Người có IQ cao nhất thế giới: Bất hạnh đến từ hai chữ ‘thần đồng’

Cuộc đời của người được xem là có IQ cao nhất thế giới cho thấy chỉ số này không phải là yếu tố đảm bảo thành công. Ngược lại, cái danh thần đồng đẩy ông vào bất hạnh.

William James Sidis sinh ngày 1/4/1898 trong gia đình di cư người Ukraine gốc Do Thái. Ông nổi danh là “thần đồng”, sở hữu IQ khoảng 250-300 và được ghi nhận là người thông minh nhất thế giới.

Đứa trẻ không có tuổi thơ

Bố mẹ William đều rất thông minh và kỳ vọng nhiều ở con trai. Bố ông, Boris Sidis, là nhà tâm lý học nổi tiếng với nghiên cứu về thuật thôi miên và rối loạn tâm thần.

Mẹ ông, bà Sarah, là một trong số ít nữ bác sĩ có bằng y khoa vào thời điểm đó. Tuy nhiên, bà từ bỏ sự nghiệp để chuyên tâm giáo dục con trai. Đây có lẽ là khởi nguồn của mọi bất hạnh mà William gặp phải trong đời.

nguoi co iq cao nhat the gioi bat hanh den tu hai chu than dong
William lớn lên dưới cái danh thần đồng và áp lực khổng lồ từ cha mẹ.

Thần đồng William James Sidis chịu sự giáo dục hà khắc từ nhỏ bởi bố mẹ ông không chỉ cần đứa con thông minh. Họ muốn đào tạo một thiên tài. Bà Sarah dành tất cả tiền tiết kiệm của gia đình để mua sách báo, trang thiết bị có thể khuyến khích tinh thần học hỏi cho con trai.

Ông Boris áp dụng những liệu pháp tâm lý học với con trai. Nhờ đó, William học chữ chỉ trong vòng vài tháng.

Theo Today Foundout, dưới tham vọng cũng như nỗ lực của cha mẹ, William James Sidis sử dụng ngôn từ thành thạo khi mới 6 tháng tuổi và biết tự dùng thìa để ăn cơm khi 8 tháng tuổi.

Ông bà Sidis rất tự hào về con trai, cũng như phương pháp giáo dục sớm mà vợ chồng ông áp dụng. Họ liên tục xuất bản những tài liệu học thuật cho thấy thành công của hai người trong nuôi dạy con.

Dưới tham vọng của ông bà Sidis, William đương nhiên không thể trải qua những năm đầu đời như bao đứa trẻ khác. Ông thậm chí không có tuổi thơ.

18 tháng tuổi, William bắt đầu đọc báo New York Times. Ngoài ra, ông phải học 7 thứ tiếng, bao gồm tiếng Pháp, Đức, Latin, tiếng Do Thái, Hy Lạp, Nga và Vendergood - ngôn ngữ do chính ông sáng tạo.

7 tuổi, William học chương trình trung học phổ thông. Hai năm sau, ông trúng tuyển ĐH Harvard nhưng không được nhập học do trường đánh giá cậu sinh viên này “chưa trưởng thành về mặt tâm lý”.

Điều đó trái ngược với mong muốn của ông bà Sidis - người luôn khao khát cả thể giới biết đến đứa con thần đồng cùng thành công của họ trong việc làm cha mẹ.

Hai người đưa sự việc ra trước dư luận, truyền thông. William trở thành đề tài của báo chí trong một thời gian dài. Ông lên trang nhất của New York Times và hoàn toàn không biết cách ứng phó với sự nổi tiếng ấy.

nguoi co iq cao nhat the gioi bat hanh den tu hai chu than dong
Sự quan tâm của báo chí, dư luận dành cho William thỏa mãn tham vọng của cha mẹ ông nhưng mang lại cho ông nhiều phiền toái.

Sau đó, ông dành thời gian để phát hiện và chỉnh sửa những sai sót trong các cuốn sách Toán và dự định tìm ra điểm chưa hợp lý trong thuyết tương đối của Einstein.

Trong khi đó, ông bà Sidis tiếp tục gây sức ép với lãnh đạo ĐH Harvard. Năm 11 tuổi, William trở thành sinh viên của ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới trong khi bạn cùng tuổi vẫn trải qua tuổi thơ vui vẻ, vô tư.

William James Sidis một lần nữa trở thành tâm điểm truyền thông. Tháng 1/1910, cậu sinh viên đưa ra bài phát biểu công khai đầu tiên trong đời và nó nhanh chóng xuất hiện trên báo chí cả nước.

Sau đó, phóng viên theo chân William khắp nơi trong khuôn viên trường. Ông gần như không có thời gian, không gian riêng tư. 5 năm sau, ông tốt nghiệp hạng ưu, chấm dứt chuỗi ngày không mấy vui vẻ tại Harvard.

Amy Wallace, người viết tiểu sử của William James Sidis, cho biết trong thời gian học tập tại đây, người được gọi là thần đồng thường xuyên bị cô lập và làm nhục vì sự thật thà của mình.

Sau lễ tốt nghiệp, ông phát biểu với báo chí: “Tôi muốn sống một cuộc sống hoàn hảo. Cách duy nhất để thực hiện điều đó là sống tách biệt với người khác. Tôi luôn ghét đám đông”.

Qua đời trong cô độc, khốn khó

Việc rời Harvard không đem lại cho William cuộc sống vui vẻ hơn. Ông tiếp tục sa vào những rắc rối vì những kỳ vọng ngày càng lớn từ phía cha mẹ và cộng đồng.

Siêu thần đồng từng có thời gian ngắn ngủi nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Rice trước khi nghỉ việc do áp lực từ việc tiếp xúc sinh viên lớn tuổi hơn mình.

nguoi co iq cao nhat the gioi bat hanh den tu hai chu than dong
Người có IQ cao nhất thế giới sống và qua đời trong nỗi bất hạnh.

Ông trở lại Boston, theo học chương trình Luật tại Harvard nhưng cũng không duy trì được lâu. William vật lộn để định hình bản thân sau quãng thời gian dài sống dưới sự sắp xếp của bố mẹ.

Năm 1919, ông bị bắt vì dẫn đầu cuộc biểu tình chống chiến tranh. Trong tù, ông gặp người phụ nữ duy nhất ông yêu - bà Martha Foley. Mối quan hệ này không kéo dài, chủ yếu do suy nghĩ lệch lạc mà cha mẹ ông đã tiêm nhiễm, rằng tình yêu, nghệ thuật, tình dục là yếu tố tạo ra “cuộc đời khiếm khuyết”.

Lẽ ra, William bị kết án 18 tháng tù. Nhờ sức ảnh hưởng của ông bà Sidis, ông được thả. Thấy con chệch khỏi con đường trở thành thiên tài, cha mẹ ông tăng cường kiểm soát, theo dõi và cấm đoán ông giao lưu kết bạn với những người lạ. Cha ông có quyết định sai lầm khi đưa ông vào viện điều trị tâm thần hơn một năm.

Chán nản với cuộc sống gò bó do cha mẹ áp đặt, William liên tục chuyển chỗ ở, công việc và đổi tên để tránh sự theo dõi từ truyền thông.

Trong thời gian này, ông viết hàng chục cuốn sách dưới nhiều bút danh, bao gồm về lịch sử nước Mỹ và sở thích sưu tầm vé xe. Ngoài ra, William xuất bản sách về vũ trụ học, đưa ra dự đoán về hố đen. Cuốn sách không được giới học giả đánh giá cao.

Cuộc sống tách biệt giúp William cảm thấy tốt hơn. Ông thích cảm giác cô độc và không hề liên lạc với gia đình hay bất cứ ai thực sự quan tâm ông.

Năm 1924, sự bình yên hiếm hoi ấy bị phá vỡ khi báo chí lần ra tung tích thần đồng ngày nào. Họ đưa loạt bài về công việc tầm thường cùng cảnh sống khốn khổ của người có IQ cao nhất thế giới.

Điều này khiến William xấu hổ và trầm cảm, nó đẩy ông lún dần vào cuộc đời tối tăm. Báo chí tiếp tục khai thác đề tài được dư luận quan tâm này.

Năm 1937, tờ New Yorker đăng bài April Fool, miêu tả quá trình William rơi từ đỉnh cao danh vọng tới cuộc sống khốn khổ, bị nhục mạ. Sau đó, gia đình Sidis khởi kiện tờ báo. Vụ kiện được giải quyết vào 7 năm sau nhưng những tổn thương nó gây ra cho thần đồng đã không thể vãn hồi.

Tháng 7/1944, William đột quỵ trong căn hộ nhỏ thuê ở Boston. Ông không bao giờ tỉnh lại nữa. Người đàn ông sở hữu IQ cao nhất thế giới qua đời ở tuổi 46, chỉ có bức ảnh bà Martha Foley được đặt trong ví làm bạn với ông trong những ngày cuối đời.

nguoi co iq cao nhat the gioi bat hanh den tu hai chu than dong Quyết tâm nghỉ việc lương thấp, tôi tìm ra lối đi cho cuộc đời mình
nguoi co iq cao nhat the gioi bat hanh den tu hai chu than dong Điều bất ngờ thú vị ở Qatar, quốc gia giàu sang và nhàn hạ nhất thế giới

https://news.zing.vn/nguoi-co-iq-cao-nhat-the-gioi-bat-hanh-den-tu-hai-chu-than-dong-post787800.html

/ Nguyễn Sương / Zing