30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo chuyên dạy trẻ khuyết tật Lê Thị Bích Nga Trường tiểu học Bình Minh, Hà Nội luôn tâm niệm Chỉ cần dạy dỗ các con bị khuyết tật bằng tấm lòng của người mẹ dành cho con mình, mọi điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực.
Khi cô Nga bước vào lớp, các em học sinh nhanh chóng đứng dậy, đồng thanh hô to: “Chúng con chào mẹ Nga”. Lớp học khang trang được trang trí bởi những bích báo do chính tay các em làm. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai và “mẹ Nga” cũng chính là người mẹ luôn kề vai sát cánh bên học sinh.
Cô Bích Nga luôn quan tâm, tận tình chỉ bảo từng học trò. Ảnh: Thuỳ Dương
Việc dạy trẻ tiểu học vốn đã khó, nay, ở lớp học hòa nhập của cô Nga, mọi việc còn khó khăn gấp bội. Với các em bình thường, học một bài trong một ngày, nhưng với các em khuyết tật lại mất đến hàng tuần, hàng tháng. Bằng sự kiên trì, đặc biệt là tấm lòng yêu thương các con tha thiết, cô mới có thể vượt qua thử thách này.
Vì vậy, mỗi khi vào giờ nghỉ, cô Nga thường giảng thêm cho các em khuyết tật học chậm hơn. Theo cô Nga: “Mỗi con có một nhận thức khác nhau nên tôi thường tự làm những quyển vở viết phù hợp với từng người”.
Một điều mà cô Nga trăn trở, đó là giúp trẻ khuyết tật được sống trong môi trường hòa nhập thực sự. Tuy nhiên, không ít lần, cô Nga gặp phải khó khăn từ phía phụ huynh: “Cha mẹ nào cũng muốn dành điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Vì thế, không tránh được chuyện có phụ huynh không muốn con họ ngồi cạnh những bạn tự kỉ hay thiểu năng trí tuệ. Có người còn yêu cầu tôi cho các bạn bị bệnh lên lớp chuyên biệt học vì sợ bị ảnh hưởng. Nếu tách các con như vậy, những đứa trẻ bị bệnh kia sẽ cảm thấy mặc cảm, khó có thể hòa nhập. Những đứa trẻ này đều là con tôi. Lương tâm người mẹ không cho phép tôi làm điều này".
Theo cô Bích Nga, khó khăn nhất là phải tạo môi trường hòa nhập cho các em. Ảnh: Thuỳ Dương
Công tác vận động tư tưởng các bậc phụ huynh để họ thấu hiểu và chia sẻ không hề dễ. Đối với cô Nga, tình yêu thương chân thành sẽ “cảm hóa” được mọi người. “Tôi thường nói với các con rằng các bạn bị bệnh, nhưng bệnh nào rồi cũng sẽ khỏi nếu các con yêu thương, giúp đỡ bạn” - cô chia sẻ.
Khi nói về học sinh của mình, ánh mắt cô Nga luôn rạng rỡ: “Tôi không hề nghĩ các con là những đứa trẻ bị bệnh. Có thể với nhiều người chứng kiến lần đầu sẽ thấy sợ nhưng với tôi, nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy mỗi con đều có nét đáng yêu riêng".
Hạnh phúc trong ngày 20.11 đặc biệt của người làm nghề giáo như cô Nga vô cùng giản dị: “Trong quãng thời gian làm nghề, tôi không thể quên được món quà của một em học sinh bị bệnh tự kỷ dành tặng. Đó là bức tranh do chính em vẽ, người trong bức tranh đó là tôi. Điều đặc biệt là cậu học trò đấy vẽ y hệt trang phục, kiểu tóc của tôi”. Cô Nga cho biết, với một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, chỉ cần học sinh nhớ đến cô, đó là một điều tuyệt vời và ý nghĩa.
Ở một môi trường đặc biệt, những nỗi vất vả không thể nói hết bằng lời. Cô Bích Nga chia sẻ, thời gian đầu, nhiều khi cô muốn buông xuôi, nhưng nếu cô buông thì tương lai của các em sẽ ra sao, điều này lại thôi thúc cô trên hành trình giúp các em hòa nhập.
“Nhìn thấy các con trong lớp hòa đồng, giúp đỡ lẫn nhau mà bản thân thấy mừng khôn xiết. Nhiều thế hệ học trò đã tốt nghiệp đại học và trưởng thành. Một số em đã xây dựng gia đình nhưng không quên gửi thiệp mời đến tôi. Đó chính là những giây phút tôi gặt được trái ngọt” - đôi mắt cô rưng rưng.
Ngày 20.11 của những cô giáo đặc biệt: Dạy con mà trào nước mắt
Có những trẻ ngày đầu đến lớp chỉ nhìn lên trần và cười hềnh hệch, có trẻ thì gào thét cả ngày không ngớt, có ... |
Những người thầy chưa từng được kỷ niệm Ngày Nhà giáo
Việc thay quà tặng bằng chiếc phong bì để tri ân thầy cô giáo trong ngày 20.11 đã không còn là "chuyện lạ". Nhưng “của ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-me-thu-2-cua-tre-khuyet-tat-va-mon-qua-y-nghia-ngay-2011-823710.html