Những ai đang trói buộc, gây khó dễ cho doanh nghiệp?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: "Hiện nay các doanh nghiệp cho rằng luật thì thông thoáng, còn dưới luật thì trói buộc, gây khó dễ cho doanh nghiệp".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, trong bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, nỗ lực của Chính phủ là nổi bật và rất đáng ghi nhận.

Quyết tâm của Chính phủ đã tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Thành phố Đà Nẵng). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Bà Thúy tán thành với mức bội chi ngân sách là 3,5% GDP nhưng đề nghị Chính phủ phải kèm theo 8 điều kiện nghiêm ngặt sau đây:

Một là phải có chiến lược nợ của Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng.

Hai là áp dụng các điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư.

Ba là phải xem xét việc xây dựng trụ sở làm việc của hệ thống chính trị là chi tiêu dùng, không phải là đầu tư, loại ra ngoài nguồn vốn đầu tư hàng năm.

Bốn là cân đối kỹ khả năng trả nợ hàng năm cả về Việt Nam Đồng và ngoại tệ.

Năm là tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội và tính đồng bộ trong đầu tư.

Sáu là chi tiêu thường xuyên của nhà nước thực sự tiết kiệm, phải giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách.

Bảy là cơ chế phân bổ vốn đầu tư phải minh bạch.

Tám là cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư phải chặt chẽ. Nếu tiếp tục cách làm như những năm qua thì hệ lụy không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô.

Đại biểu Thúy lưu ý, trong quá trình phát triển phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.

“Đề nghị Chính phủ cho rà soát lại các quy định dưới luật như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ triển khai các luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản...

Hiện nay các doanh nghiệp cho rằng luật thì thông thoáng, còn dưới luật thì trói buộc, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Tình trạng trên rải thảm dưới rải đinh không chỉ giữa lãnh đạo với bộ máy thừa hành mà còn là giữa luật với văn bản dưới luật. Do đó, tôi đề nghị cần xem đây là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính”, bà Thúy nêu quan điểm.

Ba thách thức và ba hạn chế

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải chịu ba thách thức lớn:

Thứ nhất là nền kinh tế có độ mở lớn, giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu gấp 1,7 lần GDP, trong khi tình hình kinh tế - xã hội thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.

Địa chính trị, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á rất căng thẳng, chủ nghĩa dân túy, bảo hộ mậu dịch và áp dụng biện pháp phi mậu dịch được áp dụng ngày càng tăng tại các nước.

Thứ hai là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Thứ ba là nợ xấu tín dụng ở mức cao cần tập trung xử lý nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng và tiền gửi của nhân dân. Nợ công thì sát trần nhưng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ thì còn rất lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đồng thời, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ra ba hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều hạn chế, như quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, tài nguyên, khoáng sản, đất đai còn nhiều bất cập.

Thứ hai, thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, trong khi tổ chức bộ máy còn cồng kềnh nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối mà hôm qua chúng ta đã thảo luận.

Thứ ba, khu vực sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp, còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ kéo dài.

Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình về mục tiêu tổng quát và chúng ta vẫn giữ nguyên ba mục tiêu đó là ổn định kinh tế vi mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giữ vững độc lập chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội.

Đồng thời, ông Ngân đề nghị giảm bội chi Ngân sách, thay vì đưa ra kế hoạch bội chi 3,7% thì phải nỗ lực giữ ở mức 3,5%.

Trong tổng chi ngân sách hiện nay chúng ta dự kiến năm 2018 lên đến 1 triệu 500 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, chỉ cần tiết kiệm 1% là chúng ta tiết kiệm được 15 nghìn tỷ. Trong chi thường xuyên 940 nghìn tỷ, tiết kiệm 1% là tiết kiệm được 9.400 tỷ. Chỉ cần tiết kiệm 1% thôi thì bội chi từ 3,7% xuống 3,5%.

Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ có đề ra 10 giải pháp, còn Đại biểu Ngân kiến nghị thêm ba giải pháp:

Thứ nhất, Chính phủ cần có gói giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để luật này đi vào cuộc sống cần có những chính sách cụ thể. Phải hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần có chính sách về tài chính, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt như hỗ trợ về lãi suất để hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị, làm sao Chính phủ làm cầu nối để gắn kết giữa FDI với doanh nghiệp trong nước.

Cần tiếp tục quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lợi thế quốc gia nhưng hiện nay chúng ta đã bị nhiều nước qua mặt, kể cả các nước láng giềng, về chất lượng sản phẩm, kể cả giá bán sản phẩm cùng loại cũng thấp hơn.

Quyết định lịch sử: Bộ trưởng lo \'trên cởi dưới nghẽn\'

Tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh là việc cắt giảm này “phải đi vào ...

\'Để giảm bớt thủ tục, chúng ta phải vượt lên chính mình\'

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Kế hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng bên lề Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp ...

Thủ tướng: \'Thủ tục bán gà còn lâu hơn nuôi gà\'

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành nhanh chóng dẹp bỏ "giấy phép con, giấy phép cháu" đang cản trở, gây khó cho ...

(http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Nhung-ai-dang-troi-buoc-gay-kho-de-cho-doanh-nghiep-post180926.gd)

/ Theo Ngọc Quang/Giáo dục Việt Nam