Nếu không khắc phục tồn tại thì việc mở rộng xuất khẩu vào Mỹ vô cùng khó khăn. Khi đó chúng ta sẽ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc
Trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩn Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời, chưa thích ứng được với thay đổi chính sách nhập khẩu của Mỹ.
Ngoài ra, cũng có hàng loạt doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường do không kịp thời đáp ứng những quy định mới.
Trao đổi với Đất Việt, TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho biết, bản thân không quá ngạc nhiên trước thông tin trên.
Nhiều hàng Việt bị loại khỏi Mỹ. Ảnh minh họa |
Theo ông Sơn, không chỉ các mặt hàng về thực phẩm mà thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam như: thép, gang cũng điêu đứng khi cơ quan thương mại của Mỹ nghi vấn đội lốt hàng Trung Quốc để xuất khẩu với giá rẻ.
“Việt Nam thường có thói quen cứ sản xuất hàng hóa rồi mới đi tìm thị trường. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Vì thế doanh nghiệp trong nước lại phải tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường khác”, ông Sơn khẳng định.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không khắc phục những hạn chế và tồn tại trên thì khả năng mở rộng giao lưu thương mại vào các thị trường khó tính như Mỹ sẽ vô cùng khó khăn.
Khi Mỹ và châu Âu quay lưng với hàng hóa Việt, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải tìm kiếm thị trường khác để xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Sơn đây chỉ là biện pháp tạm thời, không mang tính lâu dài và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
“Chúng ta không nên trông chờ vào một thị trường như Trung Quốc. Chúng ta phải thay đổi, nâng cấp để duy trì quan hệ thương mại với các châu Âu và Mỹ. Nếu phụ thuộc Trung Quốc kiểu gì doanh nghiệp cũng nắm chắc phần thiệt.
Chúng ta có quá nhiều bài học trong nông nghiệp với Trung Quốc. Khi rơi vào tình trạng phụ thuộc, nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng ép giá”, ông Sơn cảnh báo.
Phải để doanh nghiệp tự lo
Lý giải tình trạng nhiều hàng Việt bị loại khỏi Mỹ, TS Bùi Ngọc Sơn cho rằng có 3 vấn đề chính.
Thứ nhất là do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ ngành trong việc tuyên truyền cũng như cập nhật những tiêu chuẩn về hàng hóa tại nước sở tại.
“Cán bộ nhận lương nhà nước nên nhiều khi không thật sự có trách nhiệm. Người sản xuất hàng hóa không được quyền tự quyết mà dừng lại ở dạng nhờ vả. Quan hệ kinh tế theo kiểu nhờ vả và trông chờ vào trách nhiệm của nhà nước thì rất khó tạo ra hiệu quả thực sự.
Hơn nữa việc bắt các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm không phải dễ cả. Cùng lắm là kiểm điểm, nhận trách nhiệm rồi đâu lại vào đấy”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Sơn đó là vai trò của các Hiệp hội xuất nhập khẩu các loại hàng hóa ở Việt Nam chưa tốt.
Tại nhiều quốc gia, đây mới chính là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc cập nhật các văn bản, quy định tiêu chuẩn của các quốc gia khác để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thích ứng.
“Ở Việt Nam với cách thức làm ăn như hiện nay, cứ hoạt động 1 thời gian lại gặp sự cố. Tính chất hiệp hội của chúng ta dường như rất thấp. Thực tế không có 1 hiệp hội được lập ra để thực sự vì quyền lợi của doanh nghiệp. Hiệp hội ra đời nhiều khi do cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương chỉ đạo nên khó đi vào nề nếp”, ông Sơn cảnh báo.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là tình trạng, một số doanh nghiệp trong nước vì lợi nhuận kinh doanh mà nhập các hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam. Sau đó những mặt hàng này sẽ “đội lốt” hàng Việt và xuất khẩu sang các thị trường khác, trong đó có Mỹ để tránh mức thuế cao.
“Chúng ta đừng nghĩ rằng có thể qua mặt được Mỹ. Khi Mỹ biết hay nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, họ sẽ soi tất cả hàng hóa ở lĩnh vực khác.
Đừng nên nghĩ rằng được lợi 1 chút từ việc hàng hóa Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Về lâu dài chúng ta sẽ tự hại chính mình và những người khác.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Họ sẽ xem chừng hàng hóa của Việt Nam. Thậm chí khi tiến hành thương lượng, đàm phán có thể mở rộng hoạt động thương mai trong tương lai là rất khó”, ông Sơn chia sẻ.
TS Bùi Ngọc Sơn nhắc đến chỉ đạo của Thủ tướng với Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT về việc tìm hiểu, nắm bắt những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu của Mỹ để phổ biến đến hiệp hội và người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ông Sơn khẳng định, việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết và phải làm quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên đây chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề. Quan trọng ở đây các doanh nghiệp phải thật sự tự chủ, đổi mới và nâng cao ý thức trong việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
“Chúng ta phải tạo ra một thể chế, nhà nước không hỗ trợ mà chỉ ra chính sách và hành lang pháp lý. Còn cụ thể thì các doanh nghiệp phải lập ra các đoàn thể, hiệp hội để tự giải quyết, tự nghiên cứu.
Trường hợp không có hiệp hội, doanh nghiệp có thể chi tiền để thuê các chuyên gia nghiên đưa ra các dự báo cụ thể: chẳng hạn, sang tới các quốc gia có chính sách gì mới, có điều gì cần phải lưu ý, cập nhật liên tục. Khi có vấn đề gì thay đổi là tìm hiểu ngay và thông báo trở lại cho doanh nghiệp để thay đổi”, ông Sơn nhấn mạnh.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nhieu-hang-viet-bi-loai-khoi-my-lai-thiet-vi-trung-quoc-3342494/)