Lượng khách đến đảo Lý Sơn tăng 37 lần so với năm 2010, nhưng nhiều ý kiến lo ngại xung đột giữa phát triển nóng và bảo tồn di sản.
Đảo Lý Sơn sắp được công nhận là công viên địa chất toàn cầu |
Lý Sơn khuyến khích du khách trồng cây xanh lưu niệm lại đảo |
Năm điểm đến cho kỳ nghỉ 2/9 không cần đặt vé máy bay |
16 năm trước, Bùi Huệ, một ngư dân ở đảo Bé bị liệt tứ chi khi đang lặn bắt hải sâm tại vùng biển Hoàng Sa. Hình ảnh Huệ cùng những chú chó kéo xe thay đôi chân mình đã trở nên thân thuộc ở đảo Bé.
Sống bằng nghề đan lưới và nuôi cua giống, cuộc sống của chàng trai bị liệt dù lạc quan nhưng bấp bênh với nguồn thu nhập ít ỏi. Nhưng rồi vài năm trở lại đây, khi du khách tấp nập đến, anh đã khấm khá hơn với nghề lái xe tuk tuk đưa du khách đi khắp đảo.
Người dân cho du khách thuê xe tuk tuk để di chuyển trên đảo. Ảnh: Thạch Thảo.
Sáng 30/8, tại hội thảo phát triển Lý Sơn do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, câu chuyện này được bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh dẫn lại như minh chứng về sự phát triển du lịch của hòn đảo này. Theo bà Hoa, lượng khách đến đảo Lý Sơn chiếm 1/4 lượng khách đến Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện Lý Sơn cho biết, năm 2016, tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện đạt 1.355 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2013. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm ước đạt 1.043 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ du lịch nhiều năm liền tăng trưởng trên 30%, riêng 7 tháng đầu năm tăng trưởng 40%. Cơ cấu thương mại dịch vụ tăng từ 21,49% năm 2010 lên 26,11% năm 2016.
Các nhà khoa học quốc tế khảo sát địa chất tại hang cau. Ảnh: Thạch Thảo.
Chỉ vào biểu đồ tăng trưởng du khách đến Lý Sơn, ông Nguyễn Viết Vy mô tả: "Từ năm 2010 đến 2013, biểu đồ này gần như đi ngang. Nhưng từ năm 2013 đến nay, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 và Lý Sơn hòa điện lưới quốc gia thì tăng trưởng đột biến, gần như theo hình thẳng đứng".
Cụ thể, năm 2016, Lý Sơn đón 165.000 du khách, tăng 37,5 lần so với năm 2010 và 20 lần so với năm 2013. Trong 8 tháng đầu năm 2016, đảo này tiếp tục đón 210.000 lượt du khách.
Phân tích về sự tăng trưởng này, Bí thư Nguyễn Viết Vy nói: "Trước tiên, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, người dân cả nước đã dành cho Lý Sơn tình cảm đặc biệt".
Lý Sơn được biết đến là "vương quốc tỏi", với những cánh đồng hành và tỏi xanh mướt. Nhưng Lý Sơn không chỉ có hành và tỏi. Ông Vy nhấn mạnh, Lý Sơn được hình thành từ núi lửa phun trào, có nhiều di sản thiên nhiên độc đáo và các di sản văn hóa gắn liền với quá trình bảo vệ đất nước của cha ông.
Theo báo cáo, huyện Lý Sơn hiện có 109 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 6 khách sạn, 46 nhà nghỉ... và hơn 40 cơ sở kinh doanh ăn uống. Mỗi ngày, hòn đảo đón tới 3.000 lượt du khách.
Trong hai năm trở lại đây, đảo Lý Sơn bị "bê tông hóa" khi các khách sạn, nhà nghỉ và công trình cao tầng cấp tập mọc lên. Điều này khiến nhiều ý kiến lo ngại Lý Sơn dần mất đi vẻ nguyên sơ, là điểm quyến rũ du khách, đồng thời xâm phạm đến cảnh quan, môi trường, và các di sản thiên nhiên.
Thắng cảnh hang cau ở Lý Sơn. Ảnh: Thạch Thảo.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất Việt Nam cho biết, đảo Lý Sơn có tổng cộng 10 miệng núi lửa, trong đó có 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng núi lửa ngầm. Nhiều miệng núi lửa có cấu tạo độc đáo, hiếm có, như cụm núi lửa từ núi Thới Lới tới chùa Hang có cấu tạo đặc biệt, là hai núi lửa chồng nhau.
Chuyên gia đánh giá, Lý Sơn có thế mạnh về tài nguyên du lịch địa chất - địa mạo, núi lửa, biển và văn hóa biển đảo. Thế mạnh vượt trội này là cơ sở để tạo nên sự khác biệt của du lịch Lý Sơn đối với cả nước và quốc tế.
Nhưng các di sản này cũng dễ bị tổn thương, ông Minh cho biết, núi lửa có hai loại là phun nổ to và phun nghẹt, thấp nhỏ quý hiếm trên đảo. Đứng trên quan điểm bảo tồn, ông lo ngại nếu công trình cao tầng quá lớn che đi thì các di sản sẽ mất hết giá trị. Ông Minh đề xuất tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch khống chế chiều cao các tòa nhà để không xâm phạm đến di sản.
Nhấn mạnh sự hài hòa giữa bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa, nhưng du lịch Lý Sơn vẫn còn nhiều vấn đề khác cần quan tâm. Tại hội thảo, đại diện các công ty lữ hành đã nêu thực trạng nghèo nàn sản phẩm du lịch, quà tặng, sự yếu kém của hướng dẫn viên chỉ biết "dẫn khách ra rồi dẫn khách về" mà không biết giới thiệu gì về địa danh, hay những tiểu tiết làm Lý Sơn mất điểm như... thiếu nhà vệ sinh.
Các yếu kém này cần khắc phục và học hỏi thêm cách làm du lịch của những địa phương lân cận như Cù Lao Chàm, Quảng Nam.
Các đại biểu cho rằng Lý Sơn cần phát triển loại hình cộng đồng gắn với văn hóa, du lịch địa chất, du lịch núi lửa... để tiếp tục thu hút du khách và trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia trong tương lai.
Điều chỉnh quy hoạch, chi 50 tỷ làm công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn Ba năm trước, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành đồ án quy hoạch chi tiết đảo Lý Sơn. Tuy nhiên đến nay quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh cho biết, các loại hình du lịch địa chất, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng trước đây chưa được đặt đúng mức. Ông Vũ cho rằng, ở Việt Nam nhiều nơi có biển, đảo, nhưng không nơi nào có nhiều đặc biệt như Lý Sơn. Để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, Sở sẽ tham mưu tỉnh điều chỉnh quy hoạch để Lý Sơn có thể phát triển du lịch bền vững. Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu của tổ quốc, cách đất liền tỉnh Quảng Ngãi khoảng 15 hải lý. Được biết đến là quê hương Hải đội Hoàng Sa, Lý Sơn còn có nhiều di sản địa chất quý hiếm được hình thành từ núi lửa phun trào 11 triệu năm trước. Tỉnh Quảng ngãi dự kiện chi 50 tỷ đồng, đẩy mạnh xây dựng đề án để đảo Lý Sơn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này được cho là cú hích để Lý Sơn phát triển du lịch bền vững. |
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/quang-ngai/ly-son-tang-truong-du-lich-theo-hinh-thang-dung-3634850.html