Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Bình Nhưỡng là "chính phủ đàn áp nhất thế giới", vài ngày sau khi Trump ca ngợi Kim "đáng trân trọng".
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: CNN.
"Hơn 60 năm qua, người dân Triều Tiên phải đối mặt với sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống", CNN dẫn tuyên bố ngày 2/5 từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.
"Bên cạnh 100.000 cá nhân, gồm con cái và các thành viên gia đình bị cáo buộc, phải sống trong các trại tù chính trị, người dân Triều Tiên còn phải đối mặt với việc chính phủ gần như chối bỏ hoàn toàn các quyền tự do cơ bản. Những người dân này đang cố gắng trốn khỏi đất nước, nếu bị bắt, họ thường bị tra tấn hoặc tử hình".
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang nỗ lực tạo ra những lạc quan thận trọng với Triều Tiên khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra trong vài tuần tới.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Kim Jong-un là "rất cởi mở và rất đáng trân trọng dựa trên những gì mà chúng ta đang chứng kiến". Tổng thống Mỹ cũng nói lên những nỗ lực ngoại giao của mình với Triều Tiên trong các sự kiện gần đây, gợi ý rằng ông sẵn sàng thực hiện những điều mà các chính quyền khác không thể.
"Chúng ta chưa bao giờ ở trong tình huống giống như thế này với Triều Tiên", Trump nói.
Vấn đề nhân quyền của Triều Tiên đã là "con voi trong phòng" (thành ngữ chỉ những chuyện ai cũng thấy nhưng có người vờ không thấy vì mục đích khác). Trong khi Trump đang tập trung thuyết phục Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể để từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa thì Bộ Ngoại giao nước này lại lựa chọn công kích Triều Tiên.
"Chúng tôi quan ngại nghiêm trọng và lo lắng sâu sắc về những ngược đãi này. Song song với chiến dịch gây áp lực tối đa, chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc trách nhiệm với những người đứng đầu", tuyên bố cho biết.
Bộ Ngoại giao không đề cập chi tiết chính xác về việc Mỹ sẽ lên kế hoạch "hối thúc trách nhiệm" như thế nào hay chỉ ra liệu Trump có trực tiếp nói về những quan ngại này với Kim Jong-un trong cuộc gặp sắp tới hay không.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường luồng thông tin độc lập ra vào đất nước này, và mỗi ngày sẽ giới thiệu cho người Triều Tiên bức tranh chân thực về thế giới bên ngoài", Nauert nói.
Năm ngoái, Thae Yong-ho, quan chức đại sứ quán Triều Tiên tại Anh đào tẩu sang Hàn Quốc, nói với các nghị sĩ Mỹ rằng các thế hệ lãnh đạo của Bình Nhưỡng củng cố quyền lực bằng cách tách biệt người dân với thế giới bên ngoài.
Huyền Lê
Những yếu tố có thể gieo quả ngọt cho thượng đỉnh Trump-Kim
Sự biến chuyển của tình hình cùng quan điểm "phi truyền thống" của các lãnh đạo có thể giúp cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ... |
Sau thượng đỉnh là gì?
Khi nói về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên thường muốn Mỹ phải chấm dứt liên minh quân sự với Hàn Quốc và ... |
Động thái bất ngờ của Triều Tiên trước cuộc gặp của ông Trump và ông Kim
Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Bình Nhưỡng quyết định thả 3 ... |