Phá đám cưới của chính mình

Chỉ còn vài giờ là tới lễ cưới, cô dâu lẳng lặng lẻn vào một góc khuất trong nhà và gọi tới số của đường dây trợ giúp.

Hoang mang và sợ hãi, cô bé mới 13 tuổi muốn ai đó giúp chặn đứng đám cưới của chính mình.

Đó là trường hợp hẳn sẽ khiến nhiều người không khỏi sốc nhưng lại xảy ra không ít tại Ấn Độ. Cô dâu nhí trong vụ việc trên tên là Monika, sống ở vùng ngoại ô nghèo nàn Bikaner, bang Rajasthan, Bắc Ấn Độ. Thực tế, tuổi của Monika cũng do những người trong Tổ chức Từ thiện ChildLine - những người nghe được lời cầu cứu từ cuộc gọi của cô - tìm hiểu qua sổ sách lưu lại ở trường học, bởi giấy khai sinh là thứ không tồn tại trong những gia đình nghèo như nhà Monika.

Cha mẹ Monika khăng khăng cô đã hơn 17 tuổi và luật pháp Ấn Độ quy định tuổi được phép kết hôn ở nữ giới là 18.

Cũng như nhiều vụ ép hôn khác, Monika chưa từng gặp người chồng tương lai do cha mẹ tìm cho em. Monika chỉ có một bức ảnh của anh ta, cùng những mô tả sơ sài của phụ huynh: chàng trai 22 tuổi này rất tốt, có học, làm công việc chân tay và sống cách nhà cô hơn 180 km.

pha dam cuoi cua chinh minh
Monika đã gọi điện thoại cầu cứu để thoát khỏi cuộc hôn nhân ngoài mong muốn khi mới 13 tuổi Ảnh: BBC

Đối với những bậc cha mẹ như phụ huynh của Monika, cuộc đời là chuỗi ngày vật lộn không ngừng khi phải chạy ăn từng bữa, gả con gái sớm nhiều khi chỉ là bớt một nỗi lo trong nhà và cũng là hoàn thành sớm bổn phận cha mẹ! Bất chấp cô bé muốn đi học tiếp, đám cưới của Monika được sắp đặt vào tháng 11-2017, một phần bởi chị cả của em kết hôn vào ngày này nên cha mẹ muốn kết hợp cho Monika lấy luôn em trai của chàng rể cả để làm đám cưới kép cho tiết kiệm tiền.

Rất may, sự can thiệp từ nhà hoạt động xã hội 31 tuổi Preeti Yadav của Tổ chức ChildLine đã ngăn chặn kịp thời đám cưới bất hợp pháp này.

Pháp luật Ấn Độ đã cấm tảo hôn từ năm 2006 nhưng đây vẫn là thực trạng nhức nhối. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), với dân số lớn, Ấn Độ là nước có nhiều cô dâu trẻ con nhất. Theo Preeti, khoảng 20-25 trường hợp tảo hôn ở địa phương được đưa tới bàn làm việc của cô kể từ đầu tháng 1 tới nay. Mùa đông vốn là mùa cưới truyền thống ở Rajasthan.

Có những bé gái mới 10 tuổi đã bị gả chồng như trường hợp của Pooja ở làng Husangsar, nằm giữa sa mạc Thar thuộc bang Rajasthan. Theo BBC, Pooja đã lấy chồng nhưng cha mẹ em nhất trí trì hoãn "gauna" - thời điểm cô dâu phải tới sống với gia đình chồng. Cách này ít nhất cũng giúp cô bé tiếp tục tới trường và không rơi vào cảnh mang thai sớm.

Tuy nhiên, những điều mà Pooja - hiện đã là thiếu nữ 15 tuổi - được dạy ở trường cho thấy tảo hôn là sai trái. "Thầy cô nói nữ giới được phép kết hôn ở độ tuổi ít nhất là 18 trong khi ở nam giới là 22" - Pooja chia sẻ với các nhà hoạt động của ChildLine - "Các bé gái cũng cần được học hành. Tôi muốn nói như vậy với tất cả người dân trong làng, đừng bắt các cô gái tảo hôn, đừng hủy hoại cuộc đời họ!".

Không chỉ là vấn đề của các nước đang phát triển, tảo hôn thậm chí còn bám rễ vào một số cộng đồng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuổi có thể kết hôn ở nhiều nước châu Âu là 16 nếu cha mẹ cho phép. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong những trường hợp như của Monika nêu trên, nghèo khó là nguồn cơn chủ yếu. Song, các nhà hoạt động xã hội nói rằng nguyên nhân sâu xa chính là vấn đề bất bình đẳng giới.

Tín hiệu đáng mừng

UNICEF hôm 6-3 cho biết số vụ tảo hôn trên thế giới đã giảm đáng kể, nhờ vào việc ngăn chặn được khoảng 25 triệu đám cưới "trẻ con" trong một thập kỷ qua.

Theo UNICEF, trên toàn thế giới hiện có khoảng 12 triệu bé gái kết hôn trước tuổi 18 mỗi năm, chiếm tỉ lệ 1/5 và giảm so với tỉ lệ 1/4 trong một thập kỷ trước. Tảo hôn sụt giảm mạnh nhất ở các quốc gia Nam Á. Tại Ấn Độ, đây là kết quả của việc trẻ em gái được giáo dục tốt hơn và các hoạt động tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn được phổ biến. Trong khi đó, dù châu Phi hiện có nhiều vụ trẻ em kết hôn nhất nhưng số trường hợp tảo hôn ở Ethiopia đã giảm 1/3.

Bà Anju Malhotra, cố vấn trưởng về giới của UNICEF, cho rằng bất kỳ thông tin sụt giảm nào về tảo hôn cũng đều đáng hoan nghênh. "Khi một bé gái bị buộc kết hôn, chúng đối mặt những hậu quả ngay lập tức và suốt đời. Các em khó lòng hoàn tất học hành trong khi khả năng bị chồng bạo hành và chịu đựng những biến chứng trong thai kỳ tăng lên. Kèm theo đó là những hệ lụy xã hội to lớn đi cùng nguy cơ nghèo đói kéo dài qua nhiều thế hệ" - bà Malhotra nói với đài BBC.

Theo Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết sẽ chấm dứt nạn tảo hôn vào năm 2030. Muốn vậy, theo bà Malhotra, con đường phía trước còn rất dài và khó khăn.

pha dam cuoi cua chinh minh Phụ huynh ép cô giáo quỳ xin lỗi có phạm tội hành hạ người khác?

Theo luật sư, việc cô giáo quỳ xuống là biện pháp phòng vệ, để mọi chuyện trôi qua. Hai bên bình tĩnh nhìn nhận cái ...

pha dam cuoi cua chinh minh Hai bảo mẫu ở Sài Gòn hành hạ hơn 20 trẻ

Cảnh sát cáo buộc Linh và cộng sự đánh đập 20 trẻ tại ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12), phạt bằng cách bắt đội ...

/ http://nld.com.vn