Mấy ngày nay, những người yêu chó mèo rất bất bình vì tin tức trên báo về chuyện Chi cục thú y TP.HCM lập đội chuyên đi bắt chó thả rông với hình thức bắt khá thô bạo. Sau đó chủ phải đến chuộc lại với giá 2,5 triệu đồng/con; nếu sau 72 giờ, chó không có chủ đến chuộc thì chúng bị đem tiêu hủy.
Hà Nội: Đề xuất xử lý chó thả rông trong vòng 48 giờ |
Có rất nhiều ý kiến phản đối lẫn đồng tình. Theo tôi thì Chi cục thú y TP.HCM chủ trương là đúng, nhưng cách làm thì chưa phù hợp khi ra quân như một “cuộc chiến chống chó mèo” như thế. Sau đó, là giá tiền để chuộc lại một con chó quá cao, thay vì họ phải đóng tiền phạt không rọ mõm khi để chó ra đường chưa đến 1 triệu đồng. Và “tiêu hủy” sau 72 giờ là biện pháp rất thiếu nhân văn mà cục thú y đang làm, bởi chúng không có lỗi gì khi phải đem “tử hình” như thế. Và có nhiều ý kiến tiêu cực cho rằng chúng sẽ bị bán cho các lò mổ rồi ra quán nhậu. Nhưng qua sự đồng tình và phản đối đó, tôi nhận thấy có 3 vấn đề rất nổi trội mà cả người nuôi chó lẫn cục thú y chưa quan tâm giải quyết một cách thấu đáo.
Ý thức vệ sinh nơi công cộng của người nuôi còn quá kém
Tất cả những con hẻm nhỏ, công viên, khu vui chơi thiếu nhi, đường phố... cứ mỗi sáng là chó nhà được dắt đi dạo, nhưng thực chất là dắt chó đi vệ sinh. Trong khi con người có nhà vệ sinh đàng hoàng, thì chó lại phóng uế nơi công cộng, nơi người ta tập thể dục để hít thở không khí trong lành, hoặc đường sá để đi lại, nhất là vỉa hè dành cho người đi bộ đầy phân chó. Nên tôi không lạ gì khi đội săn bắt chó làm việc, có rất nhiều người hoan nghênh!
Quản lý của thú y còn lỏng lẻo
Hiện tại, những gia đình có nuôi chó đều biết rất ít đến những quy định về sức khỏe cho chó như: xổ giun định kỳ, lịch tiêm ngừa... Họ không biết chó sau sinh bao lâu thì được tiêm ngừa, tiêm những căn bệnh nào và tiêm bao nhiêu mũi, mỗi mũi cách nhau bao lâu... Thậm chí, có rất nhiều gia đình không biết trạm thú y ở đâu để mà hỏi.
Hiện nay, các trạm thú y đều có sổ theo dõi sức khỏe cho chó mèo, trong đó có lịch tiêm chủng đầy đủ, và cơ quan thú y cần sử dụng cuốn sổ đó như một thủ tục hành chính xác nhận chó mèo được nuôi hợp pháp. Cần định kỳ kiểm 1-2 lần/năm tại các hộ gia đình để bổ sung tiêm ngừa, xổ giun hoặc thông báo các quy định mới dành cho chúng. Ở các nước phát triển người ta vẫn làm như thế.
Người Việt chưa có tình yêu thương động vật
Trong những ý kiến đồng tình mà tôi đọc mấy ngày qua, có những ý kiến gần như là “tuyên chiến với chó mèo”, coi bọn chúng như là một con bệnh hay một loại vi rút gớm ghiếc nào đó có thể giết chết loài người ngay lập tức vậy. Trong khi chó, mèo là hai loài vật trung thành và thân thiện nhất với con người. Nhiều nước trên thế giới đã có quy định cấm ăn thịt chó mèo vì lý do đó.
Chuyện chó phóng uế bừa bãi, đó là do ý thức của con người (cụ thể là chủ của nó) chứ không phải lỗi của con chó. Nên nếu cấm thì hãy cấm những con người vô ý thức này nuôi chó mèo, chứ không phải mang những con thú đáng thương kia đi “tiêu hủy”.
Và với những người mẹ, người cha “tuyệt tình” với thú cưng, với động vật như thế, họ dạy những đứa trẻ bài học yêu thương động vật như thế nào nhỉ? Hay những đứa trẻ ấy lớn lên cũng nhìn động vật hoặc người khác như một loại vi rút kinh khủng nào đó?
Tóm lại, tôi đồng ý với các quy định mới ban hành của thú y về việc rọ mõm chó nơi công cộng, cấm phóng uế... Nhưng tôi phản đối việc làm đi bắt chó về rồi bắt người ta chuộc với giá thật cao, nếu ai chạy không đủ tiền để kịp chuộc ra thì con chó của họ bị mang đi “tiêu hủy” như thế! Bởi lỗi không thuộc về những con chó!
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà văn sống ở Đắk Lắk.
http://thanhnien.vn/toi-viet/loi-khong-phai-o-con-cho-874837.html