“Tôi nghĩ lễ hội, phong tục của Việt Nam đã có một thời gian khá dài bị đứt đoạn, dẫn tới bị hiểu lệch, không đúng” - đó là lời chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách với Dân Việt.
Cứ mỗi dịp đầu năm, sau Tết Nguyên đán, việc người dân đổ xô đi lễ hội gây ùn tắc, chen lấn, xô đẩy hay chuyện dâng sao giải hạn với số lượng hàng nghìn người ngồi tràn cả ra lòng đường gây ách tắc giao thông đã và đang gây nên nhức nhối, tạo thành hình ảnh phản cảm, làm méo mó, mất đi vẻ đẹp truyền thống thực sự của lễ hội đầu năm.
Không chỉ lễ hội, nhiều phong tục cũ cũng có những sự hiểu lầm, hiểu sai, ví dụ như tục Con đĩ đánh bồng đang được người ta bàn tán nhiều. Dân Việt đã trao đổi xung quanh vấn đề này với nhà nghiên cứu Trịnh Bách - người đang có những nghiên cứu khôi phục lại phong tục truyền thống.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách với chiếc đền lồng con cá
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết: “Tôi thỉnh thoảng cũng có tìm hiểu về những phong tục cổ truyền ngày xưa. Và thấy cũng có khá nhiều điều hiện nay bị hiểu nhầm.
Ví dụ như theo phong tục ngày xưa, đàn bà không bao giờ được bước chân vào đình trong các dịp lễ thần. Vì theo quan niệm tín ngưỡng của ông cha ta, thì đàn bà ‘không, hoặc chưa sạch’ bước chân vào đình khi có thần hiện diện sẽ làm ô uế vị thần. Ngay như ở trong hoàng cung, phụ nữ, kể cả đến Hoàng thái hậu, cũng không bao giờ được bước vào các nơi thờ phượng như Thái Miếu, Thế Miếu.
Đội trinh nữ khiêng kiệu thần (làng Thanh Mỹ, Sơn Tây, 1936). Ảnh tư liệu do nhà nghiên cứu Trịnh Bách cung cấp
Các bà có nơi thờ phượng riêng gọi là điện Phụng Tiên. Chỉ ở những nơi như thờ nữ thần hay vua bà, thì các trinh nữ mới được phép khiêng kiệu. Và các bà bô lão “đã sạch” mới được phép đứng ra điều khiển khiêng kiệu hoặc lo nước, đèn nhang tại đình, đền trong các dịp tế thần.
Các trẻ trai của đoàn Ba vũ trong vai tiên đồng, ngọc nữ của điệu múa Tam Quốc Tây Du (tức Bầy Bông) năm 1903 thời Thành Thái. Ảnh Brossard
Vì việc kiêng cữ đó, việc múa ở các dịp lễ trong cung ngày xưa đều do các trẻ trai đảm nhiệm. Các vai nam, nữ, kim đồng, ngọc nữ đều do đám trẻ trai này đảm nhiệm. Đội múa trẻ nam này gọi là đội Ba vũ thời cuối triều Nguyễn".
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách, ở trong dân gian vào các dịp rước thần, tế thần, nếu cần đến múa lễ sẽ có những đội gọi là ‘nam vũ’, mà trong tài liệu cũ của người Pháp để lại gọi là ‘troupe de danseurs Tonkinois’ (đội Nam vũ Bắc Kỳ), đảm nhận. Họ là những người trai trẻ còn đồng tân được chọn lựa để ăn mặc giả tiên nữ, tiên đồng, bôi son trét phấn và múa các điệu múa đồng đội để dâng hương, hoa, trà quả… lên thần linh.
Các làng trù phú ngày xưa thường có đội nam vũ này. Họ không múa giải trí mua vui bao giờ, mà chỉ múa dâng các phẩm vật lên thần trong các dịp lễ mà thôi. Và vì là múa tế lễ thần cho nên họ múa rất nghiêm trang chứ không được cười đùa ngả ngớn.
Một đoàn ‘Nam vũ Bắc kỳ’ tham dự hội Đấu xảo Thuộc địa Vincennes ở Paris, Pháp, 1931. Ảnh Văn khố Bộ binh (Archive De L’Armée) Pháp.
Phân tích kỹ thêm về Con đĩ đánh bồng, nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách cho hay, múa giải trí, trong đó có múa đôi, thì ngoài dân gian ngày xưa cũng có. Ví dụ như điệu múa Xuân Phả mà, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đã bị vua Lê Thái Tông (1423-1442) cấm vì trong lúc múa cho phép trai gái uốn lượn lẫn lộn với nhau. Điều này thời đó cho là phản thuần phong mỹ tục. Điệu múa này có thể vẫn còn tồn tại sau đó, và có khi đã thành điệu múa Xoan (nói trại đi từ chữ Xuân để lách mệnh vua) đang được phục dựng ngày nay?
Đoàn Nam vũ trong đội hình múa
Bên cạnh đó, dẫn đầu các đám rước đình là các đôi kim đồng trẻ con vác cờ, biển; và các đôi ngọc nữ trẻ con đánh trống cơm, gọi là đánh bồng. Vì nữ nhân không được đi rước thần, cho nên người ta chọn các bé trai chưa vỡ giọng, cho trang điểm phấn son giả làm ngọc nữ.
Các “bé gái ngọc nữ” này được người nông thôn gọi theo lối dân giã là ‘con đĩ đánh bồng’. Các ngọc nữ này chỉ đánh bồng đi trước đám rước chứ không múa. Và đừng hiểu nhầm tên gọi ‘con đĩ’ này. Ngày xưa con đĩ là từ để gọi các bé gái, trong khi thằng cu là cách gọi các bé trai. Chứ hoàn toàn không có cái nghĩa dung tục của ngày nay.
Lý giải về việc phong tục, lễ hội đang bị hiểu sai lệch trong thời điểm hiện tại, nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách bảo, lễ hội, phong tục của Việt Nam đã có một thời gian khá dài bị đứt đoạn dẫn tới bị hiểu lệch, không đúng.
“Những “truyền thống” mới được tạo ra, mà chúng tôi hay nói vui là loại truyền thống được đặt ra để lại cho đời con. Nhưng họ làm cho người dân tin tưởng rằng đó là phong tục, là truyền thống cũ của đất nước.
Đèn lồng cổ của Việt Nam
Hay như vài năm nay mới có hiện tượng treo đèn lồng đỏ vào dịp lễ, tết. Thực ra treo đền lồng đỏ là phong tục của người Trung Quốc chứ không phải phong tục của người Việt Nam.
Người mình ngày xưa có loại đèn lồng rất phổ thông hình vuông tám mặt, thường phết giấy bản mầu trắng, hay cũng đôi khi mầu ngũ sắc. Đèn được treo ở góc nhọn, mà ngoài Bắc gọi là đèn củ ấu, và trong Nam gọi là đèn bánh ú. Từ trong cung đến ngoài phố đều treo đèn này trong các dịp vui. Vài năm trước đây thấy đèn này xuất hiện trở lại một cách rất cảm động, từ ở các lễ hội ở Huế đến ở phố cổ Hà Nội.
Đèn củ ấu
Nhưng năm ngoái và năm nay loại đèn truyền thống Việt Nam đó có vẻ đã biến mất, và được thay thế bằng đèn lồng màu đỏ theo phong tục Trung Hoa. Vì sính ngoại hay do ảnh hưởng phim truyền hình phương Bắc? Đèn lồng đỏ là văn hóa đặc trưng và độc nhất của người Trung Quốc.
Không nước nào khác trên thế giới có truyền thống đèn lồng đỏ này. Ngày xưa người Việt cũng treo đèn lồng gần tương tự về hình dáng. Nhưng là đèn lồng hình thuẫn, trên to dưới nhỏ, phất giấy hay lụa màu trắng có vẽ hoa hay chữ”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách sang Mỹ từ năm 1972. Mẹ ông xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn. Trong những năm 1980, ông đã học guitar với Andres Segovia, nghệ sỹ guitar cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20.
Đầu những năm 1990, ông và bạn bè đã xuất bản tạp chí VietNow bằng tiếng Anh ở Mỹ để truyền bá về lịch sử và truyền thống văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1994, ông về Việt Nam để phục dựng các hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Ảnh: Giả gái múa bồng lẳng lơ, chàng trai 17 phớt lờ lời trêu đùa
Dù bị nhiều người chế giễu về việc giả gái, múa “con đĩ đánh bồng“ nhưng Hiếu hoàn toàn bỏ ngoài tai và hết mình ... |
Chúng ta đang bỏ quên ngôi đền thiêng nhất
Chúng ta bắt đầu bước vào tháng Giêng, một tháng của lễ hội. Khi lễ hội Chùa Hương chưa khai mạc thì mỗi ngày đã ... |
Ảnh: Siêu tốc đánh lửa, thổi rơm thi nấu cơm nhanh ở làng Thị Cấm
Trong màn khói mù mịt và tiếng hò reo của dân làng, các đội chơi nhanh tay nấu những nồi cơm thật ngon dẻo rồi ... |
Ảnh: Hàng trăm thanh niên xâu xé, chen lấn cướp manh chiếu tại lễ hội Đúc Bụt
Sáng 12/2, hàng trăm thanh niên chen lấn, giành giật những manh chiếu với mong muốn tài lộc đến nhà, sinh con trai trong lễ ... |