Ngành giáo dục nên cảm ơn Uber, Grab

Các bạn cử nhân, thạc sĩ có thể đốt cháy giai đoạn đau đáu chờ việc sau khi cầm bằng tốt nghiệp bằng cách trở thành đối tác Grabbike hay “xịn” hơn là GrabCar.

nganh giao duc nen cam on uber grab

Con số “80% chạy Grab xe ôm là sinh viên, sinh viên ra trường thất nghiệp” mà ông Bùi Sỹ Lợi (Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đưa ra dường như đã gây thất vọng trên diện rộng.

Người ảo não, tỏ vẻ lo lắng khi một lượng đáng kể trí thức trẻ, được chờ mong sẽ bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại nay lại gia nhập đội ngũ vận chuyển hành khách. Người trách móc các bạn cử nhân phụ công, phụ lòng cha mẹ, bởi chẳng phụ huynh nào mong muốn con em mình sẽ chạy xe ôm sau 4 – 5 năm trời đèn sách miệt mài.

Riêng tôi lại cảm thấy đây là tín hiệu đáng mừng, chẳng những không mâu thuẫn mà còn chứng minh và giải thích cho báo cáo giải quyết hơn 1,6 triệu lao động tại phiên họp toàn thể ủy ban Kinh tế. Chẳng nhẽ lái xe ôm không phải một nghề? Chẳng lẽ cứ cầm bằng đỏ trong tay là không được phép làm ra đồng tiền bằng cách đổ mồ hôi theo đúng nghĩa đen của cụm từ này?

Từ thực tế kể trên, thiết nghĩ bộ GD&ĐT nên sớm gửi lời cảm ơn sâu sắc, đồng thời tuyên dương giải pháp hỗ trợ thiết thực đến từ Uber, Grab. Nếu từng học đại học, cao học, bạn sẽ thấy lời đề nghị này là hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, sẽ chẳng có gì bàn cãi nếu người trẻ thất nghiệp vì thói quen thụ động, chỉ biết há miệng chờ sung, vừa ra trường đã đòi hỏi mức lương 2.000 đô la Mỹ. Nhưng khi có hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ cùng chung cảnh “ôm bằng” thì những người làm trong ngành giáo dục cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Xin hãy hỏi sinh viên rằng có hay không chuyện “học đại”, đi học như đi chơi trong trường đại học. Hãy hỏi doanh nghiệp về chất lượng của đội ngũ tân cử nhân, về tình trạng nhân viên mới đứng núi này trông núi nọ, chỉ chực đủ lông, đủ cánh để bay đi. Hãy thử thống kê xem sau bao năm đèn sách, sinh viên ra trường có bao nhiêu kiến thức trong đầu và chừng ấy vốn liếng có giúp họ kiếm được công việc phù hợp với chuyên ngành.

Biết được câu trả lời, hẳn những người làm giáo dục sẽ cảm thấy giống như tôi - biết ơn Uber, Grab vô ngần.

nganh giao duc nen cam on uber grab

"Đội quân" Grabbike. Ảnh: Internet.

Ông bà ta có câu: Nhàn cư vi bất thiện. Thử tưởng tượng con số “80% chạy Grab xe ôm” kể trên chưa từng nghĩ đến công việc hiện tại; bước ra ngoài xã hội với thái độ bất mãn, không nghề ngỗng, quanh năm ngồi quán xá “chém gió”, nhìn thấy người thành công hơn thì cạnh khóe, cà khịa. Thật kinh khủng biết bao!

Nhờ sự xuất hiện của hai hãng taxi điện tử lớn nhất hiện giờ, các bạn sinh viên, cử nhân, thạc sĩ có thể đốt cháy giai đoạn đau đáu chờ việc sau khi cầm bằng tốt nghiệp bằng cách trở thành đối tác Grabbike hay “xịn” hơn là GrabCar.

Không cần nhiều vốn liếng, không cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng; cũng chẳng cần định hướng trong công việc, thích thì đi làm, không thích thì dắt xe sát nhà dân nằm nghỉ. Bất cứ lúc nào, dù nắng hay mưa, dù giữa trưa hay đêm muộn, họ cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập và phần nào đó, giúp hành khách tránh xa những bác tài bặm trợn, tính giá cước theo cảm xúc.

Như vậy, bộ GD&ĐT chuyên tâm việc đào tạo, còn cử nhân ra trường rơi vào diện “lao động thừa”, không kiếm được việc làm cứ để Grab, Uber lo!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

nganh giao duc nen cam on uber grab Tạo công bằng giữa Uber, Grab và taxi truyền thống

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về ứng dụng khoa học công nghệ trong thí điểm xe hợp đồng điện tử.

nganh giao duc nen cam on uber grab Vì sao chúng tôi chọn Grab và Uber, ông Chủ tịch Transerco biết không?

Góp ý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vào ngày 27-10, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ông Nguyễn Phi Thường (Đoàn ...

http://www.nguoiduatin.vn/nganh-giao-duc-nen-cam-on-uber-grab-a344218.html

/ Trương Chi/nguoiduatin.vn