Mật phục lúc nửa đêm để \"bắt\" học trò

Đó là những chuyến hành trình bắt đầu vào nửa đêm hoặc từ 2-3 giờ sáng của nhóm 5-7 thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai để đảm bảo rằng trò có ở nhà và nếu trò chạy trốn thì đã có đủ “lực lượng” thầy cô để “bắt” trò.

3 giờ sáng, thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn cùng các thầy cô đã đến nhà để đưa học sinh về trường học. Ảnh: Theo cand.com.vn

Câu chuyện của thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong về hành trình tìm trò gian nan được kể rất tự nhiên và hồn hậu như chính tấm lòng đôn hậu của những người thầy nơi đây.

Ngôi trường này đặc biệt với học sinh “ba không” - không biết tiếng Việt, không giấy khai sinh, không hộ khẩu - nên thầy cô phải lo hết cho học trò của mình.

Theo lời kể của thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn, khi con gà rừng vẫn chưa thức giấc, ông trăng vẫn chưa lặn sau dãy núi, các thầy, cô đã phải lập đoàn để vượt cả chục cây số đường rừng đưa các em đến lớp. Những con đường đất đỏ Tây Nguyên mùa mưa đèo dốc, trơn trượt chưa bao giờ làm khó được các thầy, bởi trong họ chỉ một nỗi niềm duy nhất là đưa được trò đến lớp, mang cho trò cái chữ để các em có được tương lai khác, ấm no và đủ đầy hơn.

Kiên trì đến từng nhà, dùng mọi biện pháp để vận động, không chỉ một lần mà nhiều lần, vận động được một thời gian trò lại tự ý bỏ học, hành trình bắt đầu lại nhưng các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong chưa bao giờ nản lòng.

Thầy Tuấn tâm sự: Phải đi giờ nửa đêm hoặc rạng sáng, may ra vào đến nơi mới gặp được các bậc phụ huynh. Sáng là bà con lên rẫy làm việc, khó tìm lắm. Năm nào cũng vậy, công việc đầu tiên là lo giấy tờ hợp lệ cho các em, sau đó đến duy trì sĩ số.

Thầy Phạm Quốc Tuấn kể chuyện đi tìm trò lúc 2-3 giờ sáng trong chương trình “Thay lời tri ân”. Ảnh: XT

Vất vả là vậy nhưng tìm trò, đưa được về trường mới chỉ là việc đầu tiên của các thầy cô giáo. Lo ăn, lo ở cho các em mới thực sự gian nan. Đời sống khó khăn nên bố mẹ các em phó mặc con hoàn toàn cho nhà trường. Vậy là các thầy cô lại trở thành những người cha người mẹ thứ hai chăm lo từng miếng cơm giấc ngủ cho các con.

“Lúc các em khỏe mạnh không sao, lúc đau ốm, các thầy cô lại đôn đáo thuốc men, có những em bệnh nặng, giáo viên phải bỏ dạy đưa các em đến viện, túc trực để chăm sóc”, thầy Tuấn kể.

Nhưng với thầy Tuấn và tất cả các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong thì khổ cực bao nhiêu, thiệt thòi bao nhiêu cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc rồi.

Mong mỏi của thầy Tuấn là các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn sẽ được tạo điều kiện hơn nữa để học tập và phát triển.

Lớp học xóa tái mù chữ đặc biệt ở Nghệ An

Khát khao con chữ, dù ban ngày lên rẫy vất vả, phụ nữ dân tộc Thái ở Nghệ An vẫn cần mẫn học đánh vần, ...

Người mẹ thứ 2 của trẻ khuyết tật và món quà ý nghĩa ngày 20.11

30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo chuyên dạy trẻ khuyết tật Lê Thị Bích Nga Trường tiểu học Bình Minh, Hà Nội luôn ...

https://laodong.vn/giao-duc/mat-phuc-luc-nua-dem-de-bat-hoc-tro-577022.ldo

/ Huyên Nguyên/Báo Lao động