Sự trục lợi ở Việt Nam phát triển là do luật pháp sơ hở nhiều, sơ hở trong mọi khâu, mọi lúc, mọi nơi.
Bàn tiếp về câu chuyện khu vực nhà nước dường như đã và đang trở thành nơi để một số người tham gia bộ máy công quyền lợi dụng để thu lợi, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, tình trạng người nhà nước, đặc biệt là những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trục lợi ở chế độ nào, quốc gia nào cũng có.
Những người đó thường nhân danh làm việc cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng khi họ lo cho cộng đồng cũng là lo cho cá nhân, nhất là cá nhân người đương chức, đương quyền.
"Nhà nước nào cũng có chuyện đó. Nhưng người đứng đầu thông minh, biết quản lý thì đặt một số luật lệ để hạn chế sự lạm dụng chức, quyền hòng kiếm chác của những cá nhân đó. Điều này có thể thấy rõ ở nhiều nước tư bản phát triển.
Luật lệ Nhà nước ban hành để cho dân thực hiện thì quy định một số điều cấm, còn những gì Nhà nước không cấm thì dân cứ tự do làm để làm giàu cho mình, cho xã hội. Đến lúc nào đó xảy ra vấn đề Nhà nước chưa cấm nhưng dân lợi dụng cái đó thì lại đưa vào luật cấm tiếp một số điều.
Tuy nhiên, đối với công chức nhà nước thì ngược lại. Nhà nước quy định những điều công chức được phép làm, từng chức danh cụ thể được làm những việc gì.
Cho nên, các nước phát triển dùng cái lồng để "nhốt" quyền lực chính là bằng những luật lệ chặt chẽ này.
Khi tôi sang Thụy Điển nghe chuyện một thị trưởng nhận một khẩu súng săn và ông ta không khai. Sau này, người ta làm rõ khẩu súng đó có giá trên 100 USD nên vị thị trưởng khi bị cách chức luôn", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.
Để ngăn tình trạng trục lợi, cần có cái lồng kiên cố để "nhốt" quyền lực
PGS.TS Nguyễn Văn Nam dẫn thêm trường hợp cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak làm ví dụ. Theo đó, ông Razak bị cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD từ quỹ phát triển nhà nước Malaysia (1MDB). Không chỉ thất cử từ bê bối này, ông Razak còn đối mặt với hàng loạt cáo buộc và các cuộc điều tra của phe đối lập lên cầm quyền.
Từ đây, ông khẳng định, sự chặt chẽ trong luật pháp ở nhiều nước sẽ khiến người quản lý nhà nước không dám làm liều. Chính thiết chế, luật pháp của các nước đó làm cho người cầm quyền bị kiểm soát, chế ngự không dám và không thể làm quá.
Ở Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, luật pháp còn lỏng lẻo, cơ chế còn nhiều sơ hở tạo lối đi cho những kẻ cơ hội.
Không ít trường hợp chọn cán bộ sai, chọn phải người không xứng đáng, rồi đến khi có sai phạm thì lại không có luật lệ rõ ràng để xử lý", ông Nam chỉ rõ.
Sự trục lợi của người nhà nước, theo vị chuyên gia, là rất nhiều và trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.
"Của cải nằm ở đâu, người ta khoét ở đó. Hiện nay của cải nằm trước hết trong tài sản nhà nước. Đó là đất đai, nhà cửa, là rừng, là biển... Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đăng ký làm dự án này, dự án nọ nhưng hễ cấp cho ai là người ấy được lợi.
Thứ hai là tiền ngân sách nhà nước. Nhu cầu chi bao giờ cũng rất lớn, còn khả năng chi lại rất nhỏ. Vì vậy, quyền lựa chọn của người cầm quyền rất lớn, chọn mục tiêu nào, trong mục tiêu tiêu chọn đơn vị nào hoàn toàn là quyền của người cầm quyền.
Chúng ta đã khắc phục tiêu cực bằng cách đấu thầu, nhưng việc thực hiện Luật đấu thầu rất ít, rất nhiều dự án lớn của Nhà nước chỉ định thầu, chọn ai là người ấy được, còn người cho liệu có đảm bảo là không được gì?
Thứ ba, có nhiều việc được làm và không được làm trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu... Những việc chưa được làm, chỉ cần người có chức có quyền nới một tý, làm ngơ một tý là sẽ được làm, người làm ngơ cũng sẽ được tiền.
Rõ ràng, đụng đến vấn đề nào phải có chữ ký của người nhà nước là chỗ ấy có cơ hội tham nhũng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.
Tình trạng trục lợi nói trên ở Việt Nam phát triển, theo ông là vì sơ hở nhiều.
Các dự án BOT là ví dụ điển hình, đụng đâu sơ hở đó. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng 40 dự án BOT "có vấn đề" và kiến nghị giảm 120 năm thu phí. Thử hỏi chừng ấy năm là bao nhiêu tiền? Nếu kiểm toán đầy đủ và rộng ra, chắc chắn còn nhiều hơn nữa, ông Nam khẳng định.
Việc xử lý một số cán bộ sai phạm trong thời gian qua được PGS.TS Nguyễn Văn Nam đánh giá cao, nhưng theo ông, điều quan trọng nhất là phải sửa cơ chế để bảo đảm người chịu trách nhiệm là người xứng đáng.
Để khắc phục tình trạng trục lợi này phải hoàn thiện luật pháp, cung cách quản lý của Nhà nước, cơ chế tuyển dụng và lựa chọn cán bộ. Công tác cán bộ cần phải làm rõ được là làm thế nào để có đội ngũ cán bộ thực sự có tâm, có tài. Đó chính là cái mà người dân trông chờ", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trục lợi "đất vàng" từ cổ phần hóa
Việc đầu tư ra nước ngoài bị thua lỗ, lợi dụng cổ phần hóa để trục lợi đất vàng trong khi quản lý nhà nước ... |
Người nhà nước trục lợi: Căn tính người Việt hay...?
Nếu không rành mạch, không kiểm soát tốt thì những người trong bộ máy nhà nước dễ lợi dụng để trục lợi. |