Trước tình trạng nạn 'chặt chém' du khách vẫn thường xuyên xảy ra dù cơ quan chức năng đã xử phạt, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng quy định xử phạt quá nhẹ nên không có tính răn đe.
Hóa đơn của nhà tàu Hồng Long, được cho là "chặt chém" đoàn khách từ Đồng Nai ra tham quan vịnh Hạ Long ẢNH DU KHÁCH CUNG CẤP |
Luật đang “xử” nhẹ nạn chặt chém
Anh Nguyễn Đình Tuyên, công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, tố bị một nhà hàng tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) "chặt chém" khi đi du lịch ở đây.
Anh Tuyên cho biết khoảng 9 giờ 30 ngày 11.11, đoàn của anh gồm 9 người đi tham quan vịnh Hạ Long trên tàu du lịch Hồng Long QN-4266 với giá trọn gói 2,6 triệu đồng. Sau đó, đoàn đã ăn trưa trên tàu với thực đơn gồm cá song, mực ống, thủy sâm, cơm rau và phải thanh toán tổng cộng hơn 8 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Tuyên, cá song bị thay bằng cá sủ, thủy sâm bị thay bằng con thưng biển trong thực đơn bữa ăn. Số tiền đoàn phải thanh toán cho bữa ăn là 6,4 triệu đồng. Ngoài ra còn phải trả công chế biến, trả tiền đồ tráng miệng, tiền bia để hấp hải sản.
Trước đó, vào tháng 7.2017, tại Đà Nẵng, Chi cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng cũng quyết định xử lý vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với nhà hàng M.Đ (Q.Sơn Trà) vì có hành vi bán hàng hóa không đúng với giá niêm yết, sau khi nhận thông tin về việc chị Đào Thị Thu Hiền (trú Hà Nội) đăng trên trang Facebook cá nhân về việc bị quán ăn M.Đ. "chặt chém" hơn 6 triệu đồng cho bữa ăn gồm 15 người lớn và 12 trẻ em.
Năm 2016, Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa (Nha Trang) xử phạt một tiệm bán bánh căn 1 triệu đồng về hành vi Không niêm yết giá theo quy định sau khi báo chí phản ánh tình trạng tiệm bánh căn bán 2 dĩa với giá 250.000 đồng.
Trước tình trạng nạn chặt chém dù bị xử phạt nhưng nơi nơi vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng quy định xử phạt quá nhẹ nên không có tính răn đe
Chưa có quy định xử phạt tái phạm
Luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP,HCM) cho biết theo quy định tại Nghị định 177 năm 2013 của Chính phủ, thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện việc niêm yết giá, đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam. Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
“Với hành vi: “Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” hoặc “Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng” sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 5 điều 11 Nghị định 49 năm 2016 của Chính phủ, với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; Còn với hành vi: “Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá” sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 điều 12 Nghị định 109 năm 2003 của Chính phủ.
Đồng thời, theo khoản 7 Điều 12 Nghị định này thì ngoài xử phạt hành chính, còn có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước”, LS Hưng phân tích.
Tuy nhiên, LS Hưng cho rằng quy định như trên là quá nhẹ vì tình trạng “chặt chém” du khách chưa bao giờ có dấu hiệu giảm lại, thậm chí còn tinh vi hơn. “Hơn nữa, các nhà làm luật thường nghĩ rằng thiệt hại tình trạng “chặt chém” là nhỏ nên hình thức xử phạt cũng nhẹ. Tuy nhiên, cứ để tái diễn thì hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế hoặc hình ảnh du lịch tại địa phương sẽ khó phát triển xa hơn", LS Hưng nói.
"Các quy định xử phạt hành chính hiện hành chưa đề cập đến vấn đề cơ quan, tổ chức có hành tái phạm sẽ phải xử lý như thế nào nên tình trạng tái diễn vẫn thường xuyên xảy ra. Thiết nghĩ, nên có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ kinh doanh có thời hạn và nếu tái phạm thì tước giấy phép kinh doanh tùy mức độ tái phạm nguy hiểm như thế nào hoặc tái phạm bao nhiêu lần”, LS Hưng nói thêm.
Ngoài ra, nhiều ý kiến LS cũng cho rằng để hạn chế nạn “chặt chém” thì trước tiên du khách phải tự bảo vệ mình, rằng trước khi đặt món ăn uống cần phải hỏi giá cả rõ ràng, thậm chí nên buộc đại diện chủ quản báo giá bằng giấy tờ để làm bằng chứng. Trường hợp quán ăn, nhà hàng cung cấp không đúng chất lượng sản phẩm, thì phải trả lại, tránh tình trạng dùng rồi mới khiếu nại.
Thông tin bất ngờ vụ chặt chém bữa ăn 8 triệu trên vịnh Hạ Long
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, khách bị chặt chém với bữa ăn 8 triệu đồng không phải lỗi của nhà tàu mà ... |
Du khách bị \'chém\' bữa cơm hơn 8 triệu đồng trên vịnh Hạ Long
Một đoàn khách 9 người từ tỉnh Đồng Nai đi thăm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã tố bị chủ tàu du lịch chặt chém, ... |
https://thanhnien.vn/thoi-su/luat-dang-xu-nhe-nan-chat-chem-du-khach-900678.html