Từ 1.1.2018, sẽ không còn những chiếc vành móng ngựa trong các phiên tòa, đó là quy định của Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Thay cho vành móng ngựa là bục khai báo, một bước tiến bộ trong tổ chức hình thức của một phiên tòa xét xử các vụ án hình sự.
Cùng với bỏ vành móng ngựa, một yếu tố rất đáng đề cao, đó là vị trí của đại diện Viện kiểm sát và vị trí của người bào chữa được đặt ngang nhau, không để vị trí của đại diện Viện kiểm sát cao hơn người bào chữa như trước đây.
Không có hình thức nào không chứa đựng nội dung, và nội dung ở đây chính là thông điệp của dân chủ, quyền con người được đề cao trong một xã hội văn minh.
Không ai có tội trước khi Hội đồng xét xử tuyên án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Vậy thì không thể có một vành móng ngựa như một lời tuyên bố hay sự áp đặt rằng người đứng trong vành móng ngựa đó dứt khoát là kẻ phạm tội.
Tố tụng hình sự bắt buộc có buộc tội và gỡ tội, vậy thì hai bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa phải bình đẳng, không thể có chuyện đại diện Viện kiểm sát có vị trí cao hơn luật sư, vì đó cũng là sự áp đặt ngay từ đầu về quyền buộc tội cao hơn quyền gỡ tội. Luật sư không phải ở tư thế đối lập mà độc lập hành nghề, trong một cơ chế thống nhất với các chủ thể tư pháp khác.
Trước đây, Báo Lao Động có bài viết “Chiếc áo công dân”, đề xuất bỏ áo tù khi ra tòa, vì bị cáo chưa phải là phạm nhân, chưa chịu hình phạt của pháp luật. Đến nay, bị cáo có thể mặc veston thắt cà vạt ra tòa, và chỉ đứng trên bục khai báo. Bất cứ người chấp pháp nào cũng hiểu rõ “nguyên tắc suy đoán vô tội” là nguyên tắc mang tính nhân văn sâu sắc mà nhân loại văn minh đặt ra. Tuy nhiên, thay đổi hình thức chưa đủ, điều quan trọng hơn là tôn trọng quyền tranh tụng của các bên. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - người bào chữa cho ông Đinh La Thăng - cho rằng, ông kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tư duy, quan điểm, phương pháp tranh luận. Cụ thể là để luật sư trình bày hết quan điểm bào chữa và phía buộc tội phải tranh luận, trả lời xác đáng từng nội dung luật sư đặt ra.
Phải tranh luận tới cùng để tìm ra sự thật khách quan, phải tôn trọng kết quả tranh tụng và chứng cứ tại tòa hơn là lời khai trong quá trình điều tra và tất nhiên, diễn biến tại phiên tòa công khai là căn cứ để Hội đồng xét xử đưa ra kết luận.
Không có vành móng ngựa trong một phiên tòa, cũng có nghĩa là không có bất cứ điều gì ngăn cản tranh luận công khai tại phiên tòa.
Từ 1/1/2018, bị cáo không còn phải đứng trước vành móng ngựa
“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu ... |
Nỗi đau trước vành móng ngựa
Hiếm có phiên tòa nào cả gia đình đều liên quan như vụ án giết người mà TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét ... |