Năm mới ta cũng mới

Những ngày cuối năm này, không chỉ các Phật tử, mà nhiều người yêu mến phương pháp thực tập “nhận diện và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành tặng cho nhau những cuốn lịch có thư pháp của thầy.  

Những ngày cuối năm này, không chỉ các Phật tử, mà nhiều người yêu mến phương pháp thực tập “nhận diện và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành tặng cho nhau những cuốn lịch có thư pháp của thầy.

Các cuốn lịch đều có câu "Năm mới ta cũng mới" được họa theo phong cách riêng của thiền sư, để mỗi người chiêm nghiệm.

"Làm mới" là một nghệ thuật được thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai chia sẻ trong các buổi pháp thoại, pháp đàm, thực tập ngồi im để quán chiếu tự thân, nhận diện rõ chính mình, chấp nhận và chuyển hóa những phiền não mà mình đang trải.

Năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh lần đầu tiên về nước sau hơn 30 năm "rong chơi trời phương ngoại", tôi may mắn được tham gia khóa tu dành cho cư sĩ Phật tử tổ chức ở tu viện Bát Nhã - Bảo Lộc, Lâm Đồng. Buổi pháp thoại đầu tiên được thiền sư đăng tòa tại thiền đường Cánh đại bàng. Không khí khá lạnh nhưng ai cũng háo hức, đợi chờ.

Vị thiền sư lúc đó 80 tuổi lên pháp tòa và an tọa. Sau hơn 15 phút thiền ca, thỉnh chuông, mọi người im lặng và chờ đợi, thầy ngồi nhìn tất cả một lát. "Mọi người hãy mỉm cười đi", thầy nhẹ nhàng đặt tay lên môi, "Tôi thấy, quý vị ngồi đây căng thẳng quá. Chúng ta hãy cùng buông lỏng cơ thể, mỉm cười". Không gian vỡ òa trước lời đề nghị dễ thương ấy, ai cũng mỉm cười, hoan hỉ, không còn căng thẳng nữa.

Bài pháp của thiền sư hôm đó nói về nghệ thuật làm mới. Thầy kể, ở Mỹ và châu Âu, có rất nhiều người đã tìm tới, họ khổ đau vì không nhìn được mặt người thân thương của mình, ông bà không thể truyền thông được với nhau, con cái không thể nói chuyện với ba mẹ mình. Nỗi khổ của con người ngoài sanh, lão, bệnh, chết, ngoài xa người thương, gần người mình không thích... còn là không thể truyền thông được với người thân thương của mình. Ngày nay, con người ta dễ dàng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và ở bất cứ chỗ nào cũng có thể kết nối được mạng internet nhưng việc truyền thông với nhau - kết nối giữa người với người - để hiểu và thương mỗi ngày là một vấn đề chưa bao giờ dễ dàng.

Không khó để thấy hình ảnh những người hiện đại: ở đâu cũng chăm chú màn hình điện thoại, chọt chọt và cười cười. Thậm chí, cả nhà hẹn nhau ra cà phê để cùng bấm điện thoại là chính, kết nối với một "nick" nào đó, nói chuyện với ai đó ở phương trời xa lắc, thi thoảng mới nói vài câu với người thân thương. Hiện tượng nghiện điện thoại và thế giới ảo đã làm cho những mối quan hệ bớt ấm, dần xa cách sau một thời gian ngắn. Thiền sư kể một câu chuyện.

Một ông bố ngồi với con gái trong bữa cơm, nhưng ông cứ bấm điện thoại, rồi suy nghĩ chuyện ở đâu đâu. Con gái lắc lắc tay bố, gọi: "Ba ơi, con ở đây nè". "Đứa con gái đã nhắc ba mình: hãy có mặt cho con đi ba. Nếu bạn là người thực tập tốt, bạn sẽ liền lập tức buông điện thoại hoặc dừng suy nghĩ về quá khứ, tương lai để có mặt cho con mình, cho bữa cơm đó, không rong chơi nữa", sư ông nói.

Tử tế với người thân cũng là tử tế với chính bản thân mình, bởi vì đó là việc mang lại hạnh phúc cho cả hai. Chúng ta thường quên mất sự có mặt cho nhau, lắng nghe để hiểu người mình thương, con của mình, vợ mình... Thiền sư thường nhắc về "thói quen" kỳ cục đó của mỗi người, nhất là khi họ bị chi phối bởi chiếc điện thoại.

Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31,4%. Tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn.

Tại sao trước đó, những người chọn đi tới hôn nhân đều rất hạnh phúc, nhưng chẳng bao lâu, họ lại muốn "không nhìn thấy mặt" nhau nữa?

"... Vì không hiểu được kẻ khác Cho nên hờn giận, oán cừu; Lý luận xong rồi trách móc Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau Chia cách hố kia càng rộng Có ngày không nói với nhau Cũng không muốn nhìn thấy mặt Gây nên nội kết dài lâu" (Sám nguyện - theo nghi thức Làng Mai)

Chúng ta sẽ sống bằng cách cứ trôi dạt về quá khứ, về tương lai và bồng bềnh trong thế giới ảo đến bao giờ? Ai đã từng hỏi điều này và giật mình để làm mới lại mình.

Làm mới theo cách của thầy Thích Nhất Hạnh là trở về "an trú trong hiện tại", là biết mình đang có gì để trân trọng và lắng nghe, và yêu thương. Làm mới cũng là trở về với cội nguồn an lành nơi tự thân. Chúng ta đã đi xa, đã tìm kiếm hạnh phúc ở đâu đó mà quên mất hạnh phúc đích thực là sự bình an trong tâm hồn. Hạnh phúc đó có sẵn, như "ngọc trong chéo áo", nhưng mình không nhận ra nên mãi hoài tìm kiếm.

Thực tập được sự làm mới chính mình theo cách đó, mỗi người sẽ có hạnh phúc. Họ sẽ gặp được Sư ông Làng Mai trên con đường hạnh ngộ đó chứ không cần phải đổ về Từ Hiếu, nơi Thầy đang an dưỡng, chỉ để mong được thấy một hình hài.

Lưu Đình Long

nam moi ta cung moi Người dân thế giới chuẩn bị chào đón năm mới

Tục đốt hình nộm ở Colombia, hòa nhạc ở Áo hay thả bóng bay ở Brazil là các hoạt động chào đón năm mới của ...

nam moi ta cung moi Nhóm nhà báo hàng đầu Mỹ sẽ hạ quả cầu pha lê chào năm mới ở New York

Lễ hạ quả cầu pha lê, đếm ngược đến năm mới trên Quảng trường Thời đại năm nay được tổ chức nhằm nhấn mạnh tự ...