Phú Quốc trước ngày thành đặc khu kinh tế, nhiều nhà đầu tư đổ về đầu cơ đất đai, mở khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh casino… Nhiều hoạt động kinh tế, du lịch, dịch vụ được đánh giá sẽ khoác chiếc áo vàng lóng lánh cho hòn đảo ngọc nằm cuối dải đất hình chữ S, đưa về nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia.
Thế nhưng nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo về những hệ lụy cho vấn đề mai một, lai căng giá trị văn hóa biển đã được các thế hệ người dân nơi đây lưu giữ qua nhiều thế kỷ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnambiz).
Nhắc đến Phú Quốc không thể không nhắc đến các làng nghề làm nước mắm truyền thống ven biển.
Thương hiệu nước mắm Phú Quốc không chỉ lớn mạnh trong nước mà còn có mặt ở hàng trăm quốc gia từ Âu sang Á qua con đường xuất khẩu.
Phú Quốc còn nổi tiếng với mặt hàng hồ tiêu có vị thơm và cay nồng, đậm vị hơn các vùng miền khác, nhất là tiêu đỏ Phú Quốc được thị trường nhiều nước ưu chuộng qua hàng thập kỷ qua.
Một thập niên trở lại đây, Phú Quốc còn làm được một chuyện khó tin khi là địa phương đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu giống chó Phú Quốc sang nhiều nước.
Những chú chó thông minh, giỏi bơi lội, sống gắn bó với người dân Phú Quốc từ khi hình thành những làng nhỏ ven biển cho đến khi Phú Quốc thành đặc khu kinh tế sắp tới nữa.
Loài vật trung thành này còn gắn với những câu chuyện cảm động của ngư dân ven biển Phú Quốc về những lần cứu người khi các cơn bão tràn vào hòn Đảo Ngọc.
Nhiều gia đình ở Phú Quốc còn lập mộ cho những chú chó, gắn với văn hóa truyền thống trọng tình cảm của người Việt từ bao đời nay.
Ở Phú Quốc, nhiều làng “Chạy Gió” của ngư dân ven biển còn có tục thờ người mở đất cho Đảo Ngọc, có lễ giỗ Nguyễn Trung Trực hàng năm để tri ân, tưởng nhớ đến người mở cõi.
Người dân Phú Quốc kể rằng, từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đã có người dân sống ở đảo, mang theo văn hóa Óc Eo.
Đến thế kỷ 17, Mạc Cửu dẫn những người Hoa đầu tiên đến ở Phú Quốc, lập nên thương cảng Hà Tiên và tạo dựng được nhiều vùng canh tác nông nghiệp cho người dân trồng trọt, buôn bán sầm uất.
Người Phú Quốc còn kể, khi chúa Nguyễn cho lập các trấn phủ ở đây thì hoạt động thương cảng rất phát triển và khi nhà truyền giáo Pierre Pigneu de Béhaine đặt chân đến Phú Quốc thì tiếng quốc ngữ được sử dụng để giao tiếp trên đảo.
Cũng kể từ đây, một nền văn hóa biển đậm chất của người Việt, mang theo những giá trị đặc trưng của người Việt phương Nam được nhiều thế hệ người Phú Quốc lưu giữ.
Ở thị trấn Dương Đông cho đến nay còn có nhiều ngôi chùa như Sùng Hưng, Sùng Đức, Sư Muôn đã có hàng trăm năm tuổi, lưu giữ nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa Phật giáo đặc trưng của người ven biển.
Phú Quốc còn được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài, với hai thánh thất ở Thị trấn Dương Đông, hàng năm thu hút nhiều lượt khách du lịch tâm linh khi đến thăm đảo.
Một số nhà nguyện, nhà thờ được xây từ những năm 1930, phục vụ đời sống tâm linh của người dân trên huyện đảo.
Ngoài các giá trị văn hóa kể trên, nhiều danh thắng ở Phú Quốc đã nức tiếng trên thế giới, như vườn quốc gia Phú Quốc, khu vảo tồn biển Phú Quốc, Dinh Cậu, quần đảo An Thới, làng chài Hàm Ninh, vườn thú bán hoang dã đầu tiên của Việt Nam - Safari Phú Quốc.
Với nhiều những giá trị văn hóa biển hết sức đa dạng, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt ven biển đã giúp cho Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hàng năm của Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho Phú Quốc được phát triển thành đặc khu kinh tế để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho sự phát triển của đảo ngọc. Dự kiến đề án được thông qua giữa năm 2018, cùng với Luật về đặc khu.
Thế nhưng, nhìn vào các biến động gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra lo ngại khi các hiện tượng mai một, lai căng văn hóa biển đang diễn ra một cách tiêu cực.
Cụ thể, nhiều nhà đầu tư đổ về đầu cơ, thu mua đất đai, nhiều chủ đầu tư phân lô bán nền đất dọc ven biển, khiến hình ảnh quy hoạch đặc khu trở nên méo mó.
Người dân Phú Quốc bức xúc vì nhà đất bị giải tỏa, thu hồi cho các dự án khu du lịch sinh thái biển, đất công nghiệp - dịch vụ.
Mất đất, người dân chuyển sang các nghề dịch vụ phục vụ khách du lịch để kiếm sống, chạy theo giá trị đồng tiền khiến nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ văn hóa bị bỏ quên.
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn mọc nên như nấm sau mưa, có nhiều ngư dân bỗng nhiên trở thành “đại gia” chỉ quan tâm đến kim tiền. Không ít khách du lịch khi đến Phú Quốc ngậm ngùi khi chứng kiến sự hoang sơ của đảo ngọc ngày nào nay đang biến mất.
Đảo đang bị bê tông hóa rất nhanh với những công trình dịch vụ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng mà các nhà đầu tư lớn đã sớm xí phần.
Phú Quốc như “miếng bánh” béo bở để chia nhỏ, quy hoạch thành những thiên đường nghỉ dưỡng, nhiều làng chài ven biển mất đi các giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời, để chạy theo các loại hình dịch vụ ăn theo du lịch.
Dẫu biết, cơ hội để Phú Quốc vươn thành rồng là có thật, thế nhưng nhìn về những hệ lụy kể trên, những người luôn đau đáu với văn hóa truyền thống của người Việt không khỏi chạnh lòng.
Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm sự hài hòa giữa việc thúc đẩy phát triển văn minh hiện đại nhưng không để mai một văn hóa biển ở Phú Quốc, nơi còn được biết đến với tên gọi: Đảo Ngọc.
Phú Quốc đất lại “nóng”
Chỉ sau 1 cú điện thoại, giá 1 thửa đất tăng thêm nửa tỉ đồng, thậm chí giá 1 công đất (1.000m2) ở vị trí ... |
Lấn biển, băm nát làng chài
Thời gian qua, làng chài Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang bị băm nát để mở nhà hàng, quán nhậu và xây công ... |