Mới đây, UBND TPHCM đã có báo cáo trình Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro 1) và xin hỗ trợ khẩn cấp.
Thiết bị đào ngầm robot TBM hiện đại từ Nhật Bản có tổng chiều dài 70 m, nặng 300 tấn đang được đơn vị thi công lắp ráp để đào đoạn ngầm từ ga Ba Son đến ga Nhà hát thành phố. Ảnh: Cường Ngô
Mục sở thị
Theo báo cáo, từ tháng 9.2016 đến nay, việc giao vốn ODA của Trung ương dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn đến việc thanh toán cho các gói thầu phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công và đề nghị thanh toán các khoản chi phí liên quan. Cụ thể, kế hoạch trung hạn (2016 - 2020) là 20.930 tỉ đồng nhưng mới giao 7.500 tỉ đồng. Kế hoạch vốn năm 2017 là 5.422 tỉ đồng nhưng mới giao 2.119 tỉ đồng. Ngày 23.6.2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện dự án theo tiến độ.
Sau buổi làm việc đó, UBND TPHCM đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ, ngành sớm trình Chính phủ về việc ứng trước vốn. Tuy nhiên, dự án metro 1 đã không được bố trí vốn. Để giải quyết khó khăn tạm thời trong việc bố trí vốn ODA từ ngân sách Trung ương, UBND TP đã tạm ứng vốn 3 lần với số tiền 2.273 tỉ đồng từ ngân sách TP để trả cho các nhà thầu. Cho nên TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn cho TP để tiếp tục triển khai dự án này và bảo đảm việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018.
Được biết công trình thi công xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son thuộc gói thầu số 1B do liên danh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật) thi công. Gói thầu gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm metro dài 1.315m (hầm khoan dài 781m và hầm đào hở dài 534m). Theo thiết kế, nhà ga Nhà hát thành phố có độ sâu 40m, dài 190m, gồm 4 tầng trong lòng đất.
Phóng viên Báo Lao Động đã theo chân ông Phan Hữu Duy Quốc – Phó trưởng đại diện chuyên trách dự án hạ tầng - Tập đoàn Shimizu để “mục sở thị” ga ngầm của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Ông cho biết: Đường hầm 1 của tuyến Metro đã hoàn thiện từ tháng 10.2017. Đường hầm 2 khởi công tháng 2.2018, chiều dài 781m, đã hoàn thành trên 50% khối lượng. Do phương án thi công ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son, Bến Thành là phương pháp đào hở nên toàn bộ đường xung quanh khu vực công trường đều bị rào chắn, cấm phương tiện lưu thông và đậu xe.
Qua quan sát, nhà ga này đã hoàn thiện xây thô, công nhân kỹ thuật đang tiến hành đổ bê tông phần đáy, chuẩn bị lắp đường ray. Phần cốp pha khá phẳng, kín khít, không bị rò rỉ nước xi măng trong quá trình đổ bêtông. Các công nhân chia sẻ, việc lắp đặt mất khá nhiều thời gian vì phải trải qua nhiều khâu. Tuy nhiên, mỗi người một nhiệm vụ, công đoạn khác nhau nên ai cũng cố gắng hoàn thành công việc được giao phó.
Nhà ga metro Ba Son rộng 25m, dài 680m và sâu 19m được thiết kế gồm hai tầng ngầm, tầng ngầm 1 cho chiều tàu metro chở khách từ trung tâm Bến Thành về Suối Tiên và tầng ngầm 2 cho chiều ngược lại cũng khẩn trương thi công. Dưới cái nóng hầm hập tháng 4, nhiều công nhân đang bốc xếp sắt, thép để đổ bêtông cho tầng hầm B1. Số công nhân khác tiến hành lắp đặt cơ điện của nhà ga. Các công nhân luôn phải bưng bê, tiến hành cẩu sắt, thép có khối lượng lớn. Họ làm việc hết công suất để đảm bảo tiến độ thi công.
Theo ông Phan Hữu Duy Quốc, hiện tiến độ xây dựng ga Ba Son bị chậm do gặp nhiều chướng ngại vật như va chạm phần móng các nhà cao tầng, công trình xây dựng. Chính vì vậy, khi thi công sẽ lắp đặt các điểm quan trắc về sụt lún, nếu có sự cố sẽ được khắc phục ngay. Mục tiêu hoàn thiện xây thô nhà ga Ba Son trong năm nay. Còn mục tiêu hoàn thiện khối lượng ga Ba Son và đường hầm đào hở vào cuối năm 2019.
“Khi tiến hành khoan hầm, nhà thầu đã tìm hiểu và khảo sát rất kỹ địa chất khu vực đào hầm nên đảm bảo robot trong quá trình hoạt động sẽ không bị chướng ngại vật. Do hoạt động trong lòng đất nên robot TBM không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài. Đồng thời, robot TBM hoạt động sâu và có khoảng cách an toàn với hành lang bảo vệ công trình phía trên nên ít gây rung chấn, bụi và tiếng ồn. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên để đảm bảo không xảy ra sự cố nào và quyết tâm sẽ hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng công trình tốt”, ông Quốc cho hay.
Tích cực thi công
Hệ thống mái vòm 2 nhà ga nói trên được làm bằng thép, lắp bằng hệ thống khung sơn màu trắng dọc theo chiều dài của nhà ga. Các nhà ga trên cao thiết kế dựa trên hệ thống thông gió tự nhiên, đảm bảo ánh sáng và có thể chống lại các tác động của thời tiết xấu.
Chiều dài mỗi nhà ga là 137,17m, được thiết kế hai tầng, kết nối với cầu dành cho khách bộ hành bờ Nam và Bắc qua xa lộ Hà Nội (ngoại trừ ga cuối Suối Tiên). Các nhà ga là công trình công cộng nên được đơn vị thi công tạo điểm nhấn đối nổi bật và phù hợp với kiến trúc quy hoạch xung quanh.
Các thang cuốn, thang bộ và thang máy được bố trí để vào khu vực thương mại tầng 1 và phòng đợi lớn bao gồm khu vực đã mua vé tàu và chưa mua vé tàu, sân ga. Khu vực thương mại bao gồm các kiot, cửa hàng được bố trí riêng biệt với khu vực của hệ thống tàu điện.
Cũng theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong số 11 nhà ga trên cao thì có 8 nhà ga loại A gồm ga Văn Thánh, ga Thảo Điền, ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga Khu công nghệ cao, ga Suối tiên và 3 nhà ga loại B, C, D gồm ga Tân Cảng, ga An Phú, ga Văn Thánh.
Hiện nay trên toàn tuyến metro số 1 còn 2 điểm thi công trên cao chưa được nối liền với nhau gồm đoạn bắc ngang ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức) và đoạn chân cầu Sài Gòn giáp đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Riêng phần dự án đi qua khu vực phường Thảo Điền (quận 2) và Bình Thới đã được lắp lan can sắt. Đồng thời, tại điểm cuối khu depot Long Bình (quận 9), hàng chục công nhân cùng xe cơ giới đang tích cực thi công.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công tháng 8.2012, dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Theo thiết kế, dự án có 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Hiện nay, phần nhà ga trên cao đã được xây dựng, hoàn thành phần thô. Đoạn đường trên cao đang thi công lắp đặt đường ray, nhiều đoạn đang hoàn thiện lắp lan can sắt để chuẩn bị thi công lắp đặt đường ray đồng bộ.
Trong khi đó, đoạn đi ngầm với 3 nhà ga đang được các nhà thầu khẩn trương thi công. Đoạn ngầm từ ga Ba Son đến Nhà hát thành phố đã hoàn thành một nhánh hầm dài 781m, nhánh còn lại đang được robot TBM khoan, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6.2018.
Dự án tuyến đường sắt đô thị metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TPHCM, tổng vốn 2,49 tỉ USD), trong đó, công trình có khoảng 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cam kết sẽ xây dựng xong toàn bộ 5 gói thầu tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đúng tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020. |
Hình ảnh mới nhất ga ngầm dưới lòng đất tuyến Bến Thành – Suối Tiên
Đường hầm thứ 2 nối ga Ba Son và ga Nhà hát TP.HCM thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang bước ... |
Hai nhà ga metro đầu tiên của TP HCM sắp hoàn thành
Công tác lắp vòm mái hai nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành vào dịp lễ 30/4. |