Nhiều gia đình đồng bào thiểu số tại huyện Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) bị một cán bộ chính sách hướng dẫn nộp 3,5 triệu đồng/hộ để được hưởng nhà hộ nghèo. Tiền đã nộp cách đây nửa năm nhưng nhà thì không có, khi họ viết đơn hỏi thì địa phương mới hay biết, nhưng chưa được giải quyết.
Trưởng thôn Riêng (bìa phải) và các hộ nghèo nộp tiền cho ông Dũng trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: H.T
Nghèo “rớt mùng tơi” còn gánh thêm nợ
Thôn A Liêng thuộc xã Tà Rụt của huyện Đak Rông (tỉnh Quảng Trị) nằm ở bên kia dòng sông Đakrông. Nơi này chưa có cầu bắc qua sông, nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Toàn thôn có 87 hộ nhưng có 52 hộ nghèo. Tháng 4.2017, ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Tà Rụt - đã đến khảo sát những hộ nghèo có nhà bị xuống cấp và nói với bà con rằng, sẽ giúp đỡ để 14 hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà chính sách.
Theo lời ông Dũng, nếu muốn có nhà sớm thì mỗi hộ phải nộp 3,5 triệu đồng, ít lâu sau sẽ được xây ngôi nhà trị giá 60 triệu đồng. Tin lời ông Dũng, những gia đình nghèo ít hiểu biết này chạy vạy mọi nơi để có được 3,5 triệu đồng để có ngôi nhà kiên cố. Trong ngôi nhà ọp ẹp có 6 người, anh Hồ Văn Dêng (sinh năm 1971, trú tại A Liêng) kể, lúc nghe cán bộ Dũng hướng dẫn nộp tiền thì trong túi anh không có đến chục ngàn bạc. Nhưng mong muốn có được ngôi nhà kiên cố để sinh sống, nên anh bàn với gia đình đi vay nhóm tiết kiệm 3,5 triệu đồng. “Tiền nộp từ lâu rồi, nhưng không thấy nhà đâu. Cán bộ Dũng cũng không thấy quay trở lại nên lo lắm, không biết lấy tiền đâu để trả lãi và gốc đã vay” - anh Dêng lo lắng.
Tương tự, chị Hồ Thị Ba (sinh năm 1983), anh Hồ Văn Tha (sinh năm 1981)… cũng đi vay nhóm tiết kiệm và hiện rất lo lắng khi nhà không có mà phải gánh khoản nợ, khoản lãi.
Không có chủ trương thu tiền
Sau khi vay được từ 3 đến 3,5 triệu đồng, theo lời hướng dẫn của cán bộ Dũng, 14 hộ nghèo nộp tiền cho trưởng thôn Hồ Minh Riêng. Anh Riêng thu tiền theo từng đợt, rồi đưa cho Dũng tổng cộng 47,5 triệu đồng. Trưởng thôn Riêng kể: “Cán bộ Dũng nói không lội qua sông được nên nhờ mình thu tiền. Mình thu xong, đưa tận tay và Dũng đưa lại khoảng hơn 5 triệu đồng, nói rằng đây là tiền hoa hồng”. Nghĩ làm được việc, vừa giúp cho dân có nhà, vừa giúp cán bộ Dũng hoàn thành công việc nên trưởng thôn Riêng chẳng mảy may suy nghĩ. Nhưng sau nhiều lần hứa hẹn nhưng nhà cho các hộ nghèo chưa thấy, anh Riêng đã làm đơn gửi lên UBND xã thắc mắc.
Ông Tô Yên Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Rụt - cho biết, ông Dũng làm việc tại địa phương nhưng do huyện hợp đồng và trả lương. Từ tháng 10.2017 đến nay, ông Dũng không vào làm việc dù xã đã gửi giấy yêu cầu. “Có thể từ việc huyện có văn bản với nội dung từ 31.12.2017 sẽ cắt hợp đồng với trường hợp này, nên từ đó ông Dũng làm việc rất xì xòa” - ông Trọng nói.
Sau khi có đơn của người dân thôn A Liêng, xã Tà Rụt đã tìm hiểu vụ việc và xác nhận thông tin 14 hộ nghèo đã nộp 47,5 triệu đồng cho ông Dũng. “Việc thu tiền là do Dũng tự ý, không ai đưa ra chủ trương này” - ông Trọng khẳng định. Xác định tính chất vụ việc nghiêm trọng nên Công an huyện Đak Rông đã vào cuộc và có buổi làm việc với địa phương cùng ông Dũng. Sau khi viết bản tường trình, thừa nhận việc tự ý thu tiền của người dân, ông Dũng cam kết sẽ hoàn lại tiền vào ngày 4.12, nhưng đến thời điểm ngày 7.12 vẫn bặt vô âm tín. Được biết, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đak Rông đã có văn bản gửi Công an huyện Đak Rông đề nghị xác minh, làm rõ vụ việc.
Hà Tĩnh: Khuyết tật bẩm sinh, vẫn không được công nhận người khuyết tật? Cháu Trần Thị Kim Ngân (SN 2005) tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) mặc dù bị khuyết tật bẩm sinh, phần xương bả vai đến toàn ... |
Trần tình của phó chủ tịch xã để vợ con “đi lạc” vào hộ nghèo Ông Hoàng Văn Tin, Phó Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho rằng, việc vợ con mình nằm trong ... |