LTS: Trong xu hướng phát triển hiện đại, quốc gia nào có nhiều nhân tài, hiền tài, lao động tri thức và nguồn nhân lực phát triển thì quốc gia đó sẽ có tốc độ phát triển nhanh và có đủ khả năng xử lý các nguồn thông tin cho đất nước mình và chiến thắng trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tại sao Việt Nam có nhiều người thông minh, tài giỏi, nổi danh khắp năm châu nhưng đất nước ta chưa giàu có, người tài thường “né” cơ hội vào làm việc tại các cơ quan nhà nước?
Đầu năm mới Mậu Tuất 2018, các chuyên gia cùng bàn luận về thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước.
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 12 Đảng bộ TP.Hà Nội (tháng 1.2018), ông Vũ Cao Minh - Bí thư Quận ủy Thanh Xuân - cho hay cơ chế khuyến khích, tuyển dụng người tài để bổ sung cho bộ máy chưa đủ sức thuyết phục. Bí thư quận Thanh Xuân cũng nêu thực trạng các cán bộ làm hợp đồng tại quận và phường lại làm tốt hơn cán bộ trong biên chế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác nội vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc cần thiết thu hút được thêm nhiều người tài vào làm tại các cơ quan nhà nước. Bàn về thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng nước ta hiện không thiếu người tài nhưng có thể thảm đỏ trải ra nhưng không đúng nguyện vọng.
GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) - thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Nước ta không thiếu người tài.
Người tài được tạo điều kiện để phát huy hết mức khả năng của bản thân, và thường là người tự đào tạo là chính, song nhất thiết phải có người biết sử dụng người này qua các công việc cụ thể, mới biết người đó có tài thực sự hay không. Trong văn hóa Á Đông, người biết dùng người tài là rất hiếm. Người tài ở nước ta, xin khẳng định là không thiếu. Phải chăng ta thiếu người biết dùng người tài?
Trước mắt, tôi đề nghị chấm dứt việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta, đã áp đặt vào đội ngũ trí thức tinh hoa hơn 30 năm qua ở nước ta.
Bên cạnh đó, rất cần thiết có một chuẩn chương trình, sách giáo khoa (SGK). Chương trình là cốt lõi của nền học, SGK là tài liệu “pháp lý” trong dạy và học. Tứ thư Ngũ kinh vào nước ta hơn 600 năm, lúc đó ta làm gì có thầy, chỉ có người biết dạy người chưa biết và cũng chẳng làm gì có trường, song Nhà nước chỉ tổ chức thi cử, ta vẫn có nền giáo dục tốt, có nhiều người tài. Kể từ năm 1980 đến nay ta chưa hề làm được chương trình, SGK theo chuẩn quốc tế và thực sự phù hợp với Việt Nam? Tiền đầu tư vào công việc này càng ngày càng nhiều, hàng tỉ USD, song kết quả ngày càng sai, càng đáng báo động?
Ai cũng biết chương trình, SGK có ổn định, giáo dục mới được ổn định. Xin lưu ý, có nước đã được di huấn lại “Sai trong giáo dục là có tội với lịch sử, hỏng một việc lớn của quốc gia”.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Chế độ đãi ngộ chưa hợp lý
Hiện tượng các thủ khoa, nhiều người tài giỏi từ chối về làm việc tại các cơ quan nhà nước là khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do chính sách trải thảm đỏ, thu hút nhân tài chưa đúng nguyện vọng, nhu cầu. Bây giờ, tốt nghiệp đại học đi làm công chức, viên chức nhà nước lương chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì làm sao thu hút được người tài?
Đối với người tài, họ mong muốn được cống hiến, phục vụ, được làm đúng ngành, đúng nghề, đúng nguyện vọng và hưởng lương đúng trên những công sức đóng góp của họ. Nếu không đáp ứng được điều này thì thảm có đỏ nữa họ cũng không về.
Với chính sách đãi ngộ như hiện nay để thu hút được người tài là chưa đủ. Nếu chọn trở thành công chức, viên chức nhà nước hầu hết chỉ có nguồn thu nhập chính từ lương. Còn khởi nghiệp ở ngoài hay làm việc cho các tập đoàn, công ty thì sẽ có thu nhập cao, có cơ hội có nhà lầu, xe hơi. Cán cân không cân bằng đương nhiên cơ quan nhà nước sẽ “thất thế”.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước còn bộc lộ nhược điểm là bộ máy hành chính cồng kềnh, nặng nề và đặc biệt là những người đứng đầu hiện có nhiều tư tưởng
bảo thủ.
TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Chủ trương đúng, nhưng chính sách chưa trúng
Xét về chủ trương, ý tưởng về thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, từ chủ trương đến chính sách lại là con đường quá xa và vênh nhau. Thứ nhất, về việc xét tuyển người tài, chúng ta đang bị “sa lầy” vào bảng thành tích học tập. Đây chỉ là một cơ sở để đánh giá năng lực.
Bên cạnh đó, khả năng làm việc, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng giao tiếp, bày tỏ quan điểm... cũng là một phần không thể thiếu. Chính vì vậy, cơ chế tuyển chọn thường hình thức hoá bằng chỉ tiêu kết quả học tập là chưa đúng, cần có chính sách sàng lọc, công khai minh bạch.
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cũng cần thiết phải mềm dẻo và xứng đáng với nỗ lực, công sức, trí tuệ của người tài bỏ ra. Tại sao tư nhân thu hút được nhiều người tài mà Nhà nước lại không làm được? Đó là do họ trả lương một cách xứng đáng, thưởng khi hoàn thành tốt một công việc ngoài tư nhân bằng lương làm ở nhà nước cả năm. Không những thế, cơ chế “con ông cháu cha” còn tồn tại nhiều.
Cần có "U23" cho văn hóa nghệ thuật
Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là phải tạo ra được những con người tài năng, có tâm hồn ... |
Thủ khoa từ chối lời mời làm cán bộ quận ở Hà Nội
Bí thư quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, thành phố cần có thêm chính sách để tuyển dụng người tài vào bộ máy. |
11 dấu hiệu sớm chứng tỏ con bạn sẽ tài giỏi
Đừng nản nếu thấy con hay trằn trọc lúc ngủ hoặc luôn tay chân khi thức bởi đó có thể là dấu hiệu bé sẽ ... |