Tôi thuộc dạng thừa cân, suýt béo phì. Tôi nên giảm cân trước hay sau khi mang thai thì hợp lý?
Tôi năm nay 29 tuổi, vừa lấy chồng và muốn có con. Tính theo BMI, tôi thuộc dạng thừa cân, suýt béo phì. Tôi rất muốn cải thiện vóc dáng, nhưng không biết nên thực hiện trước hay sau khi mang thai thì hợp lý?
Bạn tôi có người nói tôi nên giảm cân trước khi mang thai, vì nếu không có bầu sẽ rất mệt, dễ bệnh. Người khác thì bảo cứ sinh con đi, xong rồi giảm cân một lần luôn, vì sinh xong kiểu gì cũng mập lên.
Thực sự tôi cũng muốn cải thiện vóc dáng từ lâu, nhưng nghe các bạn nói tôi cũng hoang mang, không biết giảm cân trước hay sau khi mang thai thì có lợi hơn? Nếu tôi quá béo thì mang thai có nguy hiểm không? (Nguyễn Thị Phượng, 29 tuổi, quận 5, TP HCM)
Mẹ bầu giảm cân (Ảnh minh họa) |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM:
Việc quyết định bạn nên giảm cân trước hay sinh con còn phải cân nhắc nhiều yếu tố.
Bạn đang có BMI ở mức thừa cân tiền béo phì, tức quá trình giảm cân sẽ khá vất vả, có thể mất nhiều thời gian. Khả năng giảm cân nhanh hay chậm, dễ hay khó cũng tùy thuộc vào cơ địa bản thân bạn, điều này cần có sự đánh giá của chuyên gia y tế mới có thể xác định cụ thể. Lời khuyên của bạn bè chỉ mang tính tham khảo vì cơ địa mỗi người mỗi khác.
Bạn đã 29 tuổi, nếu quyết định giảm cân, cải thiện vóc dáng trước khi mang thai nhưng lại mất thời gian quá lâu cho việc này, ví dụ như vài năm, thì việc sinh nở con đầu lòng sẽ khó khăn hơn. Nên lưu ý là sau tuổi 35, khả năng thụ thai của phụ nữ giảm đi nhanh chóng.
Ngược lại, nếu bạn bước vào thai kỳ với cơ thể thừa cân, bạn có nguy cơ cao hơn những phụ nữ có cân nặng trung bình đối với các căn bệnh như: đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sản giật… Ngoài ra, quá cân cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đa nang buồng trứng, khiến bạn rơi vào tình trạng hiếm muộn, chờ mãi không thấy thụ thai.
Nếu lựa chọn mang thai khi cơ thể vẫn thừa cân, bạn cần đi khám sức khỏe, tầm soát và điều trị các căn bệnh người thừa cân hay gặp: tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch. Các bệnh này nên được điều trị ổn định trước khi mang thai, nếu không việc điều trị và diễn tiến bệnh sẽ ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.
Bạn cũng cần lưu ý về việc tăng cân trong thai kỳ. Một phụ nữ mang thai trung bình phải tăng 10-15 kg. Tuy nhiên, với người thừa cân, béo phì, cần tiết chế để tăng cân ít hơn (5-9 kg) nhưng tuyệt đối không được để mình giảm cân hay sử dụng các phương pháp giảm cân trong thai kỳ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Việc theo dõi cân nặng trong thai kỳ của bạn cần có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Sau sinh, bạn cũng nên hỏi bác sĩ để được tư vấn hợp lý, tránh ăn kiêng quá ngặt nghèo hoặc giảm cân quá nhanh, vì có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ quý giá và sức khỏe của chính bạn.
http://nld.com.vn/suc-khoe/me-bau-giam-can-luc-nao-thi-hop-ly-20171006184718839.htm