Lợi dụng tiền ảo để huy động vốn theo hình thức đa cấp là trái pháp luật

Đây là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam liên quan đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tiền ảo để tổ chức giao dịch, huy động vốn theo hình thức kinh doanh đa cấp.

Thị trường giao dịch tiền ảo diễn ra vô cùng sôi động.

Ngày 5.11, Lao Động Online đăng tải loạt bài phản ánh hoạt động kinh doanh đồng tiền ảo đang diễn ra rất nhộn nhịp ở nước ta, lôi kéo ngày càng nhiều người tham gia.

Đặc biệt, thời gian gần đây còn xuất hiện tổ chức kinh doanh, giao dịch các đồng tiền ảo theo hình thức đa cấp. Với tư cách là tổ chức trung gian, đi mời người dân tham gia đầu tư tiền ảo, với các chiêu quảng cáo là trả lãi “khủng”, được % hoa hồng nếu mời được người mới tham gia đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Công ty luật Basico - phân tích về hiện tượng này: Nếu huy động vốn theo nghĩa là vay mượn có căn cứ, giấy tờ, có khả năng trả nợ thì không vấn đề gì. Còn nếu theo hình thức đa cấp, dùng tiền của người sau trả cho người trước theo mô hình kim tự tháp thì chắc chắn là trái pháp luật (vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Điều 5 Nghị định Số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp).

Ngoài ra, mọi loại hình dịch vụ hoặc các loại hình kinh doanh khác không phải là mua bán hàng hóa, không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là chưa xác định rõ bitcoinx và các đồng tiền ảo khác là hàng hóa hay dịch vụ.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chính vì chưa có quy định cụ thể nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để trốn thuế bằng cách giao dịch thông qua đồng tiền ảo bitcoin, hoặc lừa đảo người dân tham gia vào đường dây đầu tư tiền ảo như vụ việc xảy ra ở Gia Lai mới đây.

Ngoài ra, người đầu tư vào tiền ảo sẽ chịu rất nhiều rủi ro bởi trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, người sở hữu, mua - bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ và rất dễ rơi vào cảnh mất trắng. Nhất là tại Việt Nam chưa có khung pháp lý nào quy định về việc kinh doanh tiền ảo.

“Nói chung mọi hình thức huy động vốn theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước - đều là phạm pháp, dù có là tiền ảo hay không. Trong khi chờ cơ quan quản lý hoàn thiện hành lang pháp lý, điều quan trọng nhất là cần cảnh báo người dân, không nên nhẹ dạ tin vào các lời quảng cáo để tránh bị sập bẫy đa cấp tiền ảo”- Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.

Từ ngày 1.1.2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhộn nhịp như đi “chợ” tiền ảo - Kỳ 1: Thực hư chuyện 2 năm đầu tư kiếm 30 tỉ đồng

Tại Việt Nam đang xuất hiện những “chợ” giao dịch, mời chào mua bitcoin và nhiều loại tiền ảo vô cùng nhộn nhịp. Đặc biệt, ...

Bitcoin là phương tiện rửa tiền “hoàn hảo” của tội phạm

Ngoài các tiện ích như nhanh, tiết kiệm chi phí thì giao dịch bằng tiền ảo bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tính chất ...

Bitcoin \'không chịu\' xuống giá sau khi cán mốc kỷ lục 6.300 USD

Giá bitcoin vừa chạm mức kỷ lục 6.300 USD lần đầu tiên vào cuối ngày 29.10, chỉ 10 ngày sau khi phá mốc 6.000 USD.

(https://laodong.vn/kinh-te/loi-dung-tien-ao-de-huy-dong-von-theo-hinh-thuc-da-cap-la-trai-phap-luat-574483.ldo)

/ Theo Bích Hà/Lao động