Bị nợ lương, công nhân may ở huyện Củ Chi, TP HCM, không tìm được giám đốc nên đình công và canh nhà xưởng hơn tuần nay.
Công nhân tụ tập tại nhà xưởng công ty. Ảnh: Phú Thành.
Ngày 12/1, hàng trăm công nhân Công ty may Nam Phương (Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) tiếp tục đến nhà xưởng đòi trả lương. Họ yêu cầu giám đốc phải ra mặt để cam kết đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, trả lương cho công nhân.
Việc đình công tập thể của hơn 600 người kéo dài hơn tuần nay, bất kể ngày đêm. Công an và lực lượng chức năng địa phương phải thường xuyên đến ổn định trật tự. Đại diện chính quyền, liên đoàn lao động cũng đã đối thoại nhưng các công nhân yêu cầu công ty trả đủ lương mới tiếp tục làm việc.
Đã nhiều ngày qua chị Cẩm Giang (25 tuổi, quê An Giang) và đồng nghiệp đều vào phân xưởng chờ được trả hơn bảy triệu đồng tiền lương tháng 12. Chị cho biết, giám đốc công ty đã "mất dạng" hơn hai tuần, tài sản trong xưởng có dấu hiệu bị tẩu tán... nên công nhân chia nhau canh giữ, sợ không đòi được tiền.
"Tôi một mình nuôi con chín tháng tuổi. Không có tiền, nhà trọ đòi lấy lại phòng, nhà trẻ thì không chịu giữ con, bắt tôi qua đón về. Khổ trăm bề trong khi Tết chỉ còn hơn tháng nữa", chị Giang nói bằng giọng rầu rĩ.
Chị làm cho Công ty Nam Phương tám năm. Để được mức lương hơn 7 triệu đồng một tháng, chị phải thường xuyên tăng ca, chủ nhật cũng không nghỉ. Riêng tháng 12 chị tăng ca đến 73 giờ.
"Hiện công ty cũng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên nhiều công nhân nghỉ làm cũng không nhận được trợ cấp, bảo hiểm. Ngay cả việc tôi sinh con đã chín tháng mà không nhận được tiền thai sản theo quy định", nữ công nhân nói và cho biết nhiều chị em đồng nghiệp dù nghỉ việc hơn một năm cũng chưa nhận được tiền bảo hiểm.
Công nhân túc trực trước cổng công ty sáng nay. Ảnh: Cẩm Giang.
Anh Phú Mỹ Thành (38 tuổi, ngụ Củ Chi) và nhiều nam công nhân khác gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Đã nhiều ngày qua họ chia nhau túc trực 24/24 trước nhà xưởng vì nghi ngờ công ty "xù" lương, có thể tẩu tán tài sản bất cứ lúc nào. Các công nhân và một số người của công ty đã xảy ra cãi vã, giằng lại hàng, và họ yêu cầu để nguyên trong nhà xưởng.
"Tôi là người ở địa phương, có mất một tháng lương thì cũng còn gia đình để trông cậy, chứ những anh em khác toàn ở tỉnh đến làm, khó khăn dữ lắm. Có trường hợp cả vợ chồng làm chung, giờ không nhận được lương họ bị nhà trọ dọa đuổi, phải dẫn cả con đến trước công ty chờ chực lấy tiền", anh Thành cho hay.
Sau nhiều ngày công nhân mòn mỏi đình công, hôm qua công ty ứng trả mỗi người 1,2 triệu đồng. "Công ty cũng dán thông báo trấn an, kêu gọi chúng tôi tiếp tục làm việc, sẽ trả lương tháng 12 và cả thưởng tháng 13 nhưng chúng tôi không tin được. Tôi làm công ty này tám năm nhưng họ mới đóng bảo hiểm được năm năm à", anh Thành nói.
Công ty Nam Phương nợ BHXH hơn 26 tỷ đồng
Quản đốc xưởng may Vương Duy Lam cho biết, hiện không có lãnh đạo cấp cao nào có mặt tại công ty. Với mức lương trung bình 5-6 triệu đồng mỗi người một tháng, tính ra công ty đang nợ hơn 4 tỷ đồng tiền lương.
Về nghi vấn giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn, ông Lam nói rằng lãnh đạo đang đi tìm kiếm đơn hàng mới để tạo việc làm, có tiền giải quyết cho công nhân. "Theo tôi biết đã có một số đơn hàng xuất đi, khách cam kết sẽ chuyển tiền. Khi đó công ty sẽ trả lương cho công nhân ngay", nam quản đốc thông báo.
Nhà xưởng, máy móc của Nam Phương được cho là hầu hết đi thuê, chỉ có 10-20% là tài sản công ty.
Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội TP HCM, Công ty Nam Phương nợ BHXH nhiều năm, lên đến 26,6 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp nợ bảo hiểm cao thứ hai tại thành phố.
Trước đó, Liên đoàn lao động thành phố đã đề nghị Sở Lao động Thương binh Xã hội thanh kiểm tra công ty này vì để nợ lương tháng 11-12 dẫn đến tranh chấp.
Hàng nghìn giáo viên bị nợ lương, lo mất việc
Sau nhiều tháng giải quyết, hàng nghìn giáo viên ở Hải Dương, Đắk Nông vẫn chưa nhận được lương. Họ phải làm thêm, vay nợ ... |
Bảy tháng không lương, 89 giáo viên khốn đốn
Bảy tháng qua, 89 giáo viên ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, không được nhận lương khiến cuộc sống khó khăn, ảnh hưởng ... |