Việc yêu cầu Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạch Vãn Chu và muốn dẫn độ bà này về Mỹ được các nhà quan sát đánh giá là hành động chưa từng có tiền lệ của Washington, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại mới bùng nổ.
Theo Bloomberg, Mỹ đang muốn dẫn độ bà Mạch Vãn Chu (Wanzhou Meng), giám đốc tài chính của Huawei Technologies Co., sau khi thuyết phục Canada bắt bà ngày 1/12, có khả năng liên quan đến việc Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran.
Trung Quốc ngay lập tức phản ứng phẫn nộ, đòi Canada và Mỹ làm rõ nguyên nhân bắt giữ và trả lại tự do cho bà Mạch. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ vẫn đang chờ đợi chi tiết về lý do tại sao bà bị bắt và các cuộc đàm phán thương mại vẫn nên tiếp tục.
Mỹ yêu cầu dẫn độ giám đốc tài chính Huawei bị bắt tại Canada. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Vụ bắt giữ trùng hợp?
Theo Bloomberg, rất khó phủ nhận sức ảnh hưởng của việc bà Mạch bị bắt giữ đối với Bắc Kinh. Bà là con gái của người sáng lập Huawei, một "nhà vô địch quốc gia" đi đầu trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở nên độc lập, tự cung tự cấp các công nghệ chiến lược. Bên cạnh đó, vụ bà Mạch bị bắt giữ \'gây sốc\' với giới chức Trung Quốc và quốc tế, bởi Washington thường xuyên yêu cầu các đồng minh dẫn độ các trùm ma túy, vũ khí hay các tội phạm an ninh, chứ hiếm khi bắt giữ một nhà điều hành lớn của Trung Quốc, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ.
"Thời gian và cách thức diễn ra sự việc quá bất ngờ", Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Bắc Á tại Control Risks Group cho biết. “Cụm từ OMG (ôi chúa ơi) thường không xuất hiện trong các cuộc thảo luận qua email nội bộ của chúng tôi", ông nói.
Vẫn chưa rõ vai trò của ông Trump trong vụ bắt giữ này ở mức độ nào. Nhà lãnh đạo Mỹ đã dành vài ngày qua tìm cách thuyết phục thế giới và các nhà đầu tư còn hoài nghi rằng Trung Quốc đã đồng ý nhượng bộ, bao gồm việc giảm hoặc loại bỏ thuế đối với xe ô tô Mỹ.
Các nhà phân tích cho biết nhiều khả năng vụ việc được thực hiện riêng biệt với các cuộc đàm phán thương mại, như là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đẩy mạnh các cuộc truy tố chống lại công ty Trung Quốc có hành vi gián điệp kinh tế và vi phạm lệnh trừng phạt.
Tháng 10/2018, Mỹ cho biết Bỉ đã dẫn độ một quan chức tình báo Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ.
Dù vậy, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ xem vụ bắt giữ bà Mạch là sự leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh lớn hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo Bloomberg. Ông Trump từng nhấn mạnh Trung Quốc cần ngừng cung cấp hỗ trợ chính phủ cho các lĩnh vực chiến lược bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot, như là một phần của chính sách “Made in China 2025”.
"Trò chơi mới"
"Vụ việc chắc chắn sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán và họ có thể cho rằng Mỹ muốn gia tăng áp lực trong giai đoạn 90 ngày", Dennis Wilder, từng là nhà phân tích Trung Quốc tại CIA và giám đốc cấp cao khu vực châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết.
"Đây là một tín hiệu cho thấy có một trò chơi mới", Wilder nói về những vụ bắt giữ gần đây của Mỹ. "Họ đang cố gắng để ngăn chặn gián điệp Trung Quốc và làm rõ ràng những hậu quả là có thật."
Mỹ có thể có những hành động cứng rắn hơn đối với Huawei. Trong khi có những tiến bộ trong phát triển vi mạch riêng, công ty vẫn dựa trên thiết bị của Mỹ để sản xuất thiết bị mạng và điện thoại thông minh. ZTE Corp., một công ty công nghệ khác của Trung Quốc, gần như sụp đổ do hình phạt của Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran, trước khi ông Trump "giải cứu" họ theo yêu cầu của ông Tập.
Trường hợp của ZTE cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần độc lập khỏi Mỹ khi nói đến các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng mạng, theo Graham Webster, biên tập viên của DigiChina tại cơ quan nghiên cứu New America.
“Điều làm cho Huawei trở nên quan trọng là nó là một công ty hàng đầu trong việc phát triển các công nghệ sẽ làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ hoặc châu Âu. Nhắm vào Huawei thông qua việc yêu cầu dẫn độ một nhà điều hành là động thái lớn của chính phủ Mỹ" - ông cho biết.
Đối với một số nhà phân tích ở Trung Quốc, sự việc cho thấy bộ máy an ninh quốc gia Mỹ không quan tâm đến việc loại bỏ một thỏa thuận, bất kể ông Trump nghĩ gì. "Mục tiêu của họ là để phân tách với Trung Quốc," Wang Yong, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết. "Đàm phán chỉ là mong muốn của ông Trump và Phố Wall."
Huawei đã làm gì khiến chính phủ Mỹ "để ý"?
Ông Nhậm Chính Phi đưa ông Tập Cận Bình đi thăm văn phòng Huawei ở London, tháng 10/2015. (Ảnh: Matthew Lloyd/Pool via Bloomberg)
Công nghệ Trung Quốc đã trở thành một mối quan tâm với Tổng thống Mỹ, người áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc với các cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Huawei là công ty công nghệ toàn cầu nhất của Trung Quốc, có hoạt động trên khắp Châu Phi, Châu Âu và Châu Á.
Theo Bloomberg, được thành lập vào năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) - cựu kỹ sư Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Huawei luôn được hưởng những ưu đãi từ chính phủ. Các quan chức chính phủ Mỹ và các giám đốc điều hành ngành công nghiệp từ lâu nghi ngờ rằng Huawei hoạt động chủ yếu vì lợi ích của chính phủ Trung Quốc.
Trong một báo cáo của Ủy ban đặc biệt về tình báo của Thượng viện Mỹ năm 2012, Huawei và ZTE Corp đã được phân loại là mối đe dọa tiềm ẩn cho lợi ích an ninh của Mỹ. Báo cáo đặt câu hỏi về mối quan hệ của Huawei với Đảng Cộng sản Trung Quốc và - sau nhiều cuộc phỏng vấn bao gồm cả với ông Nhậm - báo cáo kết luận rằng Huawei chưa giải thích thỏa đáng cho mối quan hệ này.
Có lẽ không có công ty nào thể hiện mối đe dọa thương mại đối với Mỹ tốt hơn Huawei, theo Bloomberg. Họ vượt qua Apple Inc. trong các lô hàng điện thoại thông minh và có thể vượt qua Samsung Electronics Co. với mục tiêu doanh thu kỷ lục 102,2 tỷ USD trong năm 2018 - thậm chí hơn cả Boeing Co. Họ đang nhắm đến vị trí dẫn đầu trong thế hệ các mạng không dây thứ năm và chuẩn bị thách thức một số nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ.
Đây được cho là lý do chính quyền Tổng thống Trump nhắc đến Huawei khi ngăn chặn vụ sát nhập Qualcomm Inc.-Broadcom Inc., cho rằng điều này sẽ trao vị trí dẫn đầu về 5G cho Trung Quốc. Huawei đã bị cấm bán thiết bị của mình tại Australia và New Zealand, bị loại khỏi hợp đồng của Hàn Quốc và phải đối mặt với sự cạnh tranh của Mỹ ngay cả ở Papua New Guinea.
Giám đốc tài chính Huawei bị bắt: Nguy cơ tái bùng phát căng thẳng Mỹ - Trung
Việc Mỹ đề nghị Canada bắt Mạnh Vãn Chu có thể làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm. |
Trùm tình báo Anh cảnh báo về nguy cơ từ Huawei
Giám đốc MI6 cho rằng việc Anh sử dụng thiết bị của tập đoàn Trung Quốc cho mạng 5G sẽ gây rủi ro lớn về ... |
Những hoạt động đáng ngờ của Huawei có thể khiến giám đốc tài chính bị bắt
Trước khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt, tập đoàn Huawei đã bị cáo buộc hoạt động gián điệp cho Trung Quốc và vi phạm ... |
Giám đốc tài chính Huawei bị bắt: Những hoạt động đáng ngờ của Huawei
Tập đoàn Huawei từng bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Trung Quốc và vi phạm lệnh cấm vận Iran do Mỹ áp đặt. |