Nỗi lo của Triều Tiên về gián điệp trong cuộc họp Trump - Kim

Triều Tiên nghi ngại phóng viên ảnh có thể là gián điệp nên Mỹ cùng Singapore đã phải thuyết phục và phối hợp hành động để khiến họ yên tâm.

noi lo cua trieu tien ve gian diep trong cuoc hop trump kim

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi dạo tại khách sạn Capella, Singapore ngày 12/6. Ảnh: AFP.

Giống như nói chuyện với "người ngoài hành tinh", đó là cách các quan chức Mỹ mô tả cuộc đàm phán với đối tác Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh. Người Triều Tiên chưa bao giờ tham gia vào sự kiện nào như vậy. Họ không quen với việc các phóng viên có thể tiếp cận buổi họp và đặc biệt lo ngại về gián điệp và nguy cơ ám sát, theo AP.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã họp với nhau cả ngày tại Singapore để thống nhất về tài liệu sau này trở thành văn bản mà hai lãnh đạo ký kết ngày 12/6. Phái đoàn Mỹ muốn cho một phóng viên ảnh vào chụp hình nhưng Triều Tiên đã phản đối.

"Làm sao chúng tôi biết được rằng cô ấy không phải là gián điệp?", các quan chức Triều Tiên nói. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã đồng ý cho phóng viên ảnh tác nghiệp, theo một quan chức am hiểu cuộc họp.

Phái đoàn Triều Tiên từng đưa ra những lo ngại tương tự trong các cuộc họp trước đó. Họ sợ rằng máy ảnh của các phóng viên thực chất là vũ khí trá hình. Từ các cuộc thảo luận về hậu cần đầu tiên, các quan chức Mỹ đã nhận thấy khoảng cách lòng tin về an ninh giữa hai bên là một trong những rào cản đáng kể nhất đối với việc đưa hai lãnh đạo vào cùng một căn phòng.

Bất kể người nào Nhà Trắng muốn đưa phòng họp, Triều Tiên đều muốn biết làm thế nào họ có thể chắc chắn người đó không phải là gián điệp và không có ý định làm hại ông Kim.

Các quan chức Mỹ ghi nhận công sức của chính phủ Singapore trong việc thu hẹp khoảng cách này. Các điểm kiểm soát được quan chức Mỹ, Triều Tiên và Singapore tuần tra cùng nhau. Một số nhà báo phải trải qua ba quy trình kiểm tra an ninh riêng biệt của ba nước. Mỹ cũng đồng ý giảm số lượng quan chức chính phủ được phép vào nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh để tương đồng với phái đoàn nhỏ hơn nhiều của Triều Tiên.

Vì vậy, chỉ có các nhà đàm phán cao cấp nhất của Mỹ có mặt tại khách sạn Capella, nơi Trump - Kim gặp nhau. Nhiều chuyên gia phải ở lại khách sạn Shangri-la, cách đó 20 phút lái xe, để theo dõi cuộc họp qua truyền hình và các bản cập nhật qua email.

Tại lễ ký kết vào chiều 12/6, một người Triều Tiên đeo găng tay đã kiểm tra ghế của Kim Jong-un và chiếc bút màu đen có chữ ký của Trump mà Mỹ chuẩn bị sẵn để Kim Jong-un sử dụng. Tuy nhiên, vào phút cuối, em gái của ông Kim là Kim Yo-jong, đã đưa cho anh mình một cây bút khác. Cây bút không được dùng đến của Mỹ sau đó được một nhân viên Nhà Trắng thu lại.

Kim Jong-un dùng bút do em gái đưa để ký văn kiện. Video: Reuters.

Các quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên muốn đảm bảo họ không bị hiện lên là yếu thế trong cuộc đàm phán. Trong logo chính thức của hội nghị, tên nước Triều Tiên được viết lên trước Mỹ. Nhà Trắng cũng đồng ý hạn chế số lượng nhà báo được phép đưa tin để tương đồng với số phóng viên tháp tùng của truyền thông nhà nước Triều Tiên. Tuy nhiên, Trump vẫn giữ thế chủ động trong cuộc gặp. Ông đã vỗ lưng ông Kim khi hai người đi bộ trong khách sạn và ra hiệu cho các phóng viên ra khỏi phòng để họ họp riêng.

Ngoài những mô tả về phái đoàn Triều Tiên, các nguồn tin am hiểu cuộc họp cũng tiết lộ về sự bực bội của Nhà Trắng với truyền thông. Khi chỉ còn một ngày là đến hội nghị thượng đỉnh, các quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng tại Washington đã tức giận trước một bài báo của New York Times. Bài này cho rằng "khoa học không được trọng dụng" trong chính quyền Trump và nhóm đàm phán của Mỹ thiếu các nhà vật lý hạt nhân.

Nhà Trắng đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng ông sẽ xuất hiện trước máy quay ở Singapore và chỉ đích danh New York Times. "Trước khi thảo luận về hội nghị thượng đỉnh, tôi muốn nói đến một bài báo trên New York Times", Pompeo nói. "Bất kỳ lập luận nào rằng Mỹ thiếu chuyên môn kỹ thuật trong chính quyền hay thiếu chuyên gia tại Singapore đều nhầm lẫn".

Trở về từ Singapore, Trump nói rằng hội nghị với Triều Tiên đã diễn ra rất cởi mở, thẳng thắn và hiệu quả. "Nếu có cơ hội hòa bình, nếu có cơ hội chấm dứt mối đe dọa khủng khiếp từ xung đột hạt nhân thì chúng ta phải theo đuổi nó bằng mọi giá," ông nhấn mạnh.

Phương Vũ

noi lo cua trieu tien ve gian diep trong cuoc hop trump kim Triều Tiên ca ngợi Kim Jong-un \'lãnh đạo thế giới xuất chúng\'

Truyền hình nhà nước Triều Tiên ca ngợi lãnh đạo Kim Jong-un là "một lãnh đạo thế giới xuất chúng" được cả thế giới tôn ...

noi lo cua trieu tien ve gian diep trong cuoc hop trump kim Sau thượng đỉnh, người Triều Tiên có cái nhìn rất mới về Trump

Người Triều Tiên đang có cái nhìn mới về tổng thống Mỹ sau cuộc gặp Trump - Kim, ngược hẳn với hình ảnh "lão già ...

noi lo cua trieu tien ve gian diep trong cuoc hop trump kim Ông Kim Jong Un gửi thư cho Tổng thống Putin

Chủ tịch quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam đã trao thư của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho tổng thống Nga nhân dịp ...

/ https://vnexpress.net