Theo chuyên gia, việc ngân hàng muốn chờ phán quyết của tòa mới bồi thường cho khách chính là cách phủi tay vì khi đó cá nhân sai phạm phải đền.
Xung quanh những tranh cãi pháp lý giữa nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình, người mất 245 tỷ đồng sau khi gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM), với ngân hàng này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những phân tích chỉ rõ những sai sót trong vụ việc này.
Vị luật sư nhận định, trong tất cả các vụ mất tiền đều có sai sót của khách hàng bởi nếu không có sai sót thì đã không xảy ra mất tiền. Vấn đề là sai sót như thế nào, sai sót ít hay nhiều, trọng yếu hay thứ yếu, tự giác hay vô tình, cố tình...
Ông chỉ ra một số sai sót dẫn đến mất tiền: Trường hợp thứ nhất, khách hàng bị lừa, làm ủy quyền cho đối tượng A, công chứng, chứng thực hợp pháp, sau đó đưa thẻ tiết kiệm cho A, đối tượng rút mất tiền.
Trong trường hợp này, khách hàng không thể đổ lỗi cho ngân hàng không báo cho mình hay không giữ tiền cho mình.
Trường hợp thứ hai, khách hàng sai sót tương đối lớn nhưng liên quan đến cán bộ ngân hàng. Theo đó, khách hàng đưa ủy quyền cho cán bộ ngân hàng, ký khống đưa cán bộ ngân hàng cùng với một vài sai trái khác dẫn đến chuyện mất tiền.
Trường hợp thứ ba, khách hàng không có sai sót gì hoặc sai sót không đáng kể nhưng vẫn mất tiền 100%. Điển hình của trường hợp này là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Ở đây, sai sót chỉ là thứ yếu, khách hàng gửi tiền ngân hàng rồi không rút, không ủy nhiệm chi, không đưa thẻ tiết kiệm... mà tự Huỳnh Thị Huyền Như chế biến, làm đủ các trò rút hết tiền.
Một điển hình khác của trường hợp thứ ba được Luật sư Trương Thanh Đức dẫn ví dụ là vụ việc xảy ra tại Quỹ tín dụng Thọ Xương (Bắc Giang).
Theo đó, hàng trăm khách hàng gửi tiền vào đây đã bị giám đốc quỹ tín dụng và một số người khác lừa đảo, làm giả sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản. Khách hàng không hề có sai sót gì, đều gửi tiền như nhau, chữ ký như nhau, con dấu như nhau... nhưng cuối cùng do nội bộ cán bộ quỹ tín dụng lừa đảo nên khách mất tiền 100%.
Sổ tiết kiệm gốc bà Chu Thị Bình đang giữ
Trở lại với vụ việc nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng khi gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM, theo Luật sư Trương Thanh Đức, ở đây có lỗi sai của khách hàng và lỗi sai ấy có sức nặng chứ không phải hoàn toàn không sai sót hoặc sai sót nhỏ.
"Nhưng xét cho cùng, điều quan trọng nhất đó là: ngân hàng không phải như doanh nghiệp khác. Đối với hoạt động của ngân hàng, luật pháp thế giới cũng như Việt Nam, quy định nội bộ đặt ra những yêu cầu vô cùng chặt chẽ, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn, chính xác, yên tâm cho xã hội và người gửi tiền.
Ví dụ, giám đốc chi nhánh phải được NHNN chuẩn y mới được bổ nhiệm hay các quy định về phòng chống rửa tiền, báo cáo, chỉ tiêu tăng trưởng... yêu cầu ngân hàng phải tuân thủ rất nghiêm túc. Thậm chí, ngân hàng có đóng cửa cũng phải báo trước ít nhất 24 giờ.
Tôi khẳng định rằng, đối với ngân hàng, hiệu quả không quan trọng bằng chuyện an toàn, không có an toàn thì đừng nói chuyện hiệu quả. Nếu ngân hàng tuân thủ, làm đúng các quy định thì không bao giờ có chuyện mất tiền, dù khách hàng có sai sót nhỏ hay lớn.
Trong vụ việc mất 245 tỷ đồng có một loạt hành vi sai trái xuất phát từ chính cán bộ ngân hàng: trong giấy ủy quyền là một chữ ký khống, cán bộ ngân hàng vừa bị bắt xác nhận vào đó là ủy quyền hợp lệ, hợp pháp.
Đối tượng Lê Nguyễn Hưng không cầm thẻ tiết kiệm mà vẫn rút được tiền. Số tiền nhiều như thế mà lại được rút một cách đơn giản, dễ dãi đến mức vậy.
Rõ ràng, bên cạnh việc thủ phạm chính lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đi kèm với một vài cái sai của ngân hàng. Đó là một chuỗi sai dẫn đến việc mất tiền của khách hàng", Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Vị chuyên gia khẳng định, ở đây cán bộ ngân hàng đã lừa chính ngân hàng, chính cán bộ sơ suất, vi phạm, làm sai dẫn đến việc mất tiền.Còn khách hàng dẫu có đưa giấy tờ tùy thân, ủy quyền, sổ tiết kiệm cũng không thể mất tiền được vì đó là ủy quyền không hợp pháp.
Từ đây, ông nhấn mạnh, vấn đề bây giờ là ai trả tiền ai? Về nguyên tắc, ngân hàng cần trả lại tiền cho khách hàng, sau đó ngân hàng quy trách nhiệm vật chất, đòi nhân viên sai phạm bồi thường.
"Câu chuyện này cũng giống như việc công chức nhà nước gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén thì Nhà nước đứng ra đền, sau đó Nhà nước sẽ đòi lại từ cán bộ làm sai. Nếu cán bộ sai nhiều, có nhiều tiền thì đòi đủ, còn nếu không có gì thì Nhà nước sẽ chẳng đòi được gì", ông nói.
Dù nguyên tắc là vậy, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, tình trạng chung ở Việt Nam là khi các vụ việc chuyển sang án hình sự, việc đền tiền thường do tội phạm - là cá nhân - chịu.
"Trong rất nhiều vụ án đã xét xử, ngân hàng thường nói đợi phán quyết của tòa, nhưng cách nói ấy chính là một cách phủi tay vì ngân hàng thừa biết phán quyết của tòa là cá nhân sai phạm kia phải đền chứ ngân hàng không phải đền.
Do đó, thời điểm này không dại gì ngân hàng đứng ra đền, họ chờ phán quyết của tòa với lý do không thỏa thuận, không thương lượng được thì đó là tranh chấp, phải để pháp luật phân xử, không thể tự xử được.
Trong trường hợp không bắt được đối tượng lừa đảo hoặc khả năng bắt được nhưng đối tượng chết thì án khép, khách hàng sẽ không bao giờ đòi được tiền", ông nói.
Thành Luân
Sau vụ mất 245 tỷ đồng, Eximbank siết quy định giao dịch
Eximbank ban hành công văn siết lại các quy định về giao dịch đồng thời cũng thay luôn giám đốc chi nhánh TP.HCM, nơi xảy ... |
Vụ mất 245 tỷ tại ngân hàng: Eximbank “trảm” tướng
Sau vụ lùm xùm mất 245 tỷ đồng tại Eximbank khiến một số nhân viên ngân hàng bị khởi tố, ngân hàng này vừa quyết ... |
Tài khoản khách hàng bị rút ruột, ngân hàng không thể “phủi tay”
Gần như cùng thời điểm, dư luận xôn xao bởi hai vụ án liên quan đến việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng, ... |
Khởi tố thêm 3 nhân viên ngân hàng vụ chiếm đoạt 245 tỉ đồng ở Eximbank
Chiều 27.3, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) xác nhận đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại ... |