Nếu không rành mạch, không kiểm soát tốt thì những người trong bộ máy nhà nước dễ lợi dụng để trục lợi.
Nguy cơ bị trục lợi
PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn đưa ra nhận định rằng, khu vực nhà nước dường như đã trở thành nơi để một số người tham gia bộ máy công quyền lợi dụng để thu lợi.
Hiện tượng này xảy ra ở ngay cả các nước hiện đại, tùy thuộc vào cách tổ chức của nhà nước đó.
Lý giải cho nhận định của mình, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho biết, xét về mặt nguyên lý, nhà nước hiện đại là nhà nước của nền kinh tế thị trường - nền kinh tế đã được cấu trúc lại trên cơ sở một xã hội mà ở đó người dân đã trở thành một công dân, cá nhân độc lập, tự chủ. Các quan hệ lệ thuộc, bao cấp, xin cho... đã bị loại trừ và xã hội ấy được cấu trúc lại thành một hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhà nước được cấu trúc lại thành một dạng như doanh nghiệp để thực hiện các chức năng đối với xã hội và nền kinh tế.
"Nhưng trong điều kiện hiện đại, nhà nước chi tiêu rất lớn, có thể tới 50% GDP cho các hoạt động của xã hội và bản thân nhà nước. Để có được chi tiêu ấy, nhà nước phải thu thuế.
Nếu không rành mạch, không kiểm soát tốt thì nhà nước dễ rơi vào tình trạng như cầm cái xô thủng, tức tiền thuế bị bốc hơi thông qua các hoạt động phân phối lại, thực hiện các chức năng của nhà nước phục vụ cho sự phát triển, các hoạt động bình thường.
Quy hoạch và giá bất động sản có \'bí mật\'? |
Ngay cả các nhà nước hiện đại mà hoạt động phân phối, tổ chức nhà nước không tốt thì nhà nước có khả năng trở thành một sòng bạc. Bởi trong nền kinh tế thị trường, nhà kinh doanh, các cá nhân độc lập cấu tạo nên xã hội đều theo đuổi lợi ích của mình và lợi ích ấy co giãn rất cao. Còn những người trong bộ máy nhà nước theo đuổi cái gì? Chẳng lẽ chỉ có đồng lương quèn? Khi ấy, chính trị trở thành một hoạt động kinh doanh hay không còn tùy thuộc vào cách tổ chức của nhà nước đó", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.
Theo ông, nhà nước có thể chi tiêu tới 50% GDP của quốc gia và trong hoạt động chi tiêu đó có quyết định việc đầu tư thế nào, phát triển ra sao..., đặc biệt có câu chuyện ai được trúng thầu? Được như thế nào?
Khi ấy, giữa nhà nước và hệ thống kinh doanh có khả năng tạo thành mối quan hệ không bình thường, hình thành các quan hệ lợi ích, gọi là nhóm lợi ích, cá nhân lợi ích. Nó có thể xảy ra chuyện mua bán quyền lực, mua bán thông tin và mua bán giá cả giao dịch, chi tiêu
Trên cơ sở những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định, đối với Việt Nam, sự trục lợi của một số người trong bộ máy công quyền không phải do phẩm tính của người Việt cũng không phải phát sinh từ thời kinh tế mới, mà do chính cấu trúc của nền kinh tế làm nảy sinh các hệ lụy.
Theo đó, nền kinh tế được cấu trúc lại trên cơ sở một xã hội chưa theo yêu cầu của kinh tế thị trường, có những hoạt động thiếu minh bạch, tồn tại lợi ích nhóm... khiến xã hội phát triển không bình thường và có nhiều biến thể.
Rất khó...
Tình trạng nhà nước bị một số người trong bộ máy công quyền lợi dụng để kiếm chác, trục lợi, theo PGS Đoàn, có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực kinh tế, bởi đó chính là nơi tạo ra "tiền tươi".
Nhìn thẳng vào vấn đề đất đai ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) có thể thấy rõ.
Chưa trở thành đặc khu kinh tế, nhưng thị trường bất động sản ở các địa phương này đã phải hứng chịu cơn sốt đất, mà nhiều chuyên gia chỉ rõ đó là cơn sốt ảo, do giới đầu cơ tạo ra.
Có thể thấy giá đất ở những nơi đó rất khác nhau, ai được mua với giá rẻ? Ai quyết định giá? Có hay không chuyện người này người kia nhờ quan hệ mà biết chỗ này quy hoạch nên mua trước? Đó là những câu hỏi mà dư luận và giới chuyên gia kinh tế, bất động sản đặt ra thời gian qua và nó cho thấy sự thiếu minh bạch ở chỗ này.
Hay việc tiêu tiền vô tội vạ của nhiều đại doanh nghiệp nhà nước, mà câu chuyện của Vinashin, Vinalines là điển hình. Rồi câu chuyện BOT mà lãnh đạo một thành phố từng khẳng định chắc nịch rằng có tiêu cực, có lợi ích riêng, có yếu tố “của anh”, “của em” trong các dự án.
Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, ở một số nước có tính minh bạch cao, một số khu vực có tính chất nguyên tắc như hoạt động an ninh, quốc phòng không có hoạt động kinh tế mà họ thuê tư nhân làm. Tương tự, ở nhiều nước, nhà nước không làm kinh tế nhưng họ vẫn có hàng hóa, xe tăng, tên lửa..., đó là vì họ mua của nước ngoài hoặc thuê tư nhân làm, thậm chí tư nhân làm có khi còn tốt hơn.
Điều quan trọng nhất, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn là mọi thứ phải minh bạch, rành mạch, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực thì sẽ không xảy ra tình trạng trên.
"Nước nào cũng có tham nhũng, vấn đề là tỷ lệ bao nhiêu. Xã hội Việt Nam được cấu tạo bởi các hệ thống như đã nói ở trên thì khó vận hành được nền kinh tế có năng suất cao.
Thực tế là năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, một số ngành còn thua Campuchia. Trong khi đó, đầu tư công quá lớn, còn đầu tư của tư nhân lại quá yếu.
Điều quan trọng là việc bơm tiền vào các hệ thống kinh doanh quan trọng của nền kinh tế để tạo ra hệ thông doanh nghiệp hiện đại, phát triển, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất thì Việt Nam chưa làm được", ông Đoàn thẳng thắn.
Vị chuyên gia lưu ý, để thay đổi tình trạng trên là vô cùng khó bởi sự thay đổi đó phải rất căn bản, đòi hỏi quá trình phát triển nền kinh tế thị trường với các nền móng chuẩn.
"Việc này cũng giống như xây nhà, nếu làm móng không đúng, có những lỗ hổng lớn trong rường cột thì đến lúc nào đó ngôi nhà sẽ bị sập và việc sửa chữa không hề dễ dàng", PGS.TS Đoàn nói.
Định giá doanh nghiệp Nhà nước thấp để thâu tóm đất vàng
Theo đại biểu Trần Văn Minh, nhiều nơi xảy ra biểu hiện trục lợi khi định giá doanh nghiệp thấp hơn giá thật, để khi ... |
Trục lợi từ đất công
Nhiều khu đất công, nhà vắng chủ ở tỉnh Gia Lai được cho thuê với giá bèo. Người thuê sử dụng sai mục đích, cho ... |
Di dời dân để tư nhân trục lợi
Người dân ở đây bảo, “muốn biết dự án Khu dân cư, tái định cư xã Phước Tân (KDC-TĐC) thuộc TP.Biên Hòa thuộc thể loại ... |