Nhận diện cơ hội, thách thức, để ngành dầu khí phát triển bền vững

Cuộc Tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức ngày 13-12 đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự.

Trong đó, các ý kiến đã nêu bật những đóng góp quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước; đồng thời nhận diện những cơ hội, thách thức cũng như đề xuất các giải pháp để ngành dầu khí tiếp tục phát triển bền vững. Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng một số ý kiến.

*Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người dầu khí

Những bước phát triển của ngành dầu khí thời gian qua luôn có sự sát cánh, kề vai giúp đỡ của quân đội, đặc biệt là các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân. Cùng với đó, trong suốt lịch sử ngành dầu khí nước ta, những người làm dầu khí luôn nỗ lực giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ. Câu dặn dò của thế hệ trước về bản lĩnh, lòng yêu nước của người dầu khí vẫn luôn được khắc ghi. Để phát triển, ngành dầu khí đã tận dụng mọi cơ hội có được. Tất cả các thềm lục địa của nước ta đều đã được khảo sát, đều có dấu chân của người dầu khí. Một giàn khoan được đặt trên biển chính là lời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Ngành dầu khí đã tận dụng mọi cơ hội cho nhiệm vụ này, trong đó có sự bảo vệ, sát cánh hiệu quả của các lực lượng vũ trang. Điều này cho thấy chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngành dầu khí luôn thường trực.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Trong thời kỳ đất nước mở cửa, ảnh hưởng của cơ chế thị trường đã có những tác động nhất định đến một bộ phận của ngành dầu khí. Lượng cán bộ, người lao động vào ngành dầu khí rất lớn, văn hóa, truyền thống ngành dầu khí, chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngành dầu khí cũng bị ảnh hưởng nhất định. Vấn đề quan trọng hàng đầu được lãnh đạo tập đoàn đặt ra hiện nay là làm tốt công tác tư tưởng. Cần củng cố và lấy lại những điều tốt đẹp của văn hóa dầu khí, đậm chất người lính, bản lĩnh, trí tuệ, sự hy sinh của người dầu khí. Nguồn nhân lực có phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là tài sản vô giá của ngành dầu khí Việt Nam. Hiện nay, có những nhà máy trong ngành dầu khí hoàn toàn do người Việt Nam vận hành, các giàn khai thác dầu khí giờ cũng phần lớn do người Việt Nam đảm nhiệm. Chúng ta không chỉ làm chủ được công nghệ mà còn đi đấu thầu ra nước ngoài.

NGUYỄN VŨ (lược ghi)

*PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân:

Phải giáo dục tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản"

Tôi cho rằng cuộc Tọa đàm "Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước" diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam, 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và thời điểm ngành dầu khí đang đứng trước thách thức mới, thời cơ mới.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Báo Quân đội nhân dân mở cuộc tọa đàm này chính là đi trước mở đường, giúp cho bạn đọc cả nước hiểu rõ hơn về ngành dầu khí để đồng hành với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên chặng đường mới, phát huy thành tựu, vượt qua thách thức, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Để phát huy sức mạnh của ngành dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thời gian tới, công tác giáo dục truyền thống cần phải được tiếp tục quan tâm. Thứ nhất, luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó khăn và xây đắp niềm tự hào dân tộc của toàn thể cán bộ, nhân viên. Truyền thống của ngành dầu khí là không chùn bước, luôn tìm cách vượt qua khó khăn. Tôi nhấn mạnh, trí tuệ của Việt Nam, của ngành dầu khí rất dồi dào và cần có cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực trí tuệ này.

Thứ hai, phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý thức vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải tận dụng tối đa thành tựu khoa học kỹ thuật vào ngành dầu khí. Kỹ thuật của ngành dầu khí rất đặc thù, nó liên quan tới toàn bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.

Thứ ba, phải giáo dục ý thức, kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực và tranh thủ tối đa ngoại lực. Cuối cùng, phải giáo dục tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản", luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của tập đoàn. Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách để tạo động lực mới, sức mạnh mới cho ngành dầu khí. Tập đoàn cần phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan truyền thông, báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần tạo ra sự nhìn nhận đúng đắn của xã hội về ngành dầu khí.

QUANG ĐỨC (lược ghi)

*Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Sát cánh cùng ngành dầu khí chính là tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia

Quân đội đã tham gia xây dựng ngành dầu khí ngay từ giai đoạn đầu tiên của ngành dầu khí. Việc tham gia ngành dầu khí-một ngành mũi nhọn của đất nước chính là góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, quân đội đã lựa chọn rất cẩn thận những sĩ quan ưu tú để đưa vào ngành dầu khí thực hiện trọng trách này.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Theo tôi nghĩ, quân đội tham gia sát cánh cùng ngành dầu khí cũng chính là quân đội đã tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển. An ninh dầu khí chính là an ninh quốc gia. Về lâu dài, cần chuẩn bị thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, tức là cả ngành thủy sản, ngư dân đánh cá phải cùng tham gia bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Điều đó vừa giúp người dân sản xuất, khai thác nguồn lợi thủy sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của đất nước. Một vấn đề cũng đang nóng bỏng, đó chính là an ninh môi trường. Tôi nghĩ, ngành dầu khí phải có trách nhiệm phối hợp cùng với quân đội để bảo vệ an ninh môi trường trên biển, chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải làm chủ về mặt khoa học-công nghệ, trong đó có những công nghệ tiên tiến của ngành dầu khí.

ANH VIỆT (lược ghi)

*Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Cần thông tin chính xác, khách quan và mang tính xây dựng ngành dầu khí

Ngành dầu khí Việt Nam được đánh giá có tiềm năng vô cùng to lớn. Cùng với đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đây là những thuận lợi to lớn của ngành dầu khí. Tuy nhiên, những mỏ dầu chúng ta khai thác được đang có dấu hiệu cạn kiệt. Ngoài ra, tình hình khu vực Biển Đông không ổn định, giá dầu có lúc xuống thấp, bản thân nội bộ ngành dầu khí gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành. Do đó, cán bộ, công nhân viên của ngành cần phát huy bản lĩnh, đoàn kết, đổi mới, hành động, từ đó giữ vững và phát huy vị thế, vai trò của ngành dầu khí trong nền kinh tế.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Một trong những giải pháp quan trọng tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí là vấn đề thông tin tuyên truyền. Thời gian qua, trên báo chí đã đưa nhiều thông tin về ngành dầu khí. Bên cạnh những thông tin vui, tích cực cũng còn có thông tin chưa thật chuẩn xác, tác động đến tâm lý của đội ngũ những người lao động trong ngành. Vấn đề thông tin, tuyên truyền trong thời đại ngày nay là hết sức quan trọng. Việt Nam có đội ngũ 24.000 người làm báo, với 900 cơ quan thông tấn, báo chí trên khắp cả nước. Nếu các cơ quan thông tấn, báo chí nắm bắt được những thông tin cần thiết của ngành dầu khí để chuyển tải đến xã hội một cách chính xác, khách quan bao gồm cả những thách thức cũng như sự cố gắng của ngành thì người dân sẽ nắm rõ bản chất vấn đề hơn; hạn chế được những thông tin chưa thật chuẩn xác, thiếu căn cứ gây ra sự hiểu lầm trong dư luận xã hội. Điều này cần sự nỗ lực từ cả hai phía là ngành dầu khí và những người làm báo trong việc kịp thời cung cấp thông tin và truyền tải thông tin một cách chính xác, đúng đắn và xây dựng.

TRÀ MY (lược ghi)

*Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIII:

Bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược

Ngành dầu khí quốc gia với nòng cốt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong nhiều năm qua đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền đất nước. Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của ngành đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.

Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2015 đến nay, mặc dù có lúc giá dầu thô giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015, nhưng nộp ngân sách Nhà nước hằng năm của PVN vẫn chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Tập đoàn cũng đóng góp khoảng 10-13% GDP của cả nước.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Vừa qua, khi tham gia đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên, tôi nhận thấy việc hoàn thiện thể chế cho ngành dầu khí theo tinh thần các nghị quyết của Đảng thực hiện rất chậm và đây có lẽ là nút thắt lớn nhất vì quy mô hoạt động dầu khí từ thượng nguồn đến trung nguồn, hạ nguồn yêu cầu sự đồng bộ, hài hòa, thống nhất của nhiều luật gắn với phân công, phân cấp quản lý và cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư.

Chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên do tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng, an ninh, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế. Ngành dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó có bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, không vì những khó khăn, mất cân đối nhất thời của ngân sách Nhà nước mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của tập đoàn.

LA DUY (lược ghi)

*TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó trưởng Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân:

Trong khó khăn cần tìm ra những cơ hội

Ngành dầu khí Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, như: Nguồn cung đang suy giảm; chi phí thăm dò đắt đỏ hơn, xa hơn, sâu hơn, khó hơn; những bất ổn về an ninh trên Biển Đông; việc giữ chân người tài, phát triển đội ngũ… Để khắc phục những khó khăn này, trước hết cần hoàn thiện quy hoạch phát triển, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo đảm ổn định, khả thi; đồng thời xây dựng danh mục các dự án, thu hút đầu tư nước ngoài, hướng đến những nhà đầu tư lớn: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản...

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Cần hoàn thiện xây dựng pháp luật về đấu thầu quốc tế. Hiện nay, trong đấu thầu quốc tế vẫn có lợi cho các nhà thầu nước ngoài trong khi những nhà thầu trong nước có năng lực lại không được tham gia hoặc tham gia hạn chế vào các dự án. Do đó, cần cụ thể hóa quy định về đấu thầu quốc tế. Cơ chế về liên doanh hợp tác đa dạng theo hình thức đối tác công-tư (PPP) cũng phải được xây dựng, hoàn thiện. Dầu khí là lĩnh vực nhạy cảm, lâu dài mà những đối tác phải được lựa chọn kỹ càng. Đặc biệt, chú trọng kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế biển, bảo đảm tính khả thi trong khai thác.

Cùng với đó, cần quan tâm tới một số vấn đề, như: Trích lợi nhuận để tái đầu tư và phát triển dự án mới; gia tăng những hoạt động bảo lãnh, vay tín chấp; mở rộng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dầu khí, đa dạng hóa sản phẩm; tạo cơ chế giám sát minh bạch, biện pháp quyết liệt, chống tham nhũng; hình thành nhóm chuyên gia đề xuất, xây dựng cơ chế mới. Cơ chế giá cần bảo đảm tính hiệu quả, hài hòa, hợp lý giữa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội.

NGUYÊN LONG (lược ghi)

*Ông Nguyễn Hùng Dũng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Cấp bách hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành dầu khí

Mục tiêu, định hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14-10-2015. Trong đó nêu rõ, mục tiêu tổng quát là phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ, xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí, xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện được mục tiêu chiến lược phát triển ngành dầu khí, vấn đề cấp bách hiện nay là cần khẩn trương hoàn thiện chủ trương, hệ thống chính sách pháp luật cho ngành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế, bối cảnh hiện tại. Tập đoàn đã báo cáo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương trình Bộ Chính trị xem xét ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW trong tình hình mới, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của các ban, ngành. Đồng thời, cần hoàn chỉnh Luật Dầu khí, trong đó điều chỉnh các hoạt động dầu khí trong lĩnh vực thượng nguồn và các khâu trung, hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị của ngành dầu khí, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cần bổ sung các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy...) vào phạm vi điều chỉnh của luật; bảo đảm nguyên tắc ổn định và không hồi tố của luật... Ngoài ra, cần xem xét tổng thể các luật như: Luật Dầu khí; Luật Đầu tư; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng... để có quy định thống nhất. Một số nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành nhưng đến nay chưa hoàn thành, cần được quan tâm hơn nữa, trong đó có việc hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí, bảo đảm nguồn vốn, cân đối nguồn lực cho tập đoàn...

MẠNH HƯNG (lược ghi)

*Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân:

Cùng hành động hướng tới xã hội

Do quân đội và ngành dầu khí gắn bó với nhau, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) là một trong những cơ quan báo chí tuyên truyền sớm nhất và nhiều nhất về ngành dầu khí. Hàng nghìn bài viết về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kể cả trong lúc thuận lợi và lúc khó khăn đã được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo QĐND. Khi đưa thông tin về tập đoàn, Báo QĐND luôn khách quan, trung thực và theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, quân đội. Qua các bài viết trên Báo QĐND, dư luận xã hội đã nhìn nhận rõ về đại đa số cán bộ, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn vững vàng, ngày đêm lao động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó động viên cán bộ, nhân viên và người lao động của tập đoàn vững tin vào truyền thống, vào tương lai của tập đoàn...

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng phối hợp với Báo QĐND tổ chức Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" đến nay đã sang năm thứ 10. Cuộc thi đã kịp thời cổ vũ, lan tỏa các tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, góp phần nhân lên nhiều hơn nữa cái đẹp, cái tốt. Ngoài ra, tập đoàn đã đồng hành với Báo QĐND trong các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nhiều ngôi nhà, trao nhiều phần quà tặng các gia đình nghèo, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sự gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ, hợp tác của báo và tập đoàn có vai trò quan trọng, góp phần để cả hai cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

VIỆT ANH (lược ghi)

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung Khẳng định vị trí, vai trò của ngành dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống ngành dầu khí Việt Nam, 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 29 ...

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung Cấp bách hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật cho ngành Dầu khí

Sáng 13-12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Dầu ...

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung 8 nhóm giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành Dầu khí

Vừa qua, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Tổng giám đốc Tập ...

nhan dien co hoi thach thuc de nganh dau khi phat trien ben vung Ngành Dầu khí Việt Nam phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng thế giới

Ngày 29/11, tại Hà Nội, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”, Tổng ...