị méo sang một bên, một bên mắt không thể nhắm kín, uống nước bị trào lại ra ngoài. Ngoài ra, một số trường hợp ban ngày bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cử động, khó cười nói, khó nhắm mắt, đau trong tai, nhức đầu, mất vị giác, nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn…

Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, đặc biệt những người đi tập thể dục trong mùa đông quá sớm hoặc đi sớm về khuya nhưng không bảo vệ sức khỏe khi đi ra ngoài trời lạnh. Chuyên gia cảnh báo, tuy là bệnh lành tính, nhưng liệt dây thần kinh số 7 cũng để lại di chứng nặng nề nếu không được cứu chữa kịp thời, biến chứng nặng nề nhất đó chính là loét giác mạc, thậm chí là dẫn đến mù mắt.

Hiện nay, nếu điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bằng phương pháp y học cổ truyền ngay trong tuần đầu tiên phát hiện, bệnh có thể khỏi trên 90%. Trường hợp đến bệnh viện điều trị muộn hơn, từ 3 đến 4 tháng thì có thể để lại di chứng như: méo miệng, mắt nhắm không kín, ăn uống còn rơi vãi. Để phòng bệnh, mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên; ăn đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, uống nước cam, nước chanh hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.

Vào mùa lạnh, khi thức dậy, hãy ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài. Khi đang nằm trong chăn ấm hoặc ở trong nhà mà ra ngoài thì phải mặc thêm áo ấm, giữ ấm vùng trán, đầu, mặt, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh. Nên tắm nước ấm, trong phòng kín, tắm nhanh và tuyệt đối không nên tắm khuya vì cơ thể rất dễ nhiễm lạnh.

Một lưu ý khác, trong mùa lạnh không nên cho trẻ ngồi trước xe máy khi đi ra đường bởi dù trẻ được mặc ấm nhưng gió lạnh vẫn tạt vào mặt, rất dễ gây liệt mặt. Khi bị liệt mặt cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị sớm, đồng thời cũng để chẩn đoán, loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não…

phong ngua chung liet mat do thoi tiet tro lanh dot ngot Mẹo tập thể dục vào mùa lạnh không hại sức khỏe

Đừng mặc quần áo 100% cotton vì mồ hôi không bay hơi dễ làm cơ thể nhiễm lạnh; uống nước ấm và khởi động gấp ...

phong ngua chung liet mat do thoi tiet tro lanh dot ngot Bí kíp sống sót qua giá lạnh mùa đông dành cho người lười

Với những bí kíp này, mùa đông sẽ không còn là nỗi ám ảnh đối với hội người lười nữa.

/ Báo An ninh Thủ đô