Sau khi chồng là Trịnh Nhất chết, Trịnh Nhất Tẩu quyết định tự mình tiếp quản cơ nghiệp của chồng, lên làm lãnh tụ Hồng Kỳ. Cùng con trai nuôi và cũng là người tình, “Nữ hoàng hải tặc” này đã xây dựng lên một đế chế hải tặc hùng mạnh trải dài từ biển Nam Trung Hoa tới tận bán đảo Mã Lai, đồng thời khiến hải quân Mãn Thanh, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan... khiếp sợ.
Cướp biển là nghề cổ xưa, từ khi bắt đầu có tàu thuyền qua lại trên biển thì cũng bắt đầu xuất hiện hải tặc. Thế kỷ XVI, hàng hải phát triển, nghề này càng thịnh vượng. Vùng Biển Đông nước ta như cái bùng binh giữa đại dương, tàu thuyền qua lại giao thương tấp nập nên hải tặc cũng tụ đến đông đúc để kiếm ăn.
Hải tặc là ai? Đó là những ngư dân thường ngày chân chất hiền lành, nhưng chỉ cần nghe trong gió có tanh tao tiền, vàng là họ lập tức thoát xác, trở thành giặc cướp trong chớp mắt. Bên Trung Quốc, cuối thời Minh (khoảng giữa thế kỷ XVII), do e ngại Tây phương, nên triều đình đã áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, cấm thương thuyền các nước. Việc này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cư dân duyên hải vùng đông nam và các thương buôn Nhật Bản, nên hai thế lực này đã kết hợp nhau hình thành đại họa hải tặc, nhằm phản kháng chính sách “hải cấm” của nhà Minh.
Trịnh Nhất Tậu là 1 trong 10 hải tặc nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại.
Bọn hải tặc lộng hành đến nỗi tiến sâu vào cả nội địa, cướp phá tỉnh thành. Chúng giương chiêu bài “cướp của nhà giàu chia cho người nghèo”, nên càng ngày thanh thế càng mạnh, quân số kéo đi một thêm đông, có khi lên đến hơn 30 vạn người. Triều Minh gọi họ là Oa khấu. “Oa” 倭 là tiếng cổ gọi nước Nhật, nhưng thực ra phần lớn chúng là người Trung Hoa. Thời bấy giờ, hầu hết cư dân khu vực duyên hải đông nam Trung Hoa ít nhiều đều dính dáng hoạt động hải tặc, có khi cả làng đều là giặc cướp, nên triều đình lúng túng bó tay, chẳng biết ai là dân ai là giặc.
Phạm vi hoạt động của Oa khấu ngày càng mở rộng, đến thế kỷ XVIII thì khống chế toàn bộ vùng biển Đông Á; thành phần chủng tộc của họ do đó càng thêm hỗn tạp, gồm đủ các sắc dân Á Đông, từ Triều Tiên, Nhật Bản cho đến Miến Điện, Xiêm La, Mã Lai, An Nam… Hải quân Anh và Bồ Đào Nha từng phối hợp với Minh triều đánh dẹp, nhưng vẫn không sao tảo trừ được chúng.
Chính trong bối cảnh đó đã xuất sinh nữ chúa đảng Tàu Ô được xếp vào hàng 10 hải tặc lừng lẫy thế giới, tề danh Edward Teach, Samuel Bellamy, Anne Bonny: Trịnh Nhất Tẩu.
Tàu thuyền của Hồng Kỳ bang thường treo cờ đỏ.
Theo Ancient-Origins, Trịnh Nhất Tẩu (1775-1844), còn gọi Trịnh Thạch Thị, tên thật Thạch Dương, nhũ danh Hương Cô. Bà vốn người tộc Đản Gia, thuở nhỏ phải làm “thuyền kỹ” (kỹ nữ trên tàu) ở khu vực biển thuộc tỉnh Quảng Châu. Năm 1801, bà kết hôn với trùm cướp biển Trịnh Nhất, chỉ huy hạm đội cướp biển mang tên Hồng Kỳ bang.
Sau khi trở thành vợ cướp biển Trịnh Nhất, Trịnh Nhất Tẩu đã đóng góp rất nhiều công sức cho “sự nghiệp” làm cướp biển của chồng mình. Thành tích quan trọng của Trịnh Nhất Tẩu với chồng trong những năm đầu tiên là thống nhất các phe nhóm hải tặc vốn xưa nay chống đối và mâu thuẫn với nhau trở thành một tổ chức thống nhất với những quy định chặt chẽ.
Ban đầu, liên hiệp này bao gồm 6 đoàn thuyền lớn. Mỗi đoàn thuyền có từ 70 đến 300 chiếc thuyền với các tên gọi lấy tên theo màu cờ, là Hồng, Huỳnh, Lam, Bạch, Hắc, Tử. Trịnh Nhất chính là thủ lĩnh của Hồng Kỳ bang. Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất là lực lượng hùng mạnh nhất, bao gồm hơn 300 chiếc thuyền buồm và khoảng từ 20.000 đến 40.000 hải tặc. “Khối liên minh” cướp biển này của Trịnh Nhất và Trịnh Nhất Tẩu sau đó đã lên tới số lượng 400 chiếc thuyền, 70.000 tên hải tặc và trở thành lực lượng vô cùng đáng sợ, thao túng toàn bộ vùng biển phía Nam Trung Quốc cho đến lãnh hải của đất nước Malaysia.
Trịnh Nhất Tẩu và thuộc hạ từng là nỗi khiếp sợ đối với các thương nhân hoạt động từ biển Nam Trung Hoa cho tới bán đảo Mã Lai.
Thời vận đang hanh thông, ăn nên làm ra, thế lực đang ngày một vững vàng, thì trong một lần trở về sau chuyến ra khơi “ăn hàng”, tàu Trịnh Nhất bị bão lớn nhấn chìm đáy biển, không một ai sống sót. Trước nguy cơ liên minh hải tặc có thể gãy đổ, Hồng Kỳ bang bị các bang khác đe dọa thôn tính, Trịnh Nhất Tẩu quyết định tự mình tiếp quản cơ nghiệp của chồng, lên làm lãnh tụ Hồng Kỳ. Năm ấy (1807), Nhất Tẩu 32 tuổi.
Để hỗ trợ cho bản thân trong việc lãnh đạo đoàn quân cướp biển quá lớn này, Trịnh Nhất Tẩu trao chức thuyền trưởng hạm đội cho Phó tổng tư lệnh Trương Bảo. Vậy là từ đó, Trịnh Nhất Tẩu chính thức trở thành thủ lĩnh của đội quân cướp biển với số lượng đông đảo bậc nhất đất Trung Hoa lúc bấy giờ. Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo phối hợp với nhau khá ăn ý trong việc lãnh đạo và kiếm tiền từ đội quân cướp biển của mình. Trong khi Trương Bảo thống lĩnh đội quân cướp thì bà Trịnh Nhất Tẩu tập trung vào việc kinh doanh, thiết lập chiến lược quân sự.
Dưới sự dẫn dắt của Nhất Tẩu, Hồng Kỳ bang hùng mạnh hơn cả thời Trịnh Nhất làm minh chủ, với 200 chiến hạm (chiến hạm của Trịnh Nhất Tẩu lớn gấp đôi chiến hạm Anh, mỗi tàu trang bị 20-30 khẩu thần công), 800 tàu chiến loại trung, 1.000 thuyền nhỏ và 40.000 chiến binh (lúc thịnh đạt có tới 100.000). Trịnh Nhất Tẩu đặt đại bản doanh ở Đại Nhĩ Sơn, hòn đảo lớn nhất của Hong Kong, án ngữ Châu Giang Khẩu; ở đó, có cả xưởng đóng tàu hiện đại của Hồng Kỳ.
Trịnh Nhất Tẩu và thuộc hạ từng nhiều lần đánh bại quan quân nhà Thanh.
Thanh thế Hồng Kỳ ngày một lớn mạnh, lại chẹn ngang chỗ yết hầu giao thương hàng hải. Tàu Hồng Kỳ xuôi ngược từ Triều Tiên đến Malaysia để thu tiền bảo kê các thương thuyền vãng lai, khiến cả triều đình lẫn quốc tế đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Mùa thu năm 1809, Thanh triều bỏ ra 80.000 lạng bạc, liên minh với hải quân Anh và Bồ Đào Nha thành lập một hạm đội hùng hậu tấn công sào huyệt Đại Nhĩ Sơn, quyết tiêu diệt Hồng Kỳ bang.
Được tin tình báo, Nhất Tẩu điềm nhiên tọa thủ đại bản doanh, thống lĩnh hải tặc kìm chân quân địch. Cùng lúc đó, phó tướng Trương Bảo Tử dẫn quân chủ lực tập kích thành Quảng Châu. Quân hải tặc đánh thẳng một hơi tới trọng địa Hổ Môn trấn (nay là thành phố Đông Hoàn, tỉnh Quảng Đông), Bảo Tử chặt luôn đầu tổng binh Lâm Quốc Lương. Kế vây Ngụy cứu Triệu đó khiến liên quân Anh-Bồ-Thanh phải rút về giải vây Quảng Châu. Nhưng Trịnh Nhất Tẩu không buông tha, sắp sẵn mai phục chặn hậu. Đại quân Cờ Đỏ từ trong đánh ra, kỳ binh bên ngoài bắn vào, liên quân lưỡng đầu thọ địch, tiến thoái lưỡng nan. Trận chiến kéo dài 9 ngày đêm, kết quả Hồng Kỳ có 40 tướng sĩ tử trận, phía liên quân thì khôi giáp tan tành, chỉ còn vài chiến thuyền chạy thoát về Quảng Châu.
Triều đình Mãn Thanh nổi giận, liên tục phái quân tấn công Đại Nhĩ Sơn. Lục Kỳ cũng họp sức lại, cùng Nhất Tẩu lần lượt đẩy lui các đợt tấn công của Thanh và Tây dương. Trên biển Chiết Giang, Trương Bảo Tử bắn chết Thủy sư Đề đốc Từ Đình Hùng. Ở Hong Kong, Nhất Tẩu chỉ huy đại quân tiêu diệt hơn 20 chiến thuyền Đại Thanh cùng 300 thần công hỏa pháo, bắt sống Thủy sư Đề đốc Quảng Đông Tôn Toàn Mưu; Lục kỳ Đản Gia áp sát, trực tiếp uy hiếp Quảng Châu, khiến chức Tổng đốc Lưỡng Quảng trở thành “ghế nóng”, chẳng ai dám ngồi vào.
Chân dung được cho là của Trịnh Nhất Tẩu.
Trong một chiến dịch qui mô, thủy quân Bồ Đào Nha và Mãn Thanh liên hiệp bao vây Đại Nhĩ Sơn. Liên quân đã bị Lục kỳ phong tỏa, trận chiến diễn ra 8 ngày đêm, kết quả là quân của Nhất Tẩu đánh chìm 300 tàu chiến cùng 1.500 hỏa pháo, gây thương vong cho trên 2.000 binh tướng Bồ-Thanh. Liên quân hùng mạnh bị quân hải tặc thiện chiến liều mạng đánh cho tan tác...
Nhận thấy việc giao chiến với Trịnh Nhất Tẩu chỉ tổ hao tổn lực lượng lại không thu được kết quả gì, triều đình Mãn Thanh đành chơi ván bài cuối cùng bằng cách đánh vào tâm lý của nữ thủ lĩnh. Hoàng đế nhà Thanh đưa ra đề nghị ân xá và nói: "Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?". Câu hỏi này, lập tức khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động và đưa ra quyết định “gác kiếm”.
Nhưng chính trong “canh bạc” cuối cùng này, Trịnh Nhất Tẩu vẫn thể hiện được bản lĩnh ngoại giao của mình khi thương thuyết thành công, đảm bảo cuộc sống và tính mạng cho phần lớn đội quân cướp biển của mình. Trong số hơn 80.000 tên cướp biển, chỉ có 126 người bị xử tội chết, 400 người chịu các tội khác nhẹ hơn. Về phía Trịnh Nhất Tẩu, sau khi đầu hàng triều đình, bà trở về sinh sống tại đất liền và làm lễ thành thân với phó tướng Trương Bảo Tử.
Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo mở một sòng bạc kiêm nhà chứa để sinh sống. Hai người có với nhau một đứa con trai. Đến năm 1844, Trịnh Nhất Tẩu mất, hưởng thọ 69 tuổi, kết thúc cuộc đời của nữ cướp biển khét tiếng đất Trung Hoa.
Ly kỳ "Nữ hoàng hải tặc" Trung Hoa thống lĩnh 100.000 thuộc hạ
Nữ cướp biển Trịnh Nhất Tẩu chỉ huy cả một hạm đội hải tặc khổng lồ lên tới 100.000 người thời nhà Thanh và được ... |
Vụ án góp phần xóa sổ nạn cướp biển ở Đại Tây Dương
Bọn hải tặc đầu sỏ luôn là những “khuôn mặt đen” khét tiếng nhất, cũng như bị người đời căm ghét nhất ở bất cứ ... |