Một năm cầm quyền nhiều ồn ào của Trump

Trong một năm tại vị, Trump đã làm tình hình bán đảo Triều Tiên và Trung Đông thêm căng thẳng và vướng vào rắc rối với cựu phụ tá.  

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump

Tổng thống Mỹ Trump tại Florida ngày 14/1. Ảnh: AFP.

Ngày 20/1, tỷ phú Donald Trump nhậm chức trở thành tổng thống 45 của nước Mỹ. Trump thể hiện sự khác biệt với những người tiền nhiệm khi quyết liệt thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết", đưa ra những quyết định phá vỡ chính sách trong nhiều thập niên của Mỹ, theo AFP.

Lệnh cấm nhập cảnh

Trong một tuần sau khi nhậm chức, Trump đã ra lệnh cấm nhập cảnh 90 ngày đối với người từ 7 nước Hồi giáo và cấm tất cả người tị nạn trong 120 ngày.

Hỗn loạn diễn ra tại các sân bay Mỹ, nhiều người bị giới chức giữ ngay khi vừa xuống máy bay. Người dân Mỹ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử với người Hồi giáo, mặc dù Trump nói rằng việc này chỉ nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan.

Động thái của Trump đã mở ra những rắc rối pháp lý kéo dài suốt năm đầu nhiệm kỳ của ông và nó vẫn chưa kết thúc. Lệnh cấm ban đầu nhanh chóng bị chặn tại tòa án liên bang, phiên bản sửa đổi với việc loại bỏ Iraq ra khỏi các quốc gia bị cấm cũng chịu chung số phận.

Tháng trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép thực thi phiên bản thứ ba, bổ sung thêm công dân Triều Tiên và một số quan chức Venezuela vào lệnh cấm. Tuy nhiên, các đơn kiện sắc lệnh của Trump vẫn liên tục được gửi đến tòa.

Sa thải giám đốc FBI

Một trong những động thái gây ồn ào nhất trong nhiệm kỳ của Trump là đột ngột sa thải giám đốc FBI James Comey vào ngày 9/5 - bãi nhiệm người dẫn đầu cuộc điều tra liệu chiến dịch tranh cử của Trump có thông đồng với Nga trong nỗ lực đánh bại Hillary Clinton hay không.

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump

Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AFP.

Cuối cùng, động thái của Trump đã phản tác dụng. Comey được thay thế bởi một công tố viên đặc biệt độc lập và mạnh mẽ hơn là cựu giám đốc FBI Robert Mueller. Không chỉ dẫn dắt cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Mueller cũng có thể xem xét liệu Trump và phụ tá có tìm cách cản trở công lý hay không.

Hai cựu phụ tá của Trump, bao gồm quản lý chiến dịch Paul Manafort đã bị buộc tội. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn đã thừa nhận nói dối các điều tra viên.

Rút Mỹ khỏi các hiệp định

Chỉ ba ngày sau khi nhậm chức, Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đe dọa xem xét lại hàng loạt hiệp định song phương.

Hồi tháng 11/2017, TPP có tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để bảo đảm cân bằng trong bối cảnh mới.

Ngày 1/6/2017, Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đảo ngược cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu mặc dù đối mặt với sự phản đối từ các nhóm môi trường, các nhà lãnh đạo nước ngoài và ngay cả con gái của ông là Ivanka.

Trump gọi hiệp định này là "thỏa thuận tệ" đối với nền kinh tế Mỹ, tuyên bố rằng ông "được bầu để làm đại diện cho công dân Pittsburgh (thành phố thép của Mỹ) chứ không phải Paris".

Tuy nhiên, tháng này, ông nói rằng Mỹ có thể thương lượng lại hiệp định với những điều khoản thuận lợi hơn.

Căng thẳng với Triều Tiên

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, Trump gọi Kim Jong-un là "người tên lửa" và thề sẽ hủy diệt nước này nếu họ tiếp tục đe dọa Mỹ và đồng minh. Bài phát biểu này đã khai màn cho một loạt đấu khẩu giữa ông với Triều Tiên trong vài tháng sau.

Càng đến cuối năm 2017, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên càng gia tăng khi ông Kim tuyên bố rằng tên lửa Triều Tiên có thể tấn công bất kỳ thành phố nào trên đất Mỹ. Trump đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã làm nóng tình hình.

Sang năm 2018, căng thẳng có dấu hiệu được xoa dịu khi Bình Nhưỡng đồng ý đưa vận động viên đến Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc. Nhà Trắng nói rằng các phát ngôn mạnh mẽ của Trump cùng với áp lực ngoại giao đã giúp hai miền bán đảo Triều Tiên xích lại gần nhau.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lo ngại về các phát ngôn bột phát của Trump, chẳng hạn như khi ông khoe khoang rằng ông có nút hạt nhân "lớn hơn" nhiều ông Kim. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm dẫn đến hậu quả tồi tệ.

Cải cách thuế

Ngày 22/12, Trump ký luật cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm, đánh dấu chiến thắng lập pháp lớn nhất của mình sau khi thất bại trong việc bãi bỏ luật chăm sóc sức khoẻ Obamacare của người tiền nhiệm.

Thực hiện cam kết từ kỳ bầu cử, Trump gọi việc cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD như một "món quà Giáng sinh" cho người Mỹ. Đảng Dân chủ thì cho rằng đó chỉ là món quà cho người giàu và có nguy cơ tác động xấu đến nợ quốc gia.

Tuy nhiên, Trump và đảng Cộng hòa tin rằng cải cách sẽ giúp ích cho đảng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.

Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Khi mới nhậm chức, Trump nói rằng ông có thể giúp các bên đạt được "thỏa thuận cuối cùng" cho hòa bình ở Trung Đông, điều mà những người tiền nhiệm đã không làm được trong nhiều thập niên.

Ngày 6/12, ông đã khiến những nỗ lực này có nguy cơ tiêu tan bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, lật ngược chính sách hàng thập kỷ của Mỹ.

Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.

Động thái của Trump đã gây ra một loạt cuộc biểu tình. Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cảnh báo rằng ông sẽ "không còn chấp nhận" bất kỳ kế hoạch hòa bình nào của Mỹ.

Rắc rối với cựu phụ tá 

Kể từ khi Trump nhậm chức, các quan chức đảng Cộng hòa truyền thống đã cạnh tranh với những người theo chủ nghĩa dân túy từng giúp Trump lên nắm quyền, đứng đầu trong số đó là Steve Bannon. Cuối cùng, phe truyền thống dường như đã thắng thế.

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump

Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Trump. Ảnh: AFP.

Hồi tháng 8, Bannon bị sa thải, được cho là vì có quan điểm trái ngược với Trump về vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự của Trump với trang tin cánh hữu Breitbart News của mình.

Nhưng khi Bannon đưa ra những lời nhận xét không hay về Tổng thống, Trump đã kịch liệt chỉ trích cựu phụ tá, nói rằng ông ta "mất trí". Các luật sư của Trump còn gửi một bức thư đến Bannon, lên án ông đưa ra những phát ngôn "phỉ báng" và "làm ô danh" Trump cũng như gia đình Tổng thống, vi phạm thỏa thuận không tiết lộ thông tin mà ông đã ký khi làm việc cho Trump. Bannon ngày 9/1 từ bỏ chức chủ tịch điều hành tờ Breitbart News.

"Thiên tài ổn định"

Cuốn sách chứa những bình luận chỉ trích Trump của Bannon có tựa đề "Lửa và thịnh nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump" do nhà báo Michael Wolff chấp bút. Nó vẽ ra chân dung về một Tổng thống có khả năng tập trung kém, thường lặp lại bài phát biểu và có tính khí thất thường. Wolff cho rằng nhiều người gần gũi với Trump mô tả ông là "kẻ ngốc", "giống đứa trẻ".

Bực tức trước cuốn sách này, Trump tự miêu tả mình trên Twitter là "một thiên tài ổn định" và "thực sự thông minh". Tuy nhiên, những tuyên bố của Trump không làm giảm tranh cãi về việc liệu ông có phù hợp với vị trí tổng thống hay không.

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump Người ủng hộ nghĩ gì về Trump sau năm đầu nhiệm kỳ?

BBC phỏng vấn 4 người Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump để xem họ đánh giá thế nào về năm đầu tiên cầm quyền ...

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump Trump, Tập Cận Bình điện đàm về khủng hoảng Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Mỹ hôm nay điện đàm, thảo luận về các diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên.

mot nam cam quyen nhieu on ao cua trump Trump che ô một mình, Melania và con trai đội mưa

Tổng thống Mỹ Trump một mình cầm ô bước lên chuyên cơ trước, trong khi phu nhân Melania và con trai đi sau giữa trời ...

/ vnexpress.net